✴️ Tổng quan các phương pháp can thiệp ngoại thần kinh

Nội dung

1. Thông trực tiếp động mạch cảnh xoang hang (FCC)

Bản chất do xuất hiện luồng thông trực tiếp từ động mạch cảnh trong vào trong xoang hang. Bệnh lý này chiếm tỉ lệ cao ở Việt Nam, do liên quan cơ chế sinh bệnh sau chấn thương do tai nạn giao thông hoặc tai nạn sinh hoạt.

1.1. Lâm sàng

Bệnh nhân sau khi bị tai nạn khoảng vài tháng, xuất hiện lồi mắt, đỏ mắt tăng dần, có thể lác, giảm thị lực, nghe thấy có tiếng thổi hay tiếng ù vùng tai hoặc vùng mắt tùy theo mức độ của luồng thông. Khám thấy lồi và đỏ mắt, nghe có tiếng thổi vùng mắt hoặc thái dương. Trên siêu âm Doppler thấy tăng tốc độ dòng chảy động mạch cảnh trong bên tổn thương và giảm sức cản, thấy tĩnh mạch mắt giãn, đảo chiều dòng chảy và động mạch hoá.

1.2. Điều trị

Trước đây, điều trị bệnh lý này bằng phẫu thuật nhưng hiệu quả rất thấp và nguy cơ tai biến cao. Điều trị can thiệp nội mạch là phương pháp được lựa chọn tốt nhất để điều trị bệnh lý này.

Phương pháp can thiệp nội mạch sử dụng bóng hoặc vòng xoắn kim loại dưới trợ giúp vi ống thông đưa đến chỗ luồng thông rồi bơm bóng hoặc thả vòng xoắn kim loại làm tắc luồng thông mà vẫn bảo tồn được động mạch cảnh trong.

2. Điều trị can thiệp nội mạch não

Phình động mạch não là sự giãn khu trú dạng – hình túi hoặc hình thoi động mạch trong não. Khi giãn hình túi sẽ xác định được kích thước túi và cổ túi phình.

2.1. Nguyên nhân

Hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây phình mạch não. Các yếu tố nguy cơ được công bố bao gồm: yếu tố gia đình (di truyền), tăng huyết áp, xơ vữa mạch, bệnh lý tổ chức liên kết (Gan thận đa nang…).

2.2. Lâm sàng

Khi có phình mạch não có thể một trong hai tình huống sau:

Phình mạch chưa vỡ:

Có thể không có biểu hiện triệu chứng, có thể gây chèn ép biểu hiện các dấu hiệu thần kinh khu trú (sụp mi, liệt nửa người…), có thể biểu hiện nhồi máu (do di chuyển cục huyết khối trong túi phình)… Các phình mạch chưa vỡ thì nguy cơ vỡ hàng năm tăng cao theo kích thước túi phình (túi phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao).

Phình mạch đã vỡ:

Gây chảy máu dưới nhện. Biểu hiện cấp tính, đau đầu đột ngột, dữ dội, có thể nôn, buồn nôn, thậm chí hôn mê. Khám lâm sàng thấy có hội chứng màng não.

2.3. Chẩn đoán phình mạch não

Khi nghi ngờ chảy máu dưới nhện, chụp cắt lớp vi tính được lựa chọn vì cho phép chẩn đoán chính xác có máu khoang dưới nhện, trong não hay não thất, qua đó sơ bộ đánh giá nguyên nhân và vị trí. Đôi khi chảy máu ít hoặc chụp muộn sau hàng tuần có thể không quan sát thấy máu.

Chụp mạch não cắt lớp vi tính là phương pháp thực hiện nhanh, đơn giản, chẩn đoán rất chính xác có phình mạch não, qua đó định hướng điều trị.

Chụp cộng hưởng từ não và mạch não được ưu tiên lựa chọn đối với các trường hợp với phình mạch não chưa vỡ, hoặc để sàng lọc ở người có nguy cơ cao hoặc để theo dõi bệnh nhân sau can thiệp nội mạch nút phình mạch não. Cho kết quả chẩn đoán rất chính xác, có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.

2.4. Điều trị 

Với các phình mạch não vỡ:

Điều trị loại bỏ túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn càng sớm càng tốt. 2 phương pháp điều trị hiện tại được áp dụng ở Việt Nam gồm can thiệp nội mạch nút túi phình và phẫu thuật kẹp cổ túi phình. Trên thế giới, can thiệp nội mạch nút túi phình được ưu tiên vì theo kết quả nghiên cứu ISAT 2005, tỉ lệ hồi phục lâm sàng tốt hơn và biến chứng thấp hơn ở nhóm được can thiệp nội mạch.

Với các phình mạch chưa vỡ:

Theo khuyến cáo nên điều trị can thiệp nội mạch nếu túi phình có nguy cơ vỡ cao.

3. Điều trị can thiệp nội mạch dị dạng thông động tĩnh mạch não

Thông động tĩnh mạch não là loại dị dạng mạch – bẩm sinh gồm có cuống mạch nuôi là động mạch, ổ dị dạng và tĩnh mạch dẫn lưu. Hay gặp ở người trẻ tuổi.

3.1. Biểu hiện lâm sàng- : 2 dạng chính

  • Chưa vỡ: Không có biểu hiện gì, hoặc dấu hiệu thần kinh khu trú, đau đầu, động kinh…
  • Thể vỡ: Gây chảy máu tạo khối máu tụ trong não, não thất hoặc màng não.

Nguy cơ vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch phụ thuộc vị trí, kích thước và cấu trúc ổ dị dạng.

3.2. Chẩn đoán:

  • Chụp cắt lớp vi tính cho phép chẩn đoán vị trí khối máu tụ, ổ dị dạng.
  • Chụp mạch não cắt lớp vi tính xác định được ổ dị dạng thông động tĩnh mạch, đánh giá hình thái và cấu trúc ổ dị dạng, qua đó sơ bộ định hướng điều trị.
  • Chụp cộng hưởng từ não – mạch não: Xác định chính xác ổ dị dạng, liên quan với các tổ chức lân cận, đánh giá tổn thương nhu mô não kèm theo.
  • Chụp mạch não số hoá xoá nền là tiêu chuẩn vàng xác định chẩn đoán và quyết định lựa chọn phương pháp điều trị

3.3. Điều trị

  • Chỉ định điều trị tùy thuộc biểu hiện lâm sàng. Khi đã vỡ cần chỉ định loại bỏ ổ dị dạng.
  • Hiện nay có 3 phương pháp điều trị triệt để gồm: Can thiệp nội mạch, phẫu thuật và xạ phẫu. Có thể phối hợp các phương pháp trên cùng điều trị để đạt hiệu quả cao nhất.
  • Điều trị can thiệp nội mạch nút tắc ổ dị dạng bằng Onyx có kết quả tắc tốt an toàn hơn 

Nếu sau can thiệp nội mạch còn một phần nhỏ ổ dị dạng sẽ được điều trị bổ xung bằng xạ phẫu sẽ cho kết quả tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top