Các loại giày thể thao

Nội dung

 

Giày chạy bộ

Phần lớn các hãng giày đều phân loại giày theo mục đích sử dụng, và giày chạy bộ chính là một phân nhóm lớn trong mảng giày thể thao nói chung. Các nghiên cứu chuyên sâu gần đây còn hướng đến cải tiến giày chạy bộ theo từng kiểu bàn chân để có thể tối ưu sự an toàn và hiệu suất vận động cho người sử dụng. Có thể tham khảo một số định hướng giày theo kiểu bàn chân như sau:

  • Giày trung tính được thiết kế cho những người chạy có kiểu bàn chân vòm bình thường hoặc vòm cao.
  • Giày ổn định giúp giữ vững cho những người chạy có kiểu bàn chân bẹt mềm (là dạng bàn chân khi bình thường có vòm thấp hoặc bình thường, nhưng trong lúc chạy bộ sẽ chuyển sang trạng thái bẹt hoàn toàn)
  • Giày kiểm soát chuyển động được thiết kế cho những người chạy có bàn chân bị bẹt cứng (là dạng bàn chân không có vòm) và những người có trọng lượng cơ thể nặng.

Giày chạy bộ có một đặc điểm nổi bậc hơn so với các loại giày khác đó là độ chênh gót. Độ chênh gót là độ cao lên hơn của gót giày so với mũi giày. Có 3 nhóm độ chênh gót: độ chênh gót thấp (0-4 mm), độ chênh gót trung bình (5-8 mm) và độ chênh gót cao (trên 8 mm). Chúng ta sẽ có bài riêng để phân tích về độ chênh gót này tác động thế nào đến việc chạy bộ.

Nếu không lựa chọn đúng giày chạy bộ phù hợp, bạn có thể bị viêm gân, đau khớp mạn tính, chuột rút thường xuyên, thậm chí bị gãy xương và biến dạng bàn chân – ngón chân.

Nếu bạn đã chọn lựa đôi giày đúng mục đích nhưng cảm thấy vẫn chưa thực sự đem lại sự thoải mái cho đôi chân của mình thì có thể bạn đang có kiểu bàn chân đặc thù. Để bảo vệ tốt đôi chân của mình, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên gia về y học thể thao để xác định kiểu bàn chân của mình và từ đó có thể chọn được mẫu giày phù hợp.

 

Giày chạy địa hình

Một đôi giày địa hình được thiết kế cho những người thích chạy trên những vùng đất gồ ghề, thường là ở các khu vực tự nhiên. Loại giày này có dạng mặt đế có rãnh sâu hơn để tạo lực kéo và mang lại sự ổn định trên toàn giày hơn so với giày chạy bình thường.

 

Giày chơi trên sân nhân tạo

Giày chơi trên sân nhân tạo bao gồm những loại giày được thiết kế cho các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, futsal, các môn vợt,… Đế của dòng giày này có độ bám cao và độ cao gót thấp nhằm đem lại sự cân bằng cho mọi hướng di chuyển. Giày có thể có cổ thấp hoặc cổ cao, riêng cổ cao thường thấy ở giày bóng rổ để giữ vững cổ chân trong quá trình nhảy và tiếp đất.

 

Giày chơi trên sân cỏ (Giày đinh)

Giày đinh chắc chắn là một thiết kế không xa lạ với các môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục hay bóng chày. Đế của loại giày này được thiết kế như một mặt đinh với những “chiếc đinh” là những phần nhô ra, thường làm bằng thép hoặc nhựa cứng vừa chống trượt, vừa cung cấp thêm lực kéo, giúp vận động viên dễ dàng đẩy người về phía trước làm tăng hiệu suất đẩy trên cỏ hoặc mặt cỏ mềm.

Có nhiều loại giày đinh với những chi tiết đặc thù phù hợp riêng cho từng môn thể thao. Do đó, nên tìm hiểu kỹ thông qua ý kiến ​​của huấn luyện viên hoặc chuyên gia trước khi mua một đôi giày đinh mới. Ví dụ, giày bóng đá không có đinh mũi giày để không tạo lực cản trên mặt đất trong khi cầu thủ sút bóng, trong khi đó giày bóng bầu dục và giày bóng chày có đinh ở mũi giày giúp cải thiện lực kéo khi lao về trước.

 

Giày đi bộ

Tính năng quan trọng nhất của giày đi bộ mang lại sự ổn định cho vòm bàn chân, hấp thụ sốc tốt và mặt đế mịn. Bên cạnh đó, đi bộ liên quan đến kiểu dáng đi từ gót chân đến ngón chân, vì vậy phải đảm bảo rằng gót giày phải vững chắc.

Nếu bạn bị viêm khớp hoặc đau ở vòm bàn chân, giày có đế bo tròn ở gót sẽ là một lựa chọn phù hợp giúp bàn chân khi đi bộ có cảm giác như lăn tròn tự nhiên.

Giày đi bộ đường mòn

Một đôi giày đi bộ đường mòn cần phải cung cấp sự ổn định khi bạn đi trên các bề mặt không bằng phẳng, cũng như sự thoải mái và đệm ở đế để hấp thụ chấn động từ các tác động khác nhau. Giày đi bộ đường mòn cũng phải có mặt đế có rãnh sâu để giữ cho bàn chân của bạn vững chắc trên bề mặt mà bạn gặp phải. Hầu hết các loại giày đi bộ đường mòn đều có phần cổ cao giúp tăng độ vững vàng cho cổ chân.

 

Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn tìm được giày thể thao phù hợp cho mình:

1. Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa y học thể thao nếu bạn thấy mình có một kiểu bàn chân hơi đặc biệt.

2. Nên mua giày ở cửa hàng chuyên về môn thể thao của bạn.

2. Chọn giày theo mục đích sử dụng trước rồi mới đến kiểu dáng giày.

3. Khi thử giày nên chọn buổi chiều, và nhớ mang cả vớ khi thử.

4. Cần thử cả đôi, và thử di chuyển hoặc thực hiện vài động tác của môn thể thao liên quan.

 

Nguồn: 

return to top