Cà phê và đồ uống có ga
Theo một nghiên cứu vào tháng 07/2011 của Medical Clinics of North America, cà phê có và không có caffeine, trà là những loại đồ uống nên tránh vì chúng kích thích việc sản sinh axit và có thể gây ra chứng khó tiêu, đặc biệt là ở những người bị viêm loét dạ dày. Ngoài ra cũng có khuyến cáo nên tránh đồ uống có ga vì lý do tương tự.
Đồ uống có cồn
Trong một bài báo được công bố trong tháng 12 năm 2000 trong “American Journal of Gastroenterology”, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng uống rượu khiến chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng tới bệnh viêm loét dạ dày thực quản. Rượu có thể gây kích ứng và làm xói mòn niêm mạc dạ dày và ruột non. Vì thế người bị viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh để làm giảm nguy cơ bị viêm hoặc xuất huyết.
Thực phẩm nhiều gia vị và có tính axit
Những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, nước sốt nóng. Những thực phẩm này có thể làm tăng axit dạ dày, gây trào ngược dạ dày thực quản và làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến viêm loét dạ dày.
Nghiên cứu năm 1991 từ Medical Clinics of North America cũng xác định rằng các thực phẩm giàu axit citric gây ra khó chịu ở một số bệnh nhân bị loét dạ dày. Axit xitric có nhiều trong chanh, cam, bưởi, dứa, nước ép trái cây, mứt và thạch.
Thực phẩm khác
Ngoài cà phê, rượu và đồ uống có ga, người bị viêm loét dạ dày tá tràng cũng được khuyến cáo hạn chế các loại thực phẩm tinh chế như bánh mì trắng, mì ống và đường, thịt màu đỏ, chất béo chuyển hóa trong thức ăn chế biến sẵn.
Người bệnh nên cố gắng ăn nhiều chất xơ, rau lá màu xanh đậm, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, thịt nạc, các loại dầu tốt và 6 – 8 ly nước/ngày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh