✴️ Thuốc bổ khí, bổ dương (P1)

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa

Thuốc bổ là những thuốc có tác dụng bổ ích chính khí, tăng cường thể chất, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, để điều trị  hư chứng.

Phân loại

Hư chứng trên lâm sàng biểu hiện rất phức tạp, nhưng khái quát lại không ngoài:

khí hư - huyết hư - dương hư - âm hư. Thuốc bổ cũng căn cứ vào đó mà chia ra bổ khí - bổ dương - bổ huyết - bổ âm.

Chú ý khi dùng

Khi dùng thuốc bổ phải chú ý đến mối quan hệ giữa âm - dương - khí huyết của bệnh nhân. Nói chung những người có chứng dương hư phần lớn kiêm có khí hư, mà khí hư cũng dễ dẫn đến dương hư. Những người có chứng âm hư thường kiêm có huyết hư, mà huyết hư cũng dễ dẫn đến âm hư.

Khi dùng thuốc bổ thường phối hợp với thuốc trừ tà dùng trong trường hợp tà thịnh, chính khí suy hoặc chính khí hư nhược mà tà khí chưa dứt, để đạt được tác dụng phù chính khu tà.

Khi dùng thuốc bổ phải chú ý đến tỳ vị, phối hợp với các thuốc kiện tỳ tiêu thực, tăng cường vận hóa làm cho thuốc bổ phát huy được tác dụng.

Khi sắc thuốc bổ nên sắc lâu, kỹ.

Không nên lạm dụng dùng thuốc bổ cho những người khỏe mạnh, không có biểu hiện hư nhược, để tránh gây nên mất cân bằng âm - dương.

 

THUỐC BỔ KHÍ

Định nghĩa: thuốc bổ khí là những thuốc có tác dụng bổ ích khí của tạng phủ. 

Ứng dụng lâm sàng:

Tỳ khí hư biểu hiện là cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn bụng trướng đầy, đại tiện lỏng nát, nặng thì gây phù thũng, thoát giang...

Phế khí hư biểu hiện là ngại nói, tiếng nói nhỏ, hơi thở ngắn, nặng thì khó thở, dễ ra mồ hôi...

Khi điều trị chứng khí hư mà kiêm có dương hư thì phối hợp  với thuốc bổ dương, kiêm có âm hư thì phối hợp với thuốc bổ âm. Ngoài ra khí có tác dụng thống nhiếp huyết, nên bổ khí lại có khả năng sinh huyết - sinh tân. Do đó trên lâm sàng điều trị các chứng xuất huyết, ra mồ hôi, tiểu tiện nhiều, huyết hư tân hao... đều phối hợp với thuốc bổ khí hoặc với thuốc cầm máu, cầm mồ hôi, sáp niệu, bổ huyết sinh tân.

Chú ý: thuốc bổ khí phần lớn có tính nê trệ, nên khi dùng thường phối hợp cùng với thuốc hành khí.

Nhân sâm

Nhân sâm (Radis Ginseng) là rễ phơi hay sấy khô của cây nhân sâm Panax ginseng C.A.Mey, thuộc họ ngũ gia bì Araliaceae.

Tính vị : ngọt, hơi đắng, hơi ôn. Qui kinh tâm - phế - tỳ.

Tác dụng: đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân, an thần.

Chỉ định:

Điều trị các chứng bệnh nặng như khí hư dục thoát, mạch vi muốn tuyệt dùng Nhân sâm liều cao sắc uống để đạt được hiệu qủa đại bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát như bài Độc sâm thang. Điều trị chứng tứ chi lạnh ngắt (quyết lãnh), dương khí suy hao thì phối hợp với phụ tử để ích khí hồi dương như bài Sâm phụ thang.

Nếu kiêm có ra mồ hôi nhiều, miệng khát thì phối hợp dùng cùng với mạch môn - ngũ vị tử để ích khí liễm âm, như bài sinh mạch tán.

Điều trị chứng khí xuyễn lâu ngày, phế thận lưỡng hư thường dùng cùng với hồ đào nhục, cáp giới...  như bài nhân sâm cáp giới tán, nhân sâm hồ đào thang.

Điều trị chứng trung khí bất túc gây ra mệt mỏi, chân tay như không có sức, ăn ít, đại tiện lỏng nát... nhân sâm thường phối hợp dùng với bạch thược, phục linh, cam thảo như bài tứ quân tử thang.

Điều trị chứng sốt cao gây hao tổn khí - tân dịch, ra nhiều mồ hôi, miệng khát, mạch hư , thường phối hợp với thạch cao, tri mẫu như bài Bạch hổ gia nhân sâm thang.

Điều trị chứng khí huyết hao hư gây nên hồi hộp trống ngực, mất ngủ, hay quên thường dùng cùng với sinh địa, đan sâm, toan táo nhân ... như bài thiên vương bổ tâm đan.

Liều dùng:  Sắc uống 5 - 10g. Trường hợp nặng có thể dùng đến liều 15 - 30g.

Tác dụng dược lý: nhân sâm có tác dụng tăng cường khả năng hưng phấn - ức chế của hoạt động thần kinh cao cấp. Nhân sâm tăng cường khả năng linh hoạt của hoạt động thần kinh, nâng cao sức làm việc trí óc. Đối với thực nghiệm trêm tim động vật , nhân sâm có khả năng liều nhỏ gây hưng phấn, liều cao gây ức chế. Nhân sâm có tác dụng chữa ngất, mệt mỏi giảm đường máu, điều hoà chuyển hóa cholesterol, tăng cường khả năng tạo huyết, giảm nhẹ tác dụng tổn hại của bức xạ với cơ quan tạo máu, tăng cườngkhả năng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra nhân sâm còn có tác dụng chống lại phản ứng quá mẫn, chống ung thư...

Đẳng sâm

Đẳng sâm (Radis Codonopsis) là rễ phơi khô cây đảng sâm Codonopsis pilosula (Franch.) Nannf, thuộc họ hoa chuông Campanulaceae.

Tính vị:  ngọt, bình. Qui kinh tỳ - phế.

Tác dụng: ích khí - sinh tân, dưỡng huyết.

Chỉ định:

Điều trị  trung khí bất túc, cơ thể mệt mỏi, ăn ít, đại tiện lỏng nát...  thường phối hợp cùng với hoàng kỳ, bạch truật.

Điều trị phế khí hao hư, khái suyễn, đoản khí, âm thanh thấp bé, thường dùng cùng với hoàng kỳ, ngũ vị tử.

Điều trị chứng khí - tân dịch hư hao, gây đoản khí, miệng khô họng khát, hoặc khí huyết lưỡng hư gây sắc mặt ám vàng, hoa mắt, hồi hộp trống ngực thường dùng cùng với mạch môn, ngũ vị hoặc đương qui, thục địa.

Liều dùng: 10 - 30g.

Tác dụng dược lý: đẳng sâm có tác dụng hưng phấn hệ thống thần kinh tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giãn mạch ngoại vi gây hạ huyết áp, ức chế tác dụng tăng huyết áp của tố chất tuyến thượng thận, điều tiết vận động của ruột, chống viêm loét đường ruột, ức chế tiết dịch a xít của dạ dày, có tác dụng chống lại sự giảm bạch cầu khi bệnh nhân điều trị hóa liệu và phóng xạ.

Thái tử sâm

Thái tử sâm (Radis Pseudostellariae) là rễ phơi khô của cây thái tử sâm Psendostellaria heterophylla (Miq.) Pax ex Hoffm, thuộc họ cẩm chướng Caryophyllaceae.

Tính vị: ngọt, hơi đắng. Qui kinh tỳ - phế.

Tác dụng: bổ khí sinh tân.

Chỉ định:

Điều trị chứng tỳ khí hư nhiệt, vị âm bất túc, thường phối hợp dùng cùng với sơn dược, thạch hộc, nhưng tác dụng bổ khí không mạnh bằng đẳng sâm.

Điều trị chứng khí hư tân hao, ho khan, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, sốt nhẹ, ra nhiều mồ hôi, thường phối hợp dùng với sa sâm,  mạch môn, toan táo nhân, ngũ vị tử.

Liều dùng: 10 - 30g.

Hoàng kỳ

Hoàng kỳ (Radis Astragali) là rễ phơi khô của cây hoàng kỳ Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge, thuộc họ đậu Fabaceae.

Tính vị: ngọt, hơi ôn. Qui kinh tỳ - phế.

Tác dụng: bổ khí thăng dương, ích vệ cố biểu, lợi niệu tiêu thũng, thác sang sinh cơ.

Chỉ định:

Điều trị tỳ vị khí hư, khí đoản, ăn ít, đại tiện lỏng nát, tứ chi mệt mỏi thường dùng phối hợp với bạch truật như bài kỳ truật cao; nếu khí hư tương đối nặng, thường dùng phối hợp với nhân sâm để tăng cường tác dụng bổ khí như bài sâm kỳ cao; nếu khí hư dương nhược, mệt mỏi ra nhiều mồ hôi, thường phối hợp với phụ tử để ích khí ôn dương cố biểu như bài kỳ phụ thang; nếu trung tiêu hư hàn, đau bụng thường phối hợp với quế chi, bạch thược, cam thảo để bổ khí ôn trung như bài hoàng kỳ kiến trung thang.

Điều trị chứng trung khí hạ hãm, gây sa trực tràng, trĩ hoặc sa dạ con, sa dạ dày... như bài Bổ trung ích khí thang.

Điều trị chứng phế khí hư nhược, ho hen khí đoản, thường dùng cùng với tử uyển, ngũ vị tử. Gần đây điều trị viêm khí phế quản mạn thường phối hợp bách bộ, địa long. Điều trị biểu hư, tự hãn thường dùng phối hợp với bạch truật, phòng phong như bài ngọc bình phong tán.

Điều trị phù thũng do khí hư thủy thấp đình trệ, tiểu tiện không lợi, thường phói hợp dùng với phòng kỷ, bạch truật như bài phòng kỷ hoàng kỳ thang.

Điều trị khí huyết bất túc, mụn nhọt nội hãm, thường dùng phối hợp với đương qui,  xuyên sơn giáp, tạo giác thích.

Liều dùng: 10 - 15g, liều cao 30 - 60g.

Chú ý: không dùng trong biểu thực tà thịnh, bên trong có tích trệ, âm hư dương vượng.

Tác dụng dược lý: hoàng kỳ có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch lợi niệu, chống lão suy, dưỡng can, hạ áp. Thực nghiệm gây viêm thận, hoàng kỳ có tác dụng tiêu trừ protein niệu, tăng lực bóp cơ tim, ngoài ra còn có tác dụng kháng khuẩn, ổn định màng tế bào hồng cầu, nâng cao hàm lượng C - AMP, tăng cường tái sinh DNA, điều tiết hàm lượng đường máu.

Bạch truật

Bạch truật (Rhizoma Atractylodis macrocephalae) là thân rễ phơi khô của cây bạch truật Atractylodes macrocephala KoidZ, thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: đắng, ngọt, ấm. Qui kinh tỳ - vị.

Tác dụng: bổ khí kiện tỳ, táo thấp lợi thuỷ, cầm mồ hôi, an thần.

Chỉ định:

Điều trị tỳ vị khí hư, vận hóa vô lực, ăn ít, ỉa lỏng, bụng đầy chướng, tứ chi mệt mỏi, thường dùng cùng với nhân sâm, phục linh, can khương, chỉ thực.

Điều trị chứng tỳ hư thủy đình trệ, do đàm ẩm thủy thũng, tiểu tiện không lợi. Trị đàm ẩm thường phối hợp với quế chi, phục linh để ôn tỳ hóa ẩm như bài tứ linh tán.

Điều trị chứng tỳ hư khí nhược, cơ biểu bất cố mà nhiều mồ hôi, thường phối hợp dùng với hoàng kỳ, phù tiểu mạch .

Điều trị chứng tỳ hư khí nhược, động thai không yên, thường dùng cùng với sa nhân.

Liều dùng: 10 - 15g.

Tác dụng dược lý: bạch truật có tác dụng cường tráng, lợi niệu, giảm đường máu, kháng ngưng huyết.

Hoài sơn: sơn dược, củ mài.

Hoài sơn (Rhizoma Dioscoreae) là thân rễ củ cây hoài sơn Dioscorea opposita Thumb, thuộc họ củ nâu Dioscoreceae.

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh phế - tỳ - thận.

Tác dụng: ích khí dưỡng âm, bổ tỳ phế thận, cố tinh - chỉ đới - Chỉ định:

Điều trị chứng tỳ hư, ăn ít, mệt mỏi, đại tiện phân lỏng, phụ nữ đới hạ, trẻ em ỉa chảy đều có thể dùng được, thường phối hợp với nhân sâm, bạch truật, phục linh như bài sâm linh bạch truật tán.

Điều trị phế hư gây ho và hen lâu ngày, thường phối hợp dùng với nhân sâm, mạch môn,  ngũ vị. Điều trị di tinh - di niệu do thận hư thường dùng cùng với thục địa, sơn thù, thỏ ty tử, kim anh tử. Điều trị các chứng thận hư bất cố, đới hạ, trong loãng, không cầm, thường dùng cùng với thục địa, sơn thù, ngũ vị tử.

Điều trị âm hư nội nhiệt, miệng khát, uống nhiều, tiểu tiện nhiều, thường dùng cùng với hoàng kỳ, sinh địa, thiên hoa phấn.

Liều dùng: 10 - 30g, liều cao  60 - 250g.

Tác dụng dược lý: hoài sơn có tác dụng tư bổ, giúp tiêu hoá, giảm ho, tiêu đàm, giảm đường máu.

Bạch biển đậu: đậu ván trắng

Bạch biển đậu (Semen Lablab Album) là hạt phơi khô của cây bạch biển đậu Dolichos lablab L, thuộc họ cánh bướm Papilionaceae.

Tính vị: ngọt, hơi ôn. Qui kinh tỳ - vị.

Tác dụng: kiện tỳ - hoá thấp - tiêu thử.

Chỉ định:

Điều trị chứng tỳ hư thấp thịnh, vận hóa thất thường gây ăn ít, đại tiện lỏng nát, tỳ hư thấp trọc - bạch đới, thường dùng cùng với nhân sâm, bạch truật, phục linh.

Điều trị chứng thử thấp gây nôn và đi lỏng, phối hợp cùng với hương nhu,  hậu phác như bài Hương nhu ẩm. Ngoài ra còn điều trị chứng nôn do ngộ độc ăn uống, dùng bạch biển đậu tươi, giã vắt lấy nước uống, có tác dụng giảm độc và giảm nôn.

Liều dùng: 10 - 30g.

Cam thảo

Cam thảo (Radis Glycyrrhizae) là rễ phơi khô của cây cam thảo  Glycyrrhiza uralensis Fisch, thuộc họ cánh bướm Papilionaceae.

Tính vị: ngọt - bình. Qui kinh tâm - phế - tỳ -vị.

Tác dụng: ích khí bổ trung - thanh nhiệt giải độc - khứ đàm chỉ khái - hoãn cấp chỉ thống - điều hòa thuốc.

Chỉ định:

Điều trị chứng tâm khí bất túc gây tim hồi hộp, mạch kết đại thường dùng phối hợp với nhân sâm, a giao quế chi như bài Chích cam thảo thang. Điều trị chứng tỳ khí hư nhược hoặc mệt mỏi, vô lực, ăn ít, đại tiện lỏng nát trong, thường phối hợp với đẳng sâm, bạch truật.

Điều trị chứng ho do phong hàn có thể dùng cùng với ma hoàng, hạnh nhân, nếu do phong nhiệt có thể dùng cùng với thạch cao, ma hoàng, hạnh nhân; nếu là hàn đàm thì dùng cùng với can khương, tế tân; nếu là thấp đàm thì dùng cùng với bán hạ, phục linh.

Điều trị chứng đau bụng do âm huyết bất túc, không nuôi dưỡng được cân mạch gây đau co rút thường dùng cùng với bạch thược như bài thược dược cam thảo thang. Điều trị chứng đau bụng do tỳ vị hư hàn, doanh huyết mất khả năng ôn dưỡng, thường dùng phối hợp với quế chi, bạch thược, di đường như bài tiểu kiến trung thang. Gần đây có báo cáo dùng cam thảo, ô tặc cốt điều trị loét hành tá tràng đạt hiệu qủa rất tốt.

Dùng trong bài thuốc có tính dược mạnh. Cam thảo có tác dụng hòa hoãn, làm giảm tác dụng phụ của thuốc, điều hòa tỳ vị, như trong bài điều vị thừa khí thang dùng cam thảo để hòa hoãn mang tiêu, đại hoàng, làm cho tả hạ mà không qúa mạnh, tránh sự kích thích đại tràng gây đau.

Điều trị mụn nhọt nhiễm độc, xưng đau họng thường dùng phối hợp với kim ngân hoa, liên kiều. Điều trị xưng họng thường dùng cùng với cát cánh. Điều trị ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc, khi không có thuốc giải độc đặc thù, có thể dùng cam thảo hoặc đậu xanh uống.

Liều dùng: 3  - 10g.

Chú ý: Không dùng khi thấp thịnh gây đầy chướng bụng, phù thũng. Kỵ với đại kích, nguyên hoa, cam toại, hải tảo. Dùng cam thảo liều cao lâu ngày có thể gây phù.

Tác dụng dược lý: cam thảo ức chế sự tăng tiết của dịch a xít dạ dày, giảm có thắt cơ trơn của ruột, giảm ho, tiêu đàm, chống viêm, chống qúa mẫn, bảo vệ niêm mạc hầu họng và khí quản khi bị viêm nhiễm.

Đại táo

Đại táo (Fructus Jujubae) là quả chín sấy khô của cây táo Ziziphus jujuba Mill, thuộc họ táo Rhamnaceae.

Tính vị: ngọt - ôn. Qui kinh tỳ - vị.

Tác dụng: bổ trung ích khí - dưỡng huyết an thần, hòa hoãn tính dược.

Chỉ định:

Điều trị chứng tỳ hư ăn ít, đại tiện lỏng nát, mệt mỏi thường dùng cùng với đẳng sâm, bạch truật.

Điều trị chứng huyết hư gây vàng da, thường dùng cùng với thục địa, a giao.

Nếu thần trí không yên, thường dùng cùng với  cam thảo, tiểu mạch như bài cam mạch đại táo thang.

Dùng trong phương tễ có tính dược mạnh để giảm tác dụng phụ, bảo vệ chính khí, như bài Thập táo thang để làm giảm độc tính của cam toại, đại kích, nguyên hoa. Ngoài ra thường dùng cùng với sinh khương trong phương giải biểu để điều hòa doanh vệ, trong phương thuốc bổ để bổ tỳ vị.

Liều dùng: 10 - 30g.

Tác dụng dược lý: đại táo nâng cao khả năng thực bào của đại thực bào, ngoài ra có tác dụng bảo hộ tạng can, tăng cường sức cơ tăng thể trọng.

Mật ong

Mật ong (Mel) là mật của loài ong Apis cerana Fabricius, thuộc bộ cánh mỏng Hymenoptera, họ ong Apidae.

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh phế - tỳ - đại trường.

Tác dụng: bổ trung hoãn cấp, nhuận táo, giải độc.

Chỉ định:

Điều trị đau bụng hư chứng, thường dùng cùng với bạch thược, cam thảo.

Điều trị ho khan do phế hư, thường dùng cùng với nhân sâm, sinh địa. Trị đại tiện bí kết, thường dùng đơn độc, liều 30 - 60g uống, hoặc dùng cùng với đương qui, hắc chi ma, hà thủ ô.

Dùng để giải độc do ngộ độc  ô đầu.

Liều dùng:  15 - 30g.

Chú ý: thận trọng dùng khi thấp nhiệt đàm trệ, tiết tả.

Tác dụng dược lý: sát khuẩn, giải độc, giảm huyết áp, giảm động mạch vành, giảm đường máu.

 

XEM TIẾP

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top