✴️ Đầy bụng, khó tiêu ngày Tết phải làm sao?

Nội dung

1️⃣ Vì sao ngày Tết dễ mắc đầy bụng, khó tiêu ?

Đầy bụng là tình trạng bụng khó chịu, ậm ạch sau khi ăn quá nhiều hoặc ăn các loại thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ, bia rượu, … Thực tế cho thấy sau bữa tiệc, nhất là các món ăn ngày Tết chứa nhiều dầu mỡ, gia vị, thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, giò, chả, … là một trong các 'thủ phạm' gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu, ... Vì thế, đầy bụng, khó tiêu do ăn thức ăn giàu đạm, đường, bia rượu, không vận động sẽ làm rối loạn và suy yếu hệ tiêu hóa và sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, ...

Nhiều người thắc mắc sao ngày Tết tình trạng đầy bụng, khó tiêu lại hay xảy ra? Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu rằng vào dịp lễ Tết khi ăn quá nhiều, ăn thực phẩm khó tiêu và dễ sinh hơi gây ra tình trạng tiêu hóa chậm chạp.

Những thực phẩm khi ăn nhiều gây chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu như: Thức ăn giàu tinh bột, món ăn xào rán nhiều dầu mỡ, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas, … sử dụng thực phẩm tái, sống (nem chua, tiết canh, rau sống, …), hải sản, …

Bên cạnh đó, vào ngày Tết nhiều người thường ăn không đúng bữa, đúng giờ như các ngày thường. Tỉnh trạng vừa ăn xong đã đi nằm ngay hay ngồi yên một chỗ khiến cho hệ tiêu hóa bị trì trệ làm ảnh hưởng đến chuyển hóa thức ăn. Thói quen hay gặp nữa là vừa ăn vừa nói chuyện, chúc tụng, … vừa ăn vừa xem phim, cười nói trong lúc ăn cũng có thể gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.

Ở một số người mắc bệnh lý liên quan đến viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, thiếu ngủ, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, stress, … cũng gây chướng hơi, đầy bụng, khó tiêu.

 

2️⃣ Làm thế nào giảm đầy bụng, khó tiêu?

Có nhiều cách để giảm đầy bụng, khó tiêu. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà có cách khắc phục phù hợp. Nhưng cần chú ý đến thói quen ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, chọn các thực phẩm cân đối giữa các thành phần đạm, mỡ, đường. Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, nhiều tinh bột; không nên sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống nhiều gas, các gia vị nóng: mù tạt, ớt, hạt tiêu.

- Dù là ngày Tết vẫn cần chú ý ăn uống cân đối các nhóm thực phẩm là gạo, đạm, rau, ... là việc hết sức cần thiết. Không nên ăn nhiều đạm mà không có rau xanh, trái cây. Không nên ăn một loại quá nhiều, ví dụ như nhiều đạm, nhiều mỡ... sẽ rất khó tiêu hóa. Thực phẩm ngày tết luôn giàu béo và ngọt, năng lượng cao nên khi ăn phải ăn số lượng ít hơn bình thường (ví dụ: 1/8 bánh chưng là bằng một bát con cơm) và kèm thêm rau xanh và trái cây. Sau khi ăn nhiều có thể ăn thêm miếng dứa hay múi bưởi để tiêu hóa nhanh hơn và sẽ giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu.

Như vậy, muốn giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu việc chú ý ăn nhiều chất xơ mỗi ngày là cần thiết. Một người bình thường cần từ 20-30g chất xơ mỗi ngày. Lượng chất xơ này có thể tìm được dễ dàng trong rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, …

- Cần duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý. Thường xuyên vận động, tham gia môn thể thao nhẹ nhàng, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, nghe nhạc, đi bộ, ... giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa stress giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Bên cạnh đó nên ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, đây được coi như cách thư giãn và nạp lại năng lượng cho cơ thể. Theo nghiên cứu, ngoài tác dụng giúp cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục cũng có khả năng cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, vận động nhiều làm tăng cường chức năng tiêu hóa. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học còn tìm thấy mối liên hệ giữa chứng lười vận động với bệnh béo phì, đau dạ dày và tiêu chảy.

Có thể đi dạo hoặc kết hợp tự massage bụng giúp giảm đầy hơi khó chịu bằng cách đặt tay lên trên xương hông bên phải và đưa tay lên trên, gần lồng ngực. Tiếp tục di chuyển bàn tay của bạn theo chiều kim đồng hồ nhẹ nhàng xoa bụng. Đảm bảo chuyển động bao phủ cả vùng trên và dưới bụng. Lặp lại trong một thời gian ngắn sẽ cảm thấy dễ chịu. Ngừng xoa bóp nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu.

- Đối với trường hợp không đỡ có thể sử dụng các thực phẩm giúp giảm đầy bụng như: vài lát gừng, rau răm, tỏi, lá tía tô hoặc nghệ (nghệ tươi, khô hay bột nghệ),… Hoặc phòng đầy bụng, khó tiêu có thể ăn kèm trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn cũng tốt cho hệ tiêu hóa vì các thực phẩm có tính nóng, giúp làm giảm chứng đầy hơi khó chịu.

Cũng có thể dùng gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, giã nhuyễn, bỏ vào cốc nước sôi tầm 200ml đậy nắp trong khoảng 2 phút, uống trực tiếp lúc ấm hoặc có thể pha 1 ít đường hoặc mật ong cho dễ uống. Uống từng ngụm một từ từ cho đến hết.

Không nên uống trà gừng quá nhiều lần trong một ngày. Mỗi ngày, chỉ nên uống một hoặc hai cốc nhỏ trà gừng, nếu nhiều hơn, nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như ợ nóng, nóng trong không tốt cho cơ thể

- Trong trường hợp khó tiêu là triệu chứng của một số bệnh khác như viêm loét dạ dày; Trào ngược dạ dày thực quản; Ung thư dạ dày, … thì người bệnh cần được theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top