✴️ Huyết khối là gì?

Nội dung

Huyết khối là các cục máu đông dạng gel hình thành trong mạch máu. Quá trình hình thành huyết khối giúp tập trung máu đến các mạch máu bị vỡ và làm ngừng chảy máu khi bạn bị thương.

Lúc này, các tiểu cầu được “triệu tập” đến vùng tổn thương để tạo ra nút chặn ban đầu. Các yếu tố đông máu gây ra một phản ứng dây chuyền nhanh chóng, dẫn đến hình thành các sợi fibrin giúp liên kết các tiểu cầu với nhau. Nhiều tiểu cầu phóng thích các chất hóa học để thu hút các tiểu cầu khác tạo thành một cục máu đông bền hơn và ngăn chặn tình trạng chảy máu.

Các protein giúp cơ thể xác định thời điểm dừng lại quá trình tạo cục máu đông khi nó đủ lớn. Khi vết thương được chữa lành, các sợi sẽ tự hòa tan và những tiểu cầu quay trở lại trạng thái bình thường.

Thông thường, quá trình hình thành cục máu đông là một quá trình có lợi cho cơ thể, giúp bạn không bị mất máu quá nhiều khi bị thương. Tuy nhiên, nếu cục máu đông hình thành ở một số vị trí và không hòa tan, chúng có thể gây cản trở lưu thông máu, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì vậy, cần nhận biết các dấu hiệu huyết khối để điều trị kịp thời.

Những dấu hiệu và triệu chứng huyết khối

Khi bị chảy máu, bạn sẽ thấy một vùng sưng nhỏ xung quanh vết thương, đôi khi ngứa và tất nhiên là đau. Khi huyết khối hình thành trong các tĩnh mạch, vùng đó sẽ tấy đỏ, đau, sưng và có thể nóng ấm. Đôi khi, vùng bị thương sưng lên, có màu xanh do cục máu đông lớn. Tuy nhiên, nếu cục máu đông hình thành trong các động mạch, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

1. Sưng nề một chân

Trong hầu hết các trường hợp, DVT sẽ dẫn đến sưng ở chân bị bệnh. Nó thường dễ nhận thấy ở dưới đầu gối và hiếm khi xảy ra ở cả hai chân. Nguyên nhân là vì khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, máu không thể trở lại tim và áp lực làm cho dịch thoát ra ở chân.

2. Đổi màu da

Khi dòng chảy của máu bị tắc lại trong các tĩnh mạch, da trên vùng đó có thể bắt đầu bị thay đổi màu sắc, như vết bầm tím. Có thể thấy các sắc thái của màu xanh, tím hoặc thậm chí là màu đỏ. Nếu da bị đổi màu kèm theo ngứa hoặc nóng khi sờ, thì bạn rất nên đi khám bác sĩ.

3. Khó thở

Do lưu thông máu bị ảnh hưởng, nồng độ oxy có thể bắt đầu giảm. Hệ quả là bạn có thể cảm thấy nhịp tim tăng, ho khan và khó thở.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cục máu đông đã di chuyển đến phổi, đặc biệt là khi kèm theo chóng mặt. Hãy gọi cấp cứu và tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt trong những trường hợp như vậy.

4. Đau ở một chân hoặc tay

Loại đau này có thể xảy ra đơn thuần hoặc kèm theo dấu hiệu đổi màu da và sưng. Đau do huyết khối có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với chuột rút hoặc căng cơ, đó là lý do tại sao vấn đề thường không được chẩn đoán và đặc biệt nguy hiểm.

5. Đau dữ dội ở ngực

Khi cục máu đông di chuyển đến phổi, nó có thể gây thuyên tắc phổi và gây các triệu chứng tương tự như cơn đau tim.

Theo BS. Thomas Maldonado từ Trung tâm Y tế Langone NYU, cơn đau âm ỉ cảm giác ở giữa ngực nhưng lan ra các vùng xung quanh nhiều khả năng là cơn đau tim. Còn thuyên tắc phổi có thể cảm thấy giống như một cơn đau chói tăng lên mỗi khi hít thở.

 

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối

  • Cao huyết áp
  • Nồng độ cholesterol cao
  • Đái tháo đường
  • Hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình có người bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
  • Ung thư
  • Hạn chế vận động (do chấn thương hoặc ngồi lâu)
  • Bất thường trong gen di truyền
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố
  • Mang thai hoặc vừa sinh con
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Mắc các bệnh viêm mạn tính

 

Những phương pháp nào dùng để điều trị huyết khối

Nhìn chung, mục tiêu của điều trị là làm tan huyết khối và giúp cho máu lưu thông lại bình thường. Dưới đây là một số cách điều trị cục máu đông thường được sử dụng:

  • Dùng thuốc: Thuốc chống đông máu hay thuốc làm loãng máu sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông. Đối với những cục máu đông có nguy cơ đe dọa tính mạng, một số loại thuốc có thể được dùng để làm tan cục máu đông.
  • Vớ nén: Các loại vớ bó sát giúp cung cấp áp lực để làm giảm phù chân hoặc ngăn ngừa nguy cơ hình thành huyết khối.
  • Phẫu thuật: Trong thủ thuật làm tan huyết khối bằng ống thông, bác sĩ sẽ đưa một ống thông dài đến vị trí cục máu đông. Thông qua ống thông này, thuốc sẽ được đưa trực tiếp đến vị trí cục máu đông để làm tan chúng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ các cục máu đông ra khỏi cơ thể.
  • Đặt stent: Stent được dùng để mở rộng các mạch máu.
  • Đặt lưới lọc máu tĩnh mạch chủ: Đối với những bệnh nhân không thể dùng thuốc làm loãng máu, lưới lọc có thể được đưa vào tĩnh mạch chủ dưới để giữ lại các cục máu đông trước khi chúng kịp đi đến phổi.

 

BS Lê Cao Phương Duy - chuyên gia tim mạch can thiệp

return to top