✴️ Làm sao để ổn định đường huyết?

Đường huyết là gì? Chỉ số đường huyết bình thường là bao nhiêu?

Đường huyết hay glucose máu là một thuật ngữ mà y học dùng để chỉ lượng đường hay mức glucose có trong máu. Bình thường, nồng độ đường trong cơ thể sẽ duy trì ở mức ổn định. Khi kiểm tra, chỉ số đường huyết như sau được coi là an toàn:

– Trước bữa ăn: 90-130mg/dl (5,0- 7,2mmol/l).

– 1-2 giờ bữa ăn: nhỏ hơn 180mg/dl (10mmol/l).

– Trước lúc đi ngủ: 110-150mg/dl (6,0-8,3mmol/l).

Theo các chuyên gia, đường là nguồn năng lượng chính giúp cơ thể hoạt động tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là nguồn nhiên liệu quan trọng đối với hệ thần kinh và tổ chức não bộ. Khi lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Vậy đường huyết bao nhiêu là cao?

Bên cạnh chỉ số đường huyết trên đây, chỉ số xét nghiệm HbA1c cũng vô cùng quan trọng và cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường. HbA1c là xét nghiệm máu dùng để kiểm tra lượng đường (glucose) gắn với hemoglobin trong các tế bào hồng cầu. HbA1c tồn tại trong hồng cầu và đảm nhiệm chức năng vận chuyển oxy cùng glucose (đường) đi nuôi cơ thể. Việc xét nghiệm chỉ số Hba1c cho người tiểu đường đóng vai trò rất quan trọng, giúp phản ánh tình trạng kiểm soát đường của bệnh nhân trong 3 tháng liên tục. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kịp thời kiểm soát và điều chỉnh sao cho lượng đường ở ngưỡng ổn định nhất.

 

Cần phân biệt chỉ số đường huyết khi đói và chỉ số HbA1c là khác nhau, cụ thể:

– Chỉ số đường huyết khi đói: Chỉ phản ánh đường huyết tại thời điểm hiện tại, nhất định.

– Chỉ số HbA1c: Bức tranh tổng thể, phản ánh đường huyết trong suốt 3 tháng liền.

Theo đó, chỉ số HbA1C của người bình thường là ở dưới mức 5,7%. Người tiểu đường nên duy trì chỉ số HbA1C dao động trong khoảng 5,7%-6,5% là tốt nhất. Còn những trường hợp có chỉ số HbA1C trên 6,5% là mức cao và cần điều chỉnh, kiểm soát chặt chẽ. 

 

Làm thế nào để ổn định đường huyết cho người tiểu đường?

Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo đơn điều trị của bác sĩ. Người bị tiểu đường cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống, sinh hoạt như sau:

Về chế độ dinh dưỡng

Người tiểu đường cần hạn chế chất bột đường để tránh tăng đường huyết sau khi ăn. Bên cạnh đó, cũng cần tránh xa các chất béo, đặc biệt là các axit béo bão hoà để ngăn ngừa nguy cơ rối loạn chuyển hoá. Thực đơn dinh dưỡng cho người tiểu đường cần được điều chỉnh hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ.

Người bị tiểu đường nên dùng các loại carbohydrate được hấp thu chậm, có nhiều chất xơ, các loại chưa được chà xát kỹ như gạo lứt, bánh mì đen,… Cung cấp đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày cho người không yếu chức năng thận. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần, người ăn chay có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu (đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ,…)

Người bị tiểu đường nên dùng các loại mỡ chứa acid béo không no như dầu ô liu, dầu mè, mỡ cá, dầu lạc. Tránh ăn các loại mỡ trung chuyển phát sinh khi ăn thức ăn chiên rán, ngập dầu mỡ. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng các chất tạo ngọt: như đường bắp, saccharin, aspartame,…

Bài tập

Đi bộ giúp rèn luyện thể chất và hít thở không khí trong lành, bạn nên đi bộ trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 1 giờ, 3 – 4 lần/tuần giúp cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó, các bài tập yoga, thái cực quyền, tập dưỡng sinh, leo cầu thang, đạp xe,… cũng đều là những môn thể thao rất tốt giúp người tiểu đường tăng cường sức khỏe.

Khi nào cần dùng thuốc

Việc sử dụng thuốc đối với bệnh nhân tiểu đường còn tùy thuộc vào mức đường huyết, thể trạng, tình hình sinh hoạt và các loại biến chứng kèm theo mà người bệnh đang mắc phải. Lưu ý rằng, việc sử dụng thuốc điều trị cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chỉ số HbA1C là quan trọng theo dõi chỉ số đường huyết bao nhiêu là cao. Để giúp kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, việc tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng, tập luyện cũng như chỉ định của bác sĩ chuyên khoa là vô cùng cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top