✴️ Nguy cơ gì khi peel da tại nhà?

Nội dung

Thực tế, peel da hóa học là một hình thức làm đẹp phổ biến đã được ứng dụng từ lâu. Các nghiên cứu ghi nhận từ thời Ai Cập cổ đại dùng các loại thảo mộc để peel trong làm đẹp.

Tuy nhiên, đây là là một hình thức làm đẹp cần chuyên môn của bác sĩ với kiến thức và tay nghề cao để có thể kiểm soát quá trình peel. Trong khi đó, phần lớn người dùng hiện nay lại xem peel như chuyện dễ như ăn bánh và có thể làm tại nhà. Ngành công nghiệp làm sản phẩm peel da thì phát triển nhanh chóng. Lẽ ra đây là những sản phẩm cần được nghiên cứu rất kĩ (vì tính chất hóa học mạnh của axit) thì nay rất nhiều hàng nội địa trôi nổi, kém chất lượng lại được quảng bá là sản phẩm peel da thần kỳ.

Bác sĩ sẽ cảm nhận da với độ dày, độ mỏng khác nhau để dự đoán khả năng thẩm thấu. Điều cốt lõi của peel da là bác sĩ sẽ theo dõi sát sao để nhận ra điểm giới hạn chịu đựng của một làn da. Vì nếu vượt qua ngưỡng đó, các axit sẽ gây ra nhiều tổn hại cho làn da của bạn.

Vì vậy, nếu bạn tự mua các loại axit để peel tại nhà thì nguy cơ không an toàn rất cao. Người dùng hầu hết không có kinh nghiệm, không biết nhìn điểm giới hạn da và không thể xác định các cảm giác của da khi peel là bình thường hay dấu hiệu của bỏng da.

Peel da cơ bản là dùng axit (AHA, BHA, TCA, Phenol…) trên mặt và theo quan điểm y khoa của chuyên gia Zein Obagi (người phát minh ra phương pháp peel), peel da không nên tự ý sử dụng tại nhà.

Nhiều người dùng nghĩ rằng mình đang dùng dược mỹ phẩm đã được kiểm nghiệm là an toàn trên da. Tuy nhiên, về bản chất các sản phẩm peel đều là axit nên khi dùng cần có sự chỉ định về tần suất cụ thể.

Bong tróc da thế nào trong ngưỡng an toàn?

Hiện tại, trên thị trường có những loại peel da với công dụng tẩy tế bào chết tại nhà. Với loại peel da này, tình trạng bong chỉ dừng lại ở mức khô và bong tróc nhẹ nhàng. Tuy vậy, các loại peel này không góp phần hỗ trợ cho quá trình điều trị da.

Còn dạng peel da từng mảng (peel xâm lấn) thì cần có bác sĩ để kiểm soát. Nếu bạn thấy da bong từng mảng, sạm đen, đỏ mạnh thì đó là da đã bị bỏng do axit. Đây là lúc phải đến ngay cơ sở y tế để thăm khám nếu không muốn biến chứng nặng hơn.

Peel da không an toàn còn gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây nám mảng hoặc mất sắc tố không điều trị được. Ngoài ra, việc lột da quá mức có thể gây sẹo trên dạ, gây tình trạng xước da đến lớp hạ bì. Hậu quả là làn da uốn lượn, gồ ghề hệt như những vết da bị bỏng.

Những ai tuyệt đối không nên tự peel da tại nhà

Với những bạn có nền da mỏng, rối loạn sắc tố, hoặc có bệnh lý viêm da tiết bã thì nên tạm “chia tay” với các thể loại peel da. Hoặc nếu từng khổ sở vì thuốc rượu, kem trộn và da đã yếu sẵn cũng không nên peel.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là những người có làn da khỏe khi peel cũng rất khó đoán. Tỉ lệ thành công, thất bại là 50 - 50. Nếu bạn tự peel tại nhà mà vẫn ổn thì rất có thể là do may mắn chứ không phải là da bạn hợp để peel.

Ngoài ra, peel da chỉ là một mắt xích trong một quá trình điều trị da. Nhiều người chỉ đủ chi phí để mua sản phẩm peel nhưng không mua các bộ phục hồi, dưỡng. Trong khi đó, theo quan điểm y khoa thì dược mỹ phẩm là sản phẩm đi theo bộ. Nếu chỉ dùng peel mà không sử dụng thêm chống nắng, dưỡng ẩm… thì cũng chẳng khác gì “nước đổ sông đổ bể.”

Trong trường hợp gặp phải biến chứng peel da, bạn đừng tự cấp cứu tại nhà mà hãy đến gặp bác sĩ ngay. Khi đó, bác sĩ sẽ chọn phác đồ như điều trị da bỏng để chữa. Tuy nhiên, với các tình trạng tăng sắc tố hay mất sắc tố thì không thể điều trị hết 100%, vẫn còn vài dấu vết trên da.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top