✴️ Tại sao người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại?

Nội dung

Tại sao người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại?

 

Các nhà khoa học trên thế giới đang cố gắng xác định khả năng những người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại có thể lây bệnh cho người khác hay không. Các nhà khoa học cũng tìm cách xác định xem các trường hợp này đã có kháng thể đặc hiệu với virus corona chủng mới giúp họ miễn dịch với virus lạ này hay chưa.

 

Sau đây là cách giải thích từ các chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc và cơ quan phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc về tình trạng người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại.

 

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc

Theo South China Morning Post ngày 26-3-2020, ông Wang Wei (Giám đốc bệnh viện Tongji, Vũ Hán) cho biết có trường hợp người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại trong chương trình nghiên cứu. Nghiên cứu này có sự tham gia của 147 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục, trong đó 5 trường hợp (chiếm hơn 3%) phát hiện dương tính trở lại thông qua xét nghiệm real-time RT-PCR.

Wang Wei cũng chia sẻ 5 trường hợp dương tính trở lại tại bệnh viện Tongji không có biểu hiện triệu chứng và không có thành viên trong gia đình hay người tiếp xúc với các trường hợp này bị lây nhiễm. Ông cho biết chưa có bằng chứng nào cho thấy các trường hợp phát hiện dương tính trở lại có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho người khác.

Trong khi đó, Life Times cũng công bố báo cáo tại các trung tâm cách ly thuộc thành phố Vũ Hán đã có 5-10% trường hợp bệnh nhân đã hồi phục dương tính trở lại. Báo cáo trước đó cũng từng đề cập câu chuyện về một gia đình 3 thành viên và cả 3 đều phát hiện dương tính trở lại.

Một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về độ nhạy cũng như độ ổn định của kit xét nghiệm Covid-19 cũng như cách thức lấy mẫu và xử lý mẫu bệnh phẩm. Họ đặt ra vấn đề không biết toàn bộ quy trình có đảm bảo đủ chính xác để cho phép phát hiện những tàn dư của virus trên những bệnh nhân đã hồi phục hay không.

 

Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC)

Tại Hàn Quốc, nếu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sức khỏe và có kết quả xét nghiệm 2 lần liên tiếp (cách nhau 24 giờ) đều âm tính với SARS-CoV-2 thì được đánh giá là đã hồi phục và có thể xuất viện. KCDC cũng cho biết, những trường hợp này đã nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhưng trung bình sau khoảng 13,5 ngày lại phát hiện dương tính trở lại. Trường hợp phát hiện dương tính trở lại sớm nhất là sau 1 ngày, muộn nhất là sau 35 ngày.

Theo KCDC, kết quả phân tích lâm sàng và dịch tễ học của 137 trường hợp dương tính trở lại tại Hàn Quốc cho thấy:

  • 72/137 trường hợp không có triệu chứng
  • 61/137 trường hợp có các triệu chứng nhẹ
  • 4 trường hợp còn lại đang tiếp tục được theo dõi và phân tích

Các trường hợp dương tính trở lại đa số được phát hiện thông qua hệ thống xét nghiệm định kỳ tại một số đô thị. Một số trường hợp thấy xuất hiện triệu chứng và đã tự đi xét nghiệm tại các cơ sở xét nghiệm.

 

Các chuyên gia y tế Hàn Quốc đã cẩn trọng tìm hiểu và loại trừ khả năng bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh bị tái nhiễm SARS-CoV-2. Vậy tại sao những bệnh nhân Covid-19 này lại dương tính trở lại?

Các chuyên gia đưa ra 3 khả năng để giải thích về khả năng người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại:

1. Tàn dư của virus trong cơ thể: Xét nghiệm có thể phát hiện những tàn dư của virus trong cơ thể.

2. Virus tồn tại dưới ngưỡng phát hiện: Virus SARS-CoV-2 có thể vẫn tồn tại trong cơ thể với số lượng rất nhỏ, dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm PCR. Khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi virus có thể hoạt động trở lại và sau một thời gian nhất định có thể đạt ngưỡng phát hiện của xét nghiệm.

3. Xét nghiệm thiếu chính xác: Có thể xét nghiệm tại thời điểm trước khi bệnh nhân xuất viện bị lỗi, nên cho kết quả không chính xác. Mặc dù nguy cơ này rất nhỏ nhưng các chuyên gia Hàn Quốc không loại trừ hoàn toàn khả năng này.

Để tìm hiểu những trường hợp dương tính trở lại có thể lây nhiễm virus cho người khác không, các chuyên gia y tế đã phân tích kháng thể của 28 trường hợp dương tính trở lại thì cho kết quả như sau:

  • 6 trường hợp không phân lập được virus đã cho thấy những trường hợp này ít lây nhiễm
  • 22 trường hợp còn lại đang được tiếp tục phân tích.

Theo The Korea Herald, bà Jeong Eun-kyeong (Giám đốc KCDC) cho biết: “Chúng tôi không tìm thấy virus có hoạt tính ở những bệnh nhân hồi phục và dương tính trở lại. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng các trường hợp này sẽ không có nguy cơ lây nhiễm cao”.

Nhiều người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại có kết quả xét nghiệm luân phiên âm tính và dương tính trước khi cho kết quả dương tính ổn định. Tình trạng phức tạp này là do một lượng nhỏ virus vẫn tồn tại trong cơ thể họ, bà Jeong Eun-kyeong cho biết.

Cho đến ngày 17-4, Hàn Quốc không có trường hợp lây nhiễm thứ cấp liên quan đến những người phát hiện dương tính trở lại được ghi nhận. Có 294 người đã tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại. Trong số đó, chính phủ đang giám sát và theo dõi 256 người.

Có 22 trường hợp nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại phát hiện ngày 17-4 đã được yêu cầu tự cách ly. Tuy nhiên, số ca dương tính trở lại ngày càng gia tăng. Ngày 6-4, Hàn Quốc chỉ phát hiện 51 ca, đến 17-4 đã lên 163 ca. Tình trạng này đang trở thành mối lo ngại lớn cho công tác phòng dịch và kiểm dịch của Hàn Quốc.

 

Khả năng miễn dịch Covid-19 sau khi khỏi bệnh có bền vững?

Theo Business Insider ngày 12-4-2020, tiến sĩ Anthony Fauci (Giám đốc viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia) tin rằng: “Những người nhiễm Covid-19 đã hồi phục là những người thực sự được bảo vệ khỏi nguy cơ tái nhiễm”. Điều này có nghĩa người nhiễm Covid-19 sẽ có khả năng miễn dịch sau khi khỏi bệnh.

Những người đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và hồi phục, cơ thể họ sản sinh ra kháng thể giúp tiêu diệt loại coronavirus chủng mới này nếu họ bị phơi nhiễm lại với virus. Kháng thể này giúp họ được miễn dịch tạm thời với coronavirus chủng mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa rõ khả năng bảo vệ của kháng thể này kéo dài bao lâu.

 

Cách bảo vệ sức khỏe người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh

Nhằm tránh tình trạng vô tình lây lan cộng đồng sau khi xuất viện, người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh nên lưu ý cách chăm sóc sức khỏe bản thân và thực hiện cách ly tại nhà nghiêm túc.

Theo ông Wang Wei, phương án cách ly bắt buộc trong 2 tuần với những người khỏi bệnh Covid-19 để thuận tiện cho việc xét nghiệm xác nhận nguy cơ dương tính trở lại là rất cần thiết. Ông Tu Yuanchao (Phó giám đốc ủy ban y tế Hồ Bắc, Trung Quốc) cho biết những người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh dương tính trở lại sẽ cần được nhập viện nếu xuất hiện triệu chứng (dù là triệu chứng nhẹ). Các trường hợp này cũng có thể được gửi đến các cơ sở kiểm dịch để theo dõi trong 2 – 3 tuần nếu không có triệu chứng.

Tình trạng người nhiễm Covid-19 dương tính trở lại khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường hơn. Trong khi đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đang nỗ lực hết mình để ngăn ngừa bệnh nhân tránh khỏi biến chứng Covid-19 nguy hiểm, nhiều nhà nghiên cứu cũng đang tìm lời giải cho các trường hợp dương tính trở lại. Đây là một thử thách lớn cho công cuộc chống đại dịch toàn cầu khiến các đơn vị y tế cần thực hiện quy trình xét nghiệm kỹ càng, cách ly nghiêm túc và theo dõi sát sao người nhiễm Covid-19.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top