✴️ Vai trò của hóc môn (hormone) TSH là gì?

Nội dung

TSH còn gọi là hoocmon kích thích tuyến giáp, nó là một glycoprotein có trọng lượng phân tử 28000 dalton do thùy trước tuyến yên tiết ra dưới sự kiểm soát của một hoocmon vùng dưới đồi là TRH. Khi TRH được tiết ra nó sẽ kích thích thùy trước tuyến yên sản sinh ra TSH và TSH lại kích thích tuyến giáp tăng bài tiết T3 và T4. TSH có tác dụng rõ ràng lên tuyến giáp như sau:

  • Tăng phân giải protein của thyroglobulin được dự trữ trong nang, giải phóng hormon giáp vào máu và làm giảm chất keo trong lòng nang.

  • Tăng hoạt động của các bơm iod, làm tăng mức độ bắt iod trong tế bào tuyến, có khi tăng tỉ lệ giữa nồng độ iod nội bào và ngoại bào trong tuyến gấp 8 lần bình thường.

  • Tăng kết hợp iod với tyrosine để hình thành hormone giáp

  • Tăng kích thước và tăng hoạt động bài tiết của các tế bào giáp

  • Tăng số lượng các tế bào giáp cùng với thay đổi tế bào từ dạng khối thành dạng trụ và các tế bào biểu mô tuyến giáp vào nang.

==> Tóm lại, TSH tăng tất cả các hoạt động bài tiết của tế bào tuyến giáp.

* Tác dụng sớm quan trọng nhất sau khi tiêm TSH là bắt đầu phân giải protein của thyroglobulin, gây ra tăng T3 và T4 trong máu trong vòng 30 phút. Các tác dụng khác cần đến hàng giờ thậm chí hàng ngày hàng tuần để đạt được đầy đủ.

 

*Tác dụng kích thích của TSH thông qua trung gian AMP vòng.

Hầu hết các tác dụng khác nhau của TSH lên tế bào giáp là kết quả hoạt động của “chất truyền tin thứ 2” - hệ thống cAMP của tế bào.

Đầu tiên là sự kết hợp TSH với receptor đặc hiệu trên bề mặt màng tế bào tuyến giáp. Sự kết hợp này hoạt hóa adenylyl cyclase ở màng tế bào. Cuối cùng cAMP hoạt động như một chất truyền tin thứ 2 hoạt hóa protein kinase, gây ra sự phosphoryl hóa phức tạp cho toàn tế bào. Kết quả là ngay lập tức vừa tăng bài tiết hormon giáp và vừa phát triển kéo dài của chính mô tuyến giáp.

 

Ý nghĩa lâm sàng của chỉ số xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

Xét nghiệm TSH rất có giá trị để chẩn đoán các bệnh lý rối loạn chức năng tuyến giáp và nguồn gốc gây ra rối loạn này. Đây còn là phương tiện giúp dự báo bệnh sẽ ổn định hay tái phát sau khi điều trị. Nếu TSH vẫn ở mức thấp kéo dài, chứng tỏ bệnh không có đáp ứng tốt và sẽ dễ tái phát nếu ngưng thuốc. Khi lâm sàng nghi ngờ có tình trạng rối loạn chức năng giáp, xét nghiệm định lượng nồng độ TSH là chỉ định đầu tiên:

Hormon TSH bình thường:

  • Giá trị TSH bình thường là 0,4 đến 5 mIU/L (milli - đơn vị quốc tế mỗi lít).

Tăng nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) gặp trọng:

  • Suy giáp nguồn gốc tại tuyến:
    • Suy giáp tiềm tàng: Nếu nồng độ T3 và T4 bình thường.
    • Suy giáp rõ: Nếu nồng độ T3 và T4 thấp hơn bình thường.
  • Do dùng các thuốc gây nên biến chứng suy giáp ( suy giáp sau điều trị): Thuốc kháng giáp trạng như PTU, Amiodaron, Lithlum.
  • Có kháng thể kháng TSH.
  • Cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp.
  • Cường giáp nguồn gốc tuyến yên.
  • Sản xuất TSH lạc chỗ.
  • Suy tuyến thượng thận tiên phát.

Giảm nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) gặp trọng:

  • Cường giáp nguồn gốc tại tuyến giáp.
  • Suy giáp nguồn gốc tuyến yên hoặc dưới đồi (suy giáp thứ phát).
  • Tuyến giáp đa nhân.
  • Do dùng thuốc: Tinh chất giáp, Amlodaron, Chế phẩm chứa iod.
  • Giảm chức năng tuyến yên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top