1. Viêm:
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi một mô nào đó trong cơ thể bị tổn thương – do mềm bệnh như vi khuẩn, virus hoặc do chấn thương. Trong quá trình viêm, đại thực bào sẽ tiết ra một số cytokine như interleukine-1 (IL-1) và IL-6 để thu hút các bạch cầu trong máu đến vị trí mô bị tổn thương để tiêu diệt vi khuẩn hay dọn dẹp các tế bào bị tổn thương (bằng cách thực bào).
Bên cạnh đó, IL-1 và IL-6 còn ảnh hưởng đến chuyến hóa sắt của cơ thể. Cụ thể, nó kích hoạt gan sản sinh ra hepcidin – một protein có chức năng điều hòa lượng sắt của cơ thể.
Hepcidin là protein chính đóng vai trò trong việc điều hòa nồng độ sắt trong cơ thể. Nó ức chế ruột hấp thu sắt, đồng thời ức chế gan và đại thực bào giải phóng lượng sắt được dự trữ trong cơ thể. Khi cơ thể bị thiếu hụt sắt, gan sẽ giảm sản sinh hepcidin. Khi đó, ruột sẽ tăng hấp thu sắt, cũng như gan và đại thực bào giải phóng lượng dự trữ, làm tăng lượng sắt của cơ thể và ngược lại.
Khi bị viêm, mặc dù cơ thể khôn thừa sắt, nhưng IL-1 và IL-6 được sản sinh từ quá trình viêm lại có khả năng kích thích gan sản sinh hepcidin, từ đó làm giảm lượng sắt trong cơ thể xuống. Khi lượng sắt của cơ thể giảm, tủy xương sẽ giảm sản sinh hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
Bên cạnh việc làm giảm lương sắt trong cơ thể. IL-1 và IL-6 còn làm giảm việc sản sinh erythropoietin (EPO) ở thận cũng như làm giảm chức năng kích thích tủy xương tạo máu của EPO, góp phần gây nên thiếu máu.
2. Các bệnh đồng mắc khác:
a) Suy thận :
Thận đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Nó tiết ra một hormone có tên là erythropoietin (EPO), có vai trò kích thích tủy xương tạo hồng cầu. Khi thận bị suy, nó sẽ giảm tiết EPO, làm cho bệnh nhân suy thận bị thiếu máu. Một số nghiên cứu cho thấy suy thận mạn có thể là một bệnh kèm theo của COPD. Incalzi và cộng sự đã báo cáo tủy lệ suy thận mạn ở bệnh nhân cao tuổi mắc COPD (>=65 tuổi) là khoảng 20%, từ đó có thể lý giải nguyên nhân gây thiếu máu ở những bệnh nhân này.
b) Suy sinh dục :
Tinh hoàn (tuyến sinh dục nam) có vai trò tiết ra testosterone – có nhiều vai trò đối với sức khỏe tình dục ở nam giới. Gần đây, một số nghiên cứu chỉ ra rằng testoterone còn có vai trò trong quá trình tạo hồng cầu. Khi tuyến sinh dục bị suy, nó sẽ tiết ra ít testosterone, làm người bệnh bị thiếu máu. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ suy sinh dục ở nam giới mắc COPD dao động từ 22-69%, góp phần gây nên tình trạng thiếu máu chung ở những bệnh nhân này.
3. Dự phòng như thế nào?
Tất cả các biến chứng nêu trên, suy cho cùng đều có nguyên nhân do thiếu ôxy và tăng CO2 mạn tính, hậu quả của một quá trình tắc nghẽn kéo dài. Vì vậy, việc dự phòng bao gồm điều trị tốt tình trạng tắc nghẽn bằng corticoid và thuốc giãn phế quản, dự phòng không để các đợt cấp COPD xảy ra. Bỏ thuốc lá, tuân thủ chế độ ăn đảm bảo đủ chất và không quá dư lượng tinh bột có thể làm tăng CO2 máu, tăng cường các bài tập thở, vận động nhẹ nhàng, tập khí công, yoga, đảm bảo một cuộc sống tinh thần viên mãn, tránh các stress tâm lý và khi các biến chứng đã xảy ra, bệnh nhân phải được điều trị theo đúng phác đồ do các thầy thuốc có kinh nghiệm đảm nhận.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh