Đau đầu, mất ngủ thường xuất hiện vào buổi tối, một số khác có thể đau đầu vào ban ngày kéo dài dai dẳng đến buổi tối gây tình trạng mất ngủ.
Đau đầu, mất ngủ là những triệu chứng của bệnh lý về thần kinh.
Cơn đau đầu có thể diễn ra ngắn nhưng cũng có thể âm ỉ kéo dài, đau nửa đầu hoặc đau toàn bộ đầu. Đau nhói ở phần đỉnh đầu – vùng chẩm hoặc phía sau gáy, nhưng cũng có nhiều trường hợp người bệnh đau nhói kèm giật giật vùng thái dương như nhịp mạch đập.
Nhiều trường hợp đau đầu còn kèm theo các biểu hiện khác như buồn nôn, nôn, chóng mặt, suy giảm thị lực (mắt nhìn mờ),…
Mất ngủ có thể diễn ra ngắn hạn (mất ngủ cấp tính) hoặc dài hạn (mất ngủ mạn tính).
Điều đáng nói là chứng đau đầu, mất ngủ có mối liên quan chặt chẽ với nhau.
Bệnh lý: thiểu năng tuần hoàn não (thiếu máu lên não), rối loạn tiền đình,… có thể là nguyên nhân gây chứng đau đầu, mất ngủ.
Tâm lý: suy nghĩ nhiều, lo âu, căng thẳng, stress dễ dẫn tới trầm cảm, suy nhược thần kinh,… gây đau đầu, mất ngủ.
Trước áp lực về công việc, gia đình, các mối quan hệ trong xã hội hiện đại, khiến tình trạng đau đầu, mất ngủ do yếu tố tâm lý ở phụ nữ ngày càng ra tăng. Hiện nay, nhiều phụ nữ sau sinh mắc chứng trầm cảm cũng dễ đối mặt với chứng đau đầu, mất ngủ.
Cơn đau đầu xuất hiện khiến cơ thể mệt mỏi, não bộ căng thẳng và kém tập trung, suy nghĩ nhiều thường là những suy nghĩ mang tính tiêu cực làm ảnh hưởng tới tâm trạng, từ đó dễ dẫn đến mất ngủ.
Ngược lại, nếu giấc ngủ không được đảm bảo (mất ngủ hoặc giấc ngủ chất lượng kém) sẽ làm tăng nguy cơ đau đầu và làm thay đổi tâm trạng (dễ cáu gắt, mệt mỏi,…).
Bên cạnh đó, nhiều người chung sống với chứng đau đầu cũng bị mất ngủ và hay lo lắng hoặc trầm cảm. Đây cũng là những bệnh lý hay kèm theo.
Theo nghiên cứu, người chung sống với chứng đau đầu có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ cao hơn từ 2 đến 8 lần.
Không chỉ trong thời gian nhiễm covid-19 mà sau khi khỏi covid nhiều “cựu F0” phải đối mặt với chứng đau đầu, mất ngủ hoặc khó ngủ, chóng mặt, nhức mỏi vai gáy, dễ bị hụt hơi khó thở,…
Đại dịch covid-19 khiến tỷ lệ người gặp các triệu chứng trên tăng lên, lý giải nguyên nhân được cho là do tình trạng thiếu máu lên não hậu covid và yếu tố tâm lý.
Thiếu máu não là tình trạng lưu lượng máu cần cung cấp lên để nuôi dưỡng não bộ bị thiếu, gây ảnh hưởng tới tế bào não tạm thời (nếu là thiếu máu não cục bộ thoáng qua – TIA) hoặc làm “chết tế bào não” – tổn thương vĩnh viễn không phục hồi tế bào não. Đây được xem là tình trạng “tiền đột quỵ”. Thiếu máu não dù thoáng qua cũng không thể chủ quan. Cần có biện pháp cải thiện và phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn nguy cơ tai biến mạch máu não (đột quỵ do thiếu máu não – đột quỵ do tắc mạch).
Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ “cựu F0” bị đau đầu, mất ngủ tăng lên là do yếu tố về tâm lý.
Suy nghĩ về gia đình, công việc, thu nhập, học tập,… có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng, stress, điều này tác động lên não bộ và có thể gây tình trạng thiếu máu lên não và kéo theo những cơn đau đầu, mất ngủ.
Trong trường hợp này, bạn cần được nghỉ ngơi, có chế độ làm việc khoa học, tập luyện thể dục thể thao đều đặn và uống nhiều nước. Hãy suy nghĩ đến những điều tích cực và lạc quan trong mọi hoàn cảnh, hạn chế tối đa những suy nghĩ tiêu cực.
Bạn nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được kiểm tra, chẩn đoán đúng, có biện pháp điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay việc cải thiện chứng đau đầu, mất ngủ bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì một số biện pháp hỗ trợ y học cổ truyền cũng sẽ giúp hỗ trợ cải thiện chứng đau đầu, mất ngủ như:
– Ngâm chân bằng nước ấm với thảo dược hoặc tinh dầu gừng
– Một số bài thuốc y học cổ truyền: trà tâm sen, trà hạt sen long nhãn, gà hầm ngải cứu thuốc bắc,…
– Massage thư giãn
– Tập yoga, ngồi thiền,…
– Đi ngủ sớm và thức dậy vào giờ cố định mỗi ngày
Đau đầu, mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác trong và ngoài não. Vì vậy khi có biểu hiện này, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ sớm để được tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh