Bệnh gut (gout tiếng Anh hay goutte tiếng Pháp) là bệnh nằm trong nhóm bệnh lắng tụ tinh thể (crystalline deposition disease), mà cụ thể ở đây là lắng tụ tinh thể monosodium urate ở bao khớp, gân do tình trạng acide urique tăng cao trong máu… gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên, tức là viêm các khớp chân tay, đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái, tình trạng viêm này do các con bạch cầu được ví như các lính chiến đấu trong cơ thể đi dọn dẹp các tinh thể này.
Tình trạng viêm này có thể tái đi tái lại nhiều lần gây ra biến dạng khớp nếu không điều trị. Không phải tất cả những người có acide urique cao trong máu là bị cơn gút, tuy nhiên nếu nồng độ acide urique trong máu cao và kéo dài càng lâu thì càng có nguy cơ bị gút.
Tại sao bị Gout hay đau ở khớp bàn chân?
Bệnh tiến triển ra sao và có thể chữa khỏi hay không? Thường cơn gút có thể bị đẩy lui bằng các thuốc hiện có và nếu bệnh nhân chịu theo cuộc điều trị và chấp nhận ăn kiêng thì có thể ngăn chặn được bệnh, nhưng nên nhớ rằng đây là loại bệnh không thể chữa dứt, nghĩa là bệnh nhân phải chấp nhận chế độ ăn kiêng và theo dõi bệnh suốt đời.
Nếu không điều trị hoặc để cơn gút xảy ra nhiều lần sẽ gây hủy khớp, gây tàn phế, lúc đó cần đến các phẫu thuật tái tạo khớp. Khoảng 20 % bệnh nhân bị gút bị sỏi thận do chính tinh thể urate lắng tụ gây ra sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu có thể gây suy chức năng thận, nhiễm trùng tiểu… có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Một số bệnh nhân có các cục ở dưới da như vùng khuỷu, mắt cá .. gọi là cục tophi là do lắng tụ tinh thể urate khi bể ra làm chảy ra một chất bột trắng giống như phấn.
Vai trò của nội soi khớp là làm sạch khớp, cắt bớt bao hoạt dịch của khớp khi bị viêm nhiều lần gây dày, hạn chế vận động của khớp. Một khi khớp bị hư hoàn toàn thì có thể thay khớp bằng khớp nhân tạo.
Việc điều trị gút bao gồm đẩy lui các cơn gút cấp, ngăn ngừa các cơn gút xảy ra bằng các loại thuốc như colchicine, kháng viêm giảm đau, thuốc ức chế sự hình thành acide urique chế độ ăn kiêng các loại thực phẩm có quá nhiều đạm như đồ biển, gan, thận, rượu bia…, uống nhiều nước và kiềm hóa nước tiểu bằng natri bicacbonat ( sodium bicarbonate). Tuy nhiên không nên quá hạn chế ăn uống vì thuốc có thể kiểm soát nồng độ acide urique trong máu. Theo dõi nồng độ acide này định kỳ.
BS Nguyễn Đình Thông, Trưởng khoa Cơ xương khớp