✴️ Vì sao sử dụng Lidocain để chống loạn nhịp tim, cắt cơn nhịp nhanh thất?

Nội dung

Thuốc tê Lidocain

Thuốc tê là những dược chất ức chế tạm thời sự kích thích và dẫn truyền thần kinh ngoại biên, gây mất cảm giác tạm thời một số vùng cơ thể trong khi chức phận vận động không bị ảnh hưởng.

Có nhiều cách phân loại thuốc tê. Dựa vào bản chất liên kết của chuỗi trung gian trong cấu trúc hóa học, thuốc tê được phân thành 2 nhóm: amino ester và amino amide. Lidocain là thuốc tê đầu tiên thuộc nhóm amino amide và được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng. So với các thuốc có nối chức ester, lidocain có tác dụng nhanh, mạnh và kéo dài hơn nên là thuốc tê bề mặt và thuốc tê dẫn truyền tốt (gây tê ngoài màng cứng, gây tê khoang cùng, gây tê tủy sống..). Lidocain là chất độc bảng B, được chuyển hóa nhờ men P450 ở gan nên khi chức năng gan giảm sẽ gây tăng nguy cơ độc tính của thuốc, cần sử dụng thận trọng cho người có bệnh gan.

 

Tác dụng của Lidocain trên hệ tim mạch

Lidocain là giảm tính tự động của cơ tim. Nồng độ thuốc cao gây ức chế dẫn truyền và co bóp cơ tim do ức chế kênh Na+ trên màng tế bào cơ tim, ổn định màng và ức chế sự khử cực, giảm lan truyền hiệu điện thế hoạt động . Do đó, Lidocain là thuốc chống loạn nhịp, chẹn kênh Na+ nhóm 1B, được ưa chuộng trong tiêm tĩnh mạch để điều trị loạn nhịp tim, cắt cơn nhịp nhanh thất hoặc trong lúc tiến hành các thao tác kỹ thuật về tim như phẫu thuật tim hoặc thông tim. Lidocain làm giảm nguy cơ rung tâm thất ở người nghi có nhồi máu cơ tim.

 

Tương tác Lidocain với Adrenalin

Vì lidocain không có tác dụng co mạch, khi dùng cùng với adrenalin (hormon hàng đầu trong nhóm catecholamine tăng hoạt giao cảm, co mạch) sẽ làm chậm đi quá trình thải trừ thuốc cũng như tăng chuyển hóa do tăng lưu lượng máu đến gan. Vì vậy, trên lâm sàng, adrenalin thường được chỉ định phối hợp với lidocain để kéo dài thời gian tác dụng và giảm độc tính.

 

 

Chỉ định Lidocain

Loạn nhịp thất (đặc biệt sau nhồi máu cơ tim); nhịp nhanh thất; rung thất; gây tê 

Chống chỉ định Lidocain

Bệnh sử mẫn cảm với bất cứ loại amid nào của thuốc gây tê; blốc nhĩ thất ở bất cứ độ nào, rối loạn xoang – nhĩ hoặc bất cứ rối loạn dẫn truyền nào; ức chế nặng cơ tim; rối loạn chuyển hoá porphyrin cấp; thể tích máu giảm.

Thận trọng Lidocain

Dùng liều thấp trong suy tim sung huyết, nhịp tim chậm; tổn thương gan (Phụ lục 5); thiếu oxygen mô nặng; ức chế hô hấp nặng; sau phẫu thuật tim và ở người cao tuổi; thời kỳ mang thai và cho con bú

Liều lượng và cách dùng Lidocain

Cách dùng: Khi cho thuốc, phải theo dõi liên tục điện tâm đồ; giám sát huyết áp, tần số tim, hô hấp và các dấu hiệu nhiễm độc chủ quan và khách quan nhỏ nhất vì thường các dấu hiệu này báo trước nhiễm độc nặng, đặc biệt ở người suy tim sung huyết, có bệnh gan, nhồi máu cơ tim cấp hoặc truyền tĩnh mạch kéo dài (> 24 giờ).

Liều dùng: Loạn nhịp thất hoặc rung thất, tiêm tĩnh mạch, người lớn, liều nạp 50 – 100 mg (hoặc 1 – 1,5 mg/kg) tiêm với tốc độ 25 – 50 mg/phút, tiếp theo ngay sau là truyền tĩnh mạch 1 – 4 mg/phút (giảm liều truyền nếu cần khi truyền kéo dài trên 24 giờ). Với người cao tuổi, liều giống như liều người lớn, nhưng có nhiều nguy cơ nhiễm độc vì hệ số thanh thải giảm.

Với người suy tim, nửa liều nạp tiêm tĩnh mạch của người lớn, liều duy trì ban đầu, 1 mg/phút.

Ở trẻ em, liều tiêm tĩnh mạch (hoặc cho vào ống nội khí quản), liều nạp 1 mg/kg, cách 10 – 15 phút có thể lặp lại, tối đa 3 – 5 mg/kg. Liều duy trì truyền tĩnh mạch, 20 – 50 microgam/kg/phút.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top