✴️ Xử trí ban đầu đau thắt ngực ổn định

Nguyên nhân gây ra cơn đau thắt ngực ổn định

Nguyên nhân chủ yếu gây ra cơn đau thắt ngực là do xơ vữa động mạch vành khiến lòng mạch bị thu hẹp, từ đó làm giảm lưu lượng máu tới tế bào cơ tim. Cục máu đông cũng có thể là nguyên nhân làm tắc hẹp mạch máu và gây ra những cơn đau thắt.

Cơn đau thắt ngực ổn định thường được kích hoạt bởi các hoạt động thể chất. Khi bạn leo cầu thang, tập thể dục hoặc đi bộ, tim phải hoạt động nhiều hơn. Tuy nhiên, các mạch máu bị thu hẹp làm chậm lưu lượng máu. Bên cạnh hoạt động thể chất, các yếu tố khác như căng thẳng cảm xúc hoặc nhiệt độ lạnh cũng có thể gây thu hẹp động mạch và kích hoạt tình trạng này. Nhìn chung, đau thắt ngực ổn định ít nguy hiểm hơn đau thắt ngực không ổn định.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ cảnh báo người bệnh có thể gặp phải những cơn đau thắt ngực có thể kể đến là:

  • Hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình
  • Căng thẳng kéo dài
  • Béo phì, ít vận động
  • Tuổi tác cao, huyết áp cao
  • Bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu
  • Các tình trạng tim mạch khác như rối loạn nhịp tim, thiếu máu, suy tim, bệnh van tim…

 

Triệu chứng cơn đau thắt ngực ổn định

Một cơn đau thắt ngực ổn định thường có những dấu hiệu như ngực bị bóp chặt, cơn đau có thể lan ra đến cổ, vai cũng như cánh tay. Đau thắt ngực ổn định thường xảy ra khi người bệnh vận động mạnh hoặc vào buổi sáng sớm đi kèm các triệu chứng khó thở, buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi… Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng thường kéo dài khoảng 15 phút và giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc điều trị.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau thắt ngực không ổn định. Cùng là đau thắt ngực, nhưng triệu chứng của hai loại này sẽ có một số điểm khác nhau:

  • Cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra khi người bệnh vận động mạnh hoặc vào buổi sáng sớm. Còn cơn đau ngực không ổn định có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi nghỉ ngơi.
  • Cơn đau thắt ngực ổn định thường có xu hướng tạm thời khoảng 15 phút và giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc điều trị đau thắt ngực. Cơn đau ngực không ổn định nặng và kéo dài hơn, có thể tới hơn 30 phút, không giảm khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc.
  • Đau thắt ngực ổn định ít nguy hiểm hơn đau ngực không ổn định nhưng có thể gây đau và khó chịu cho người bệnh. Đôi khi chứng bệnh này có thể thầm lặng (không đau hoặc đau ngực không điển hình) gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Đau ngực không ổn định thì nguy hiểm hơn bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng.

Cả hai tình trạng đau thắt ngực trên đều có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm đến tính mạng. Nếu may mắn qua khỏi cơn nhồi máu, bạn cũng phải chịu những di chứng nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống nếu không biết cách xử lý và phòng ngừa kịp thời.

Cách xử trí nhanh khi gặp phải các cơn đau thắt ngực

Bạn có thể lưu ý những dấu hiệu nguy hiểm sau để kịp thời cấp cứu khi đau thắt ngực:

  • Đau ngực dữ dội
  • Da xanh xao, vã mồ hôi lạnh
  • Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn
  • Đau hàm, khó chịu ở lưng, vai, cánh tay
  • Cảm thấy bồn chồn, lo lắng ngày càng tăng
  • Mệt mỏi bất thường, đột nhiên cảm thấy kiệt sức, khó thở hơn

Đây là các dấu hiệu cho thấy cơ tim đang bị thiếu máu, vì vậy bạn cần mau chóng thực hiện các bước dưới đây:

  • Bước 1: Dừng mọi hoạt động đang thực hiện và nằm nghỉ ở tư thế ngồi, đầu gối nâng cao. Đồng thời, bạn nới lỏng quần áo và giữ ấm cơ thể bằng khăn choàng hoặc một chiếc chăn mỏng.
  • Bước 2: Trong trường hợp đã được bác sĩ cho sử dụng các thuốc giãn mạch như nitroglycerin, bạn có thể cắt cơn đau bằng cách ngậm dưới lưỡi 1 viên nitroglycerin tác dụng nhanh hoặc sử dụng nitroglycerin dạng thuốc xịt.
  • Bước 3: Nếu đã dùng thuốc giãn mạch mà cơn đau kéo dài trên 20 phút thì có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim, cần gọi cấp cứu hoặc nhờ người thân chuyển đến bệnh viện ngay lập tức.

Bên cạnh cách xử lý khi gặp phải cơn đau thắt ngực ổn định, bạn cần nắm rõ các cách kiểm soát và giảm đau lâu dài để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm trên tim mạch.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top