Bức xạ tia cực tím (UV) là gì?

Nội dung

1. Bức xạ tia cực tím (UV) là gì?

Bức xạ là phát xạ (phát ra) năng lượng từ một nguồn nào đó. Có rất nhiều loại bức xạ khác nhau. Bức xạ tia cực tím (UV) là một dạng bức xạ điện từ. Nguồn phát ra chính là từ mặt trời, tuy nhiên cũng có thể đến từ các nguồn nhân tạo khác như giường nhuộm da hoặc đèn hàn/xì. 

Tia UV có nhiều năng lượng hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng không nhiều như tia X. Tia UV năng lượng cao hơn thường có đủ năng lượng để loại bỏ một electron (ion hóa) từ một nguyên tử hoặc phân tử, khiến chúng trở thành một dạng bức xạ ion hóa. Bức xạ ion hóa có thể làm tổn thương DNA trong tế bào cơ thể chúng ta, từ đó có thể dẫn đến ung thư. Nhưng vì tia UV không có đủ năng lượng để thâm nhập sâu vào cơ thể nên tác động của chúng chủ yếu là ở trên da.

Các nhà khoa học thường chia bức xạ UV thành 3 dải bước sóng:

  • Tia UVA là tia UV yếu nhất. Chúng có thể làm cho các tế bào da bị lão hóa và gây ra một số tổn thương gián tiếp đối với DNA của tế bào. Tia UVA chủ yếu liên quan đến tổn thương da lâu dài như nếp nhăn, nhưng cũng được cho là có vai trò trong một số bệnh ung thư da. 

  • Tia UVB có năng lượng nhiều hơn một chút so với tia UVA. Chúng có thể làm tổn hại DNA trong tế bào da trực tiếp và là những tia chính gây cháy nắng. Chúng cũng được cho là gây ra hầu hết các bệnh ung thư da.

  • Tia UVC có nhiều năng lượng hơn các loại tia UV khác. May mắn thay, chúng phản ứng với ozone trong bầu khí quyển nên không thể chiếu xuống mặt đất được. Do đó tia UVC thường không phải là yếu tố nguy cơ gây ung thư da. Tuy vậy chúng có thể đến từ một số nguồn nhân tạo như ngọn đuốc hàn hồ quang, đèn thủy ngân, bóng đèn khử trùng UV diệt vi khuẩn và các loại vi trùng (trong nước, không khí, thực phẩm hoặc trên bề mặt).

 

2. Chúng ta tiếp xúc với bức xạ UV như thế nào?

Ánh sáng mặt trời

Hầu hết các tia UV con người tiếp xúc đều bắt nguồn từ mặt trời. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ ánh sáng mặt trời là tia UV. Khoảng 95% tia UV đến được Trái Đất là tia UVA, 5% là tia UVB. Sức mạnh của các tia UV lên mặt đất phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như:

  • Thời gian trong ngày: Tia cực tím mạnh nhất từ ​​10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

  • Mùa trong năm: Những tháng mùa xuân và mùa hè, tia UV mạnh thường mạnh hơn các tháng còn lại trong năm.  

  • Khoảng cách từ đường xích đạo (vĩ độ): Việc tiếp xúc với tia UV sẽ giảm khi bạn cách xa đường xích đạo.

  • Độ cao: Các tia UV tiếp cận mặt đất ở độ cao cao hơn.

  • Mây: Tác động của tia UV có thể bị thay đổi bởi mây. Đôi khi mây che phủ và làm giảm tiếp xúc với một số tia cực tím, trong khi đó một số loại đám mây lại có thể phản xạ tia cực tím và có thể làm tăng tiếp xúc. Điều quan trọng cần biết là tia UV có thể xuyên qua mây, ngay cả vào một ngày nhiều mây. 

  • Phản xạ các bề mặt: Tia UV có thể phản chiếu các bề mặt như nước, cát, tuyết, vỉa hè hoặc cỏ, dẫn đến sự gia tăng phơi nhiễm.

  • Các thành phần của không khí: Ozone trong khí quyển.

Lượng tia UV tiếp xúc với một người phụ thuộc vào độ mạnh của tia, thời gian tiếp xúc với da và liệu da có được bảo vệ bằng quần áo hoặc kem chống nắng hay không.

Nguồn tia UV nhân tạo

Các nguồn tia UV nhân tạo cũng có thể là quan trọng. Bao gồm:

  • Đèn cực tím và giường phơi nắng (giường nhuộm da): Loại tia bức xạ và lượng bức xạ mà ai đó tiếp xúc với giường nhuộm da tùy thuộc vào loại đèn cụ thể sử dụng, thời gian và cách thức sử dụng của mỗi người. Hầu hết các loại giường nhuộm da hiện đại đều phát ra các tia UVA là chủ yếu, còn lại là UVB.

  • Điều trị bằng tia cực tím (Liệu pháp UV): Ánh sáng từ tia cực tím có thể giúp điều trị một số vấn đề trên da như vảy nến.

  • Đèn màu đen: Những bóng đèn này sử dụng để phát ra tia UV (chủ yếu là UVA). Nó cũng phát ra một số ánh sáng nhìn thấy nhưng bởi bộ lọc đã chặn các tia này nên chỉ có mình tia UV xuyên qua được. Những bóng đèn này có màu sáng tím và được sử dụng trong các vật liệu huỳnh quang. Các bẫy côn trùng cũng phát ra một số tia UV.

  • Đèn hơi thủy ngân: Đèn hơi thủy ngân có thể được sử dụng để chiếu sáng các khu vực công cộng lớn như đường phố hoặc phòng tập thể dục. Cơ thể sẽ không tiếp xúc với tia UV nếu chúng hoạt động tốt. Các dạng đèn này được tạo thành từ 2 bóng đèn: một bóng đèn bên trong phát ra ánh sáng và tia UV, và một bóng đèn bên ngoài lọc ra tia cực tím. Tiếp xúc với tia cực tím chỉ có thể xảy ra nếu bóng ngoài bị hỏng. Một số đèn hơi thủy ngân được thiết kế để tự tắt khi bóng đèn ngoài bị vỡ. Đối với những bóng đèn không có tính năng này sẽ được thiết kế một lớp bảo vệ để tránh cho mọi người không bị phơi nhiễm nếu bóng vỡ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top