Ho không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh và thường do những bệnh của đường hô hấp gây nên như: viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản cấp và mạn, hen phế quản, viêm phổi… Một số bệnh ở ngoài đường hô hấp cũng là nguyên nhân gây ho như một số bệnh về tim mạch (tăng áp lực động mạch phổi, phổi bị ứ huyết, tâm phế mạn, suy tim…). Ngoài ra, ho còn gặp trong trường hợp nhiễm không khí nóng hoặc lạnh, hít phải các hơi độc, hóa chất, thuốc lá gây kích thích niêm mạc đường hô hấp…
Các loại ho thường gặp
Ho khan thường gây ngứa họng và không có đờm. Loại ho này có thể gây khàn giọng hoặc mất giọng. Ho khan thường là do hít phải những mẩu vụn thực phẩm hoặc hít phải các loại khói bụi gây kích thích như khói thuốc, khói than, mùi hóa chất. Hoặc có thể phản ứng của cơ thể khi thời tiết thay đổi đột ngột, do nhiễm vi-rút, do cúm hay cảm lạnh.
Ho có đờm thường là nặng ngực và cơn ho thường khạc ra chất nhầy và đờm. Bệnh nhân có cảm giác nghẹt thở và khó thở, thường làm cho người bệnh mệt lả. Các triệu chứng thường tăng lên khi đi bộ và nói chuyện. Ho có đờm có thể là triệu chứng còn lại sau khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang…
Để điều trị ho, trước hết cần phải điều trị nguyên nhân gây ho. Vì thế người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán xác định ho do nguyên nhân.
Đối với ho khan, các thuốc có thể dùng như codein, dextromethorphan… Đây là thuốc cắt cơn ho tác động ức chế lên thần kinh trung ương làm mất phản xạ ho.
Đối với ho có đờm thuốc thường dùng như terpin hydrat. Ngoài ra, có thể dùng acetylcystein, bromhexim…
Không tự ý dùng kháng sinh trị ho. Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp ho do nguyên nhân nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm amiđan cấp mủ, viêm phế quản, viêm phổi…
Việc dùng thuốc nào với liều lượng ra sao cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do đó khi thấy xuất hiện các cơn ho hoặc do dai dẳng kéo dài, người bệnh nên đi khám. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Cách xử trí các cơn ho bằng tự nhiên
Bên cạnh việc dùng thuốc, nhiều người cũng áp dụng các biện pháp dân gian trị ho như:
Quả quất: Dùng quất ngâm với một chút muối để ngậm hoặc uống; Hấp cách thủy quất với đường phèn tạo thành dạng siro để uống rất tốt cho chữa ho… Hoặc có thể hấp quất với mật ong.
Chanh đào: Có nhiều cách để áp dụng trong việc chữa ho từ chanh đào như chanh cắt lát ngâm muối dùng để ngậm, chanh đào trộn với mật ong hoặc đường phèn hấp cách thủy (hoặc hấp vào nồi cơm vừa cạn nước)…
Lá húng chanh: Húng chanh có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa ho, trị viêm họng.
Để cải thiện nhanh chóng các cơn ho và phòng ngừa các triệu chứng ho nặng thêm, người bệnh cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa. Cần có chế độ luyện tập thể dục thể thao, ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng, rèn luyện thích hợp.
Bệnh nhân ho nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa), tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh (tăng cường vitamin C), ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm sức đề kháng cho cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh