Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sỏi mật khác nhau: dùng thuốc, nội soi, tán sỏi ngoài da,…Tùy theo kích thước sỏi, chức năng mật, triệu chứng bệnh… mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất.
1. Sỏi mật hình thành như thế nào?
Túi mật là 1 túi nhỏ, màu xanh lam, nằm phía dưới thùy gan phải, thông với đường mật qua ống túi mật. Túi mật dự trữ dịch mật do gan tổng hợp và bài tiết ra. Khi ăn, đặc biệt là thức có dầu, túi mật sẽ bài tiết dịch mật vào vào tá tràng, xuống ruột non, giúp phân giải các chất béo, thúc đẩy quá trình trình tiêu hóa thức ăn.
Thành phần chính của dịch mật gồm có muối mật (chiếm khoảng 50%), sắc tố mật (bilirubin) và cholesterol. Khi một trong ba thành phần trên bị bão hòa sẽ dẫn đến tình trạng kết tinh, gọi là sỏi mật.
Tỷ lệ người mắc sỏi mật ở Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng
2. Các loại sỏi mật
Sỏi mật được hình thành từ chính các thành phần trong dịch mật, vì vậy sỏi mật chia thành 3 loại như sau:
Sỏi cholesterol: thành phần chính trong sỏi là cholesterol, chiếm đến 70%. Đây là loại sỏi thường gặp nhất, có màu vàng. Được hình thành do lượng cholesterol dư thừa trong dịch mật kết tinh lại cùng các thành phần khác.
Sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin): thành phần chính trong sỏi là bilirubin. Khi hàm lượng bilirubin trong túi mật quá cao, bilirubin sẽ kết hợp với các thành phần khác trong dịch mật như canxi, cholesterol,..tạo thành sỏi. Sỏi sắc tố mật thường có màu nâu sẫm hoặc đen.
Sỏi hỗn hợp: thành phần trong sỏi có 30-70% là cholesterol, còn lại là bilirubin.
3. Dấu hiệu nhận biết sỏi mật
Có tới 80% bệnh nhân mắc sỏi mật mà không có triệu chứng. Khi ấy việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào siêu âm và chụp CT (cắt lớp vi tính). Số còn lại, bệnh nhân thường có những triệu chứng điển hình sau:
Cơn đau quặn gan: đau hạ sườn phải, có thể lan lên vai phải hoặc sau lưng. Đau tăng khi hít sâu. Cơn đau thường khởi phát đột ngột, kéo dài vài phút hoặc vài giờ, đặc biệt là sau bữa ăn nhiều dầu mỡ.
Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân bị sỏi mật hay bị ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu. Có thể cảm thấy buồn nôn, nôn, khó chịu. Những triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh dạ dày.
Sốt: xảy ra khi đường mật bị nhiễm khuẩn. Người bệnh thường bị sốt cao trên 38 độ, kèm theo ớn lạnh, vã mồ hôi.
Vàng da: Khi sỏi mật làm tắc ống dẫn mật sẽ gây vàng da. Mức độ vàng da khác nhau tùy vào sự tiến triển của bệnh.
4. Biến chứng nguy hiểm của sỏi mật
Phần lớn bệnh nhân khi mắc sỏi túi mật thường không có triệu chứng. Do đó đa số bệnh nhân đến khám khi sỏi đã gây ra biến chứng. Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu bệnh nhân không điều trị sỏi mật kịp thời bao gồm:
Viêm túi mật và viêm phúc mạc mật: Khi đường mật bị tắc và nhiễm trùng do sỏi sẽ làm tăng áp lực trong đường mật, làm tổn thương hệ thống đường mật. Dịch mật bị nhiễm trùng có thể thấm vào ổ phúc mạc gây nhiễm trùng ổ bụng, nặng hơn có thể làm hoại tử đường mật dẫn đến viêm phúc mạc mật.
Bệnh sỏi mật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
Viêm tụy cấp do sỏi: đây cũng là một biến chứng thường gặp của sỏi mật. Bệnh nhân có biểu hiện đau dữ dội, sốc, nôn nhiều, co cứng vùng thượng vị cùng với các triệu chứng trụy tim mạch trong trường hợp nặng.
Viêm mủ đường mật và áp xe đường mật: khi mật bị ứ đọng và nhiễm khuẩn sẽ gây viêm mủ đường mật (nước mật đen đục, mùi thối có lẫn với mủ trắng). Viêm mủ đường mật sẽ tạo thành các ổ áp xe nằm rải rác ở cả 2 thùy gan. Bệnh nhân sốt cao, rét run, gan to và đau, thể trạng suy sụp.
Chảy máu đường mật: bệnh nhân có các dấu hiệu của sỏi mật cùng với chảy máu đường tiêu hóa trên (nôn ra máu và ỉa phân đen). Tình trạng này thường dai dẳng và dễ tái phát, trước mỗi lần thường có cơn đau quặn gan. Nội soi dạ dày – tá tràng phát hiện có máu trong tá tràng có nguồn gốc từ đường mật.
5. Các phương pháp điều trị sỏi mật
Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của y học, có nhiều phương pháp điều trị sỏi mật. Tùy vào tình trạng của sỏi mật mà bác sĩ có các chỉ định điều trị khác nhau:
5.1 Điều trị sỏi mật bằng thuốc
Điều trị sỏi mật bằng thuốc áp dụng trong trường hợp sỏi cholesterol, mới hình thành, kích thước nhỏ (< 2cm). Những thuốc này có bản chất là acid mật, giúp làm giảm tổng hợp cholesterol ở gan và hòa tan cholesterol trong dịch mật và do đó có tác dụng bào mòn sỏi. Tùy vào kích thước của sỏi mà thời gian sử dụng thuốc dài hay ngắn. Những thuốc điều trị sỏi mật thường có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến gan. Do đó việc kiểm tra chức năng gan trước và trong quá trình điều trị (6 tháng/ lần) là rất cần thiết. Hiện nay, việc điều trị sỏi mật bằng thuốc không còn được khuyến khích sử dụng.
5.2 Điều trị sỏi mật bằng phẫu thuật
Có 2 hình thức cắt túi mật là mổ nội soi và mổ hở truyền thống:
Cắt túi mật nội soi: Đây là phương pháp được áp dụng cho hầu hết các trường hợp có chỉ định cắt túi mật để loại sỏi. Bác sĩ sẽ rạch 3-4 đường nhỏ trên bụng (khoảng 1cm) rồi đưa ống nội soi vào để cắt bỏ túi mật. Thời gian phẫu thuật ngắn, không để lại sẹo, thời gian nằm viện sau mổ chỉ từ 1-2 ngày. Với những ưu điểm này, phẫu thuật nội soi cắt túi mật được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị sỏi mật.
Mổ nội soi cắt túi mật là phương pháp điều trị sỏi mật tối ưu.Phẫu thuật mổ hở: Áp dụng cho khác trường hợp không thích hợp để mổ nội soi kể trên. Bác sĩ rạch một đường lớn trên bụng, để lộ túi mật và cắt bỏ. Thời gian nằm viện lâu hơn (5-7 ngày) và mất khoảng 4-6 tuần để phục hồi.
Nhìn chung sỏi mật là một bệnh lý gan mật thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nhiễm trùng, ngoại khoa nguy hiểm. Vì thế khi phát hiện mắc bệnh cần chẩn đoán và điều trị sỏi mật kịp thời để dự phòng những biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh