NGUYÊN NHÂN VIÊM MÔ MỀM DƯỚI DA
Thông qua các vết thương hở như vết cắt hoặc nứt trên da, một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn xâm nhập vào và gây bệnh. Nhất là trong môi trường ẩm ướt, da đang bị nấm hay gặp phải một sống vấn đề như loét tì đèn, viêm tắc tĩnh mạch…
Người béo phì cũng dễ gặp phải bệnh viêm mô mềm dưới da hay những người mắc bệnh tiểu đường, suy giảm hệ miễn dịch HIV, bệnh tự miễn, ác tính, người già hoặc những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc glucocorticoid.
TRIỆU CHỨNG VIÊM MÔ MỀM DƯỚI DA
Khu vực cẳng chân là vùng dễ bị viêm nhất biểu hiện ra thành các triệu chứng cụ thể như:
-Vùng da bị tổn thương sẽ thấy sưng nóng, đau và đỏ
-Bề mặt da sần sùi như vỏ cam và có tính chất lan tỏa
-Vùng da tổn thương có xuất hiện bọng nước, xuất huyết trên da.
-Hạch phản ứng ở gân vị trí tổn thương
-Toàn thân mệt mỏi, có thể sốt.
Khi bệnh có diễn biến nghiêm trọng, người bệnh sẽ gặp phải hàng loạt các dấu hiệu cảnh báo như ớn lạnh, hoa mắt, chóng mặt, đau cơ, đổ mồ hôi, vùng da viêm nóng đỏ. Khi viêm mô tế bào lan rộng sẽ kèm theo các triệu chứng buồn ngủ, lơ mơ, vùng da viêm phồng rộp và có những vết đỏ kéo dài trên da lan rộng.
Viêm mô mềm dưới da có thể lan vào các hạch bạch huyết và máu của người bệnh. Bệnh có tính chất nguy hiểm nên cần thăm khám và điều trị sớm để không gặp phải biến chứng.
KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ VIÊM MÔ MỀM DƯỚI DA
Thông qua các triệu chứng ngoài da, bác sĩ có thể nhận biết bệnh. Người bệnh có thể được chỉ định thêm một số phương pháp cận lâm sàng để đánh giá mức độ tổn thương và tìm các biến chứng, cụ thể là:
+ Xét nghiệm máu nếu nghi ngờ lây lan vào máu
+ Chụp X quang xác định vật lạ dưới da hoặc xương
+ Nuôi cấy vi khuẩn tìm nguyên nhân gây bệnh
Chỉ định điều trị kháng sinh đường uống nếu bệnh ở mức độ nhẹ và chưa có biến chứng. Người bệnh cần tái khám thường xuyên để theo dõi.
Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp đối với các trường hợp:
+ Nhiễm trùng nặng
+ Người quá già hoặc còn quá nhỏ tuổi
+ Viêm da diện rộng ở tay hoặc gần mắt
+ Không đáp ứng khi điều trị bằng đường uống.
Người bệnh cần điều trị nội trú để theo dõi suốt quá trình. Nếu bệnh nặng hơn hay có áp xe, mủ phải phẫu thuật hay cắt lọc tổ chức da hoại tử.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh