Thiếu máu là tình trạng có ít số lượng hồng cầu hay ít số lượng hemoglobin (Hb) hơn bình thường trong máu. Hemoglobin là một loại protein có chứa sắt trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy tới các mô.
Hiện tượng thiếu máu xảy ra khi số lượng hemoglobin trong máu quá thấp, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không cung cấp đủ oxy cho cơ thể dẫn tới tình trạng da xanh tái, mệt mỏi và cảm giác kiệt sức.
Thiếu máu có thể diễn ra trong khoảng thời gian dài hoặc ngắn. Trong trường hợp thiếu máu nhẹ, chỉ cần thay đổi chế độ ăn là tình trạng có thể được cải thiện. Tuy nhiên khi bị thiếu máu nặng, việc điều trị là hết sức cần thiết.
Triệu chứng biểu hiện phụ thuộc vào mức độ nặng của tình trạng thiếu máu và nguyên nhân gây bệnh. Triệu chứng bao gồm:
Da xanh tái (do thiếu hemoglobin là yếu tố làm máu có màu đỏ).
Thiếu năng lượng (do suy giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể).
Thở gấp sau khi vận động hay chơi đùa (do thiếu oxy cho cơ thể).
Có một số dạng bệnh thiếu máu, chúng được phân loại theo nguyên nhân như sau:
Thiếu máu do thiếu sắt là trường hợp phổ biến nhất. Nguyên nhân là do thiếu sắt trong chế độ ăn. Sắt là nguyên tố cần thiết cho việc tạo thành hemoglobin. Trẻ chỉ bú sữa mẹ, sữa bột không bổ sung sắt hay sữa bò có nguy cơ cao bị thiếu hụt sắt sau 6 tháng tuổi. Do vậy, nên tham khảo ý kiến bác sỹ về việc cho trẻ uống sữa bột có bổ sung sắt nếu trẻ vẫn chưa tới giai đoạn ăn dặm. Sắt trong sữa mẹ rất dễ hấp thu. Các bà mẹ được khuyến cáo nên cho trẻ bú cho tới khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm trong khoảng từ 6 tháng cho tới 2 tuổi.
Thiếu máu do thiếu vitamin nguyên nhân là do thiếu acid folic, vitamin B12 hay vitamin E trong chế độ ăn. Cơ thể cũng cần các vitamin này để tổng hợp hemoglobin.
Thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm là một bệnh di truyền khiến cho hồng cầu có hình dạng bất thường. Những tế bào này không thể thực hiện được chức năng vận chuyển oxy cho các mô như những tế bào bình thường khác, dẫn tới thiếu oxy cung cấp cho cơ thể.
Thiếu máu có thể do các bệnh mãn tính như suy thận, ung thư, bệnh Crohn, các bệnh trên tủy xương và các bệnh tự miễn như Lupus…
Thiếu máu bất sản là một căn bênh hiếm gặp khiến cho cơ thể ngừng sản xuất những tế bào máu mới. Trẻ khi sinh ra đã có thể bị thiếu máu hay bị bệnh thiếu máu sau khi bị nhiễm trùng do virus hay sau khi sử dụng thuốc. Đôi khi, thiếu máu có thể là dấu hiệu sớm của bệnh bạch cầu cấp (bệnh máu trắng hay ung thư máu).
Thiếu máu tan huyết là một bệnh di truyền gây ra do sự phá hủy quá mức các tế bào hồng cầu.
Thiếu máu có thể do bị xuất huyết cấp tính hoặc mãn tính. Tình trạng thiếu máu mãn tính xảy ra rất phổ biến trên tiêu hóa. Nguyên nhân thường là do dị ứng với protein trong sữa bò.
Thiếu máu do mức nồng độ hormone tuyến giáp thấp hoặc testosterone thấp.
Thiếu máu do tác dụng phụ của một vài loại thuốc.
Một số nhóm trẻ em có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cao hơn bình thường. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
Trẻ đẻ non và nhẹ cân.
Trẻ sống ở khu vực có điều kiện kinh tế nghèo nàn.
Trẻ béo phì hoặc trẻ suy dinh dưỡng.
Trẻ tiêu thụ quá nhiều sữa bò.
Trẻ bú bình trên 18 tháng tuổi.
Trẻ thiếu máu nếu không được điều trị sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng. Tình trạng thiếu máu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ dẫn đến mất khả năng tập trung, chậm biết đọc, học hành sa sút và trong một số trường hợp có thể gây đột quỵ.
Bác sỹ sẽ tiến hành một xét nghiệm máu đơn giản để đếm số lượng hemoglobin trong máu của trẻ. Số lượng, kích thước và hình dạng của hồng cầu sẽ cho biết trẻ đang bị dạng thiếu máu nào. Việc đo hemoglobin có thể được thực hiện rất nhanh chỉ với một vài giọt máu. Ngoài ra các bác sỹ sẽ đo tỷ lệ phần trăm thể tích hồng cầu và so sánh với tổng thể tích máu, test này gọi là đo hematocrit. Các bác sỹ cũng sẽ tiến hành kiểm tra thể chất của trẻ và hỏi trẻ một số thông tin về tình trạng sức khỏe tổng thể, chế độ dinh dưỡng và tiền sử gia đình.
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ thiếu máu và nguyên nhân gây bệnh. Các biện pháp thường sử dụng bao gồm:
Bổ sung sắt dạng thuốc uống.
Sử dụng sữa bột bổ sung sắt tăng cường.
Thay đổi chế độ ăn như bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan và rau xanh. Các loại rau giàu sắt bao gồm cải xoăn, rau bina và actisô.
Bổ sung acid folic và vitamin B12 dạng thuốc.
Truyền máu (do suy tủy xương, thiếu máu di truyền thalassaemia, rối loạn về haemoglobin). Tuy nhiên, việc truyền máu thường xuyên có thể gây tích lũy sắt trong cơ thể dẫn đến ngộ độc. Do vậy các bác sỹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc thải trừ sắt kèm với truyền máu.
Điều trị kèm một số thuốc chống nhiễm trùng.
Điều trị để kích thích tủy xương tăng sản xuất hồng cầu.
Cấy tủy xương có thể là lựa chọn điều trị trong những bệnh như hồng cầu lưỡi liềm, thiếu máu di truyền thalassaemia và suy tủy xương.
Hãy thông báo cho bác sỹ để được tư vấn nếu:
Trẻ thường xuyên bị da xanh tái, mệt mỏi và thở gấp.
Bạn nghi ngờ trẻ bị thiếu máu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh