✴️ Dấu hiệu sỏi bàng quang và phương pháp điều trị hiệu quả

Tìm hiểu dấu hiệu sỏi bàng quang giúp bạn có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh này. Sỏi bàng quang chiếm 1/3 số ca sỏi trong hệ tiết niệu, phổ biến ở nam giới hơn so với phụ nữ. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể dẫn tới các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vậy cần làm gì để sỏi bàng quang không còn là nỗi lo với chúng ta, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu dưới bài viết sau đây.

 

Sỏi bàng quang là gì?

Sỏi bàng quang xuất hiện khi nước tiểu lắng đọng tại bàng quang, là những khoáng chất đọng lại và kết tinh thành những viên sỏi

 

Sỏi bàng quang là một loại sỏi xuất hiện trong bàng quang. Đó chính là những mảng khoáng chất cứng trong nước tiểu lắng đọng lại khi tiểu không hết. Sau đó dần dần những khoáng chất này sẽ kết tinh thành những viên sỏi trú ngụ tại bàng quang của chúng ta.

Sỏi bàng quang thường có hình tròn, vỏ ngoài xù xì, gai góc. Sỏi có thể xuất hiện ở thận, niệu quản và rơi xuống bàng quang.

Có nhiều trường hợp trong bàng quang chỉ xuất hiện một viên sỏi sẽ phát triển lớn dần nhưng cũng có nhiều trường hợp xuất hiện rất nhiều những viên sỏi khác loại cùng tồn tại trong bàng quang. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời, bệnh sỏi bàng quang sẽ dẫn đến viêm loét bàng quang và sẽ gây biến chứng viêm bàng quang cấp.

 

Những dấu hiệu sỏi bàng quang thường gặp ở người bệnh

Dấu hiệu sỏi bàng quang ở nữ giới

Bệnh nhân sẽ không xuất hiện triệu chứng nếu sỏi trong bàng quang nhỏ có thể tự tiêu và theo nước tiểu ra ngoài. Nhưng khi sỏi lớn dần, bệnh nhân có thể xuất hiện một số dấu hiệu sỏi bàng quang như:

Đái ngắt ngừng

Đái rắt: đi tiểu thành nhiều lần, mỗi lần rất ít, tiểu nhiều vào ban đêm.

Đau ở vùng bụng dưới

Nước tiểu bị vẩn đục, có váng hoặc có màu bất thường

Xuất hiện máu trong nước tiểu và có mùi.

Dấu hiệu sỏi bàng quang ở nam giới

Đi tiểu ra máu

Đau lưng, đau mạn sườn

Tiểu nhiều lần trong ngày đặc biệt vào ban đêm, tiểu rắt

Nước tiểu bị vẩn đục, có váng hoặc có màu bất thường

Nước tiểu của người mắc bệnh sỏi bàng quang thường có màu vàng đậm hơn, có mùi lạ và rất khó chịu

 

Nguyên nhân mắc bệnh sỏi bàng quang

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới sự hình thành của sỏi trong bàng quang như:

Phì đại tuyến tiền liệt

Trường hợp này thường xuất hiện ở nam giới, khi tuyến tiền liệt to lên sẽ gây chèn ép và làm nước tiểu không thể đi ra ngoài, ứ đọng tại bàng quang.

Sa bàng quang:

Trường hợp này xuất hiện chủ yếu ở nữ giới, thành bàng quang quá yếu và sa xuống âm đạo, gây chèn ép và ngăn chặn dòng nước tiểu ra ngoài, gây ra tình trạng ứ đọng nước tiểu tại bàng quang.

Hội chứng bàng quang thần kinh

Khi mắc phải hội chứng này, bàng quang sẽ bị mất chức năng do tổn thương của một phần hệ thống thần kinh. Điều này dẫn tới tình trạng nước tiểu bị ứ đọng – điều kiện thuận lợi dẫn tới sự hình thành của sỏi bàng quang.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang xuất hiện khi bàng quang bị nhiễm khuẩn đặc biệt là vi khuẩn E.coli , hay do một số bức xạ điều trị bệnh lý ở khu vực xương chậu dẫn đến viêm bàng quang. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành sỏi trong bàng quang.

Một số dụng cụ y tế

Sử dụng một số loại dụng cụ y tế như ống thông tiểu, dụng cụ tránh thai cũng có thể gây sỏi bàng quang.

Sỏi thận

Một số loại sỏi hình thành trong thận có kích nhỏ đôi khi sẽ rơi xuống bàng quang hình thành sỏi bàng quang, hoặc sỏi niệu đạo có thể rơi xuống hình thành sỏi.

 

Nguy cơ mắc bệnh sỏi bàng quang

Đối tượng mắc bệnh sỏi bàng quang

Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng với những người không tiểu hết, nước tiểu còn đọng lại tại bàng quang. Tuy nhiên bệnh dễ gặp ở nam giới ở độ tuổi 50 hơn ở phụ nữ.

Những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi bàng quang

Ngoài những nguyên nhân chính gây sỏi bàng quang, thì vẫn còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

Tuổi tác và giới tính: dễ gặp ở nam giới hơn nữ giới, và mức độ mắc bệnh tăng theo độ tuổi.

Tổn thương tủy: bệnh nhân bị tổn thương cột sống nghiêm trọng, mất điều khiển vùng cơ chậu sẽ không thể hoàn toàn làm rỗng bàng quang của họ

Tắc nghẽn bàng quang: nguyên nhân phổ biến như phì đại tuyến tiền liệt

Phẫu thuật bàng quang: sỏi có thể hình thành sau một cuộc phẫu thuật nào đó, ví dụ như phẫu thuật điều trị bệnh tiểu không tự chủ.

 

Biến chứng của bệnh sỏi bàng quang

Bệnh sỏi bàng quang nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm mãn tính và để lại một số biến chứng nguy hiểm như:

Rối loạn chức năng bàng quang mãn tính

Nhiễm trùng đường tiểu

Ung thư bàng quang

Nên làm gì khi xuất hiện dấu hiện sỏi bàng quang?

Khi phát hiên có dấu hiệu sỏi bàng quang, điều đầu tiên người bệnh cần làm là tới bệnh viện để thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và từ vấn cách điều trị phù hợp.

Đi khám để được chẩn đoán ngay khi có dấu hiệu sỏi bàng quang

Để xác định chính xác căn bệnh này, bác sĩ sẽ thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm như:

Khám bụng dưới: để xác định được những vị trí bất thường của bàng quang hay trên tuyến tiền liệt

Xét nghiệm nước tiểu: xác định được các vi khuẩn, khoáng chất có trong nước tiểu

Chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính: thấy được hình ảnh của các nội tạng trong cơ thể

Siêu âm: có thể xác định được hình ảnh của sỏi bàng quang

Điều trị theo chỉ định của bác sĩ khi có dấu hiệu sỏi bàng quang

Nếu kích thước sỏi còn nhỏ ( <10mm ) có thể cân nhắc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý để hồi phục.

Một số loại thuốc hay được sử dụng như: Thuốc giãn cơ trơn, thuốc kháng sinh, thuốc tán sỏi, thuốc giảm đau,.. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu kích thước sỏi lớn ( >10mm hoặc <10mm nhưng không thể tự trôi ra ngoài theo đường tiểu), người bệnh sẽ phải can thiệp ngoại khoa để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể.

Tán sỏi nội soi ngược dòng: đây là phương pháp làm sạch sỏi theo “đường tự nhiên”. Cụ thể là bác sĩ sẽ đưa ống nội soi ngược theo lỗ tiểu lên niệu đạo, tiếp cận với bàng quang nơi chứa sỏi và sử dụng nguồn năng lượng từ tia laser hoặc sóng âm để bắn vỡ sỏi, sau đó hút bỏ ra ngoài. Tán sỏi nội soi ngược dòng có ưu điểm là không có vết mổ nên không lo sẹo, người bệnh ít đau sau tán, thời gian phục hồi nhanh. Khoảng 3 – 6 tiếng sau tán, bệnh nhân có thể ăn nhẹ và ra viện sau 24 tiếng nếu sức khỏe không có bất thường.

Mổ bàng quang lấy sỏi: nếu kích thước sỏi quá lớn, điều trị bằng các phương pháp trên không hiệu quả bác sĩ có thể mổ trực tiếp và gắp viên sỏi ra.

 

Phòng ngừa bệnh sỏi bàng quang hiệu quả nhất

Nên đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe cũng như chẩn đoán được các bệnh một cách nhanh nhất và chính xác nhất.

Uống đủ lượng nước cần cho cơ thể, một ngày 2-3 lít nước tùy thuộc vào cơ thể từng người.

Kiểm soát tốt chế độ ăn uống và tiêu thụ các loại thực phẩm.

Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều cafein.

Không nên ăn quá mặn, trung bình nên ăn 6g muối/ngày.

Cần rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.

Trên đây là một số thông tin về dấu hiệu sỏi bàng quang. Hi vọng qua những thông tin trên, bạn có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời và ngăn chặn hiệu quả căn bệnh này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top