TÂM SỰ VỚI A.I - MỘT TRÀO LƯU TÂM LÝ MỚI

* VÌ SAO PHẢI TÂM SỰ VỚI A.I (PHẦN MỀM TRÍ TUỆ NHÂN TẠO)?

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng họ muốn được nói ra, muốn được lắng nghe, nhưng:

  •  Khi chia sẻ với người thân, họ thường bị xem là “yếu đuối”, “làm quá vấn đề”.
  •  Khi mở lòng với bạn bè, không ít lần họ bị đánh giá, phán xét hoặc nhẹ thì bị chuyển chủ đề.
  •  Cố gắng diễn đạt suy nghĩ của mình nhưng không tìm được ai đủ kiên nhẫn để lắng nghe đến cùng.

Vì thế, không quá ngạc nhiên khi một AI – luôn sẵn sàng tiếp nhận, phản hồi nhẹ nhàng, không ngắt lời, không phản đối – lại trở thành nơi trú ngụ tâm lý cho nhiều người.

Một câu chuyện viral trên mạng xã hội về tâm sự cùng A.I

 

Tuy nhiên, đây cũng là lúc chúng ta cần nhìn rõ hai mặt của vấn đề.

“Tôi rất hiểu cảm giác của bạn!”

AI không có cảm xúc thật, không có khả năng đồng cảm thực sự. Mọi lời an ủi, phản hồi tích cực đều được lập trình từ ngôn ngữ học thống kê - được thiết kế để trông có vẻ thấu hiểu chứ không thực sự hiểu.

Nó giả lập sự đồng cảm bằng các mẫu ngôn ngữ - không dựa trên cảm nhận hay kinh nghiệm sống.

Và đây chính là mặt nguy hiểm nếu con người bắt đầu đánh đồng sự phản hồi máy móc với sự thấu cảm thật sự. Khi quá lệ thuộc vào “đồng cảm ảo”, chúng ta có thể:

  •  Bỏ qua những tín hiệu cần sự can thiệp y tế hoặc chuyên gia.
  •  Cảm thấy đủ “được hiểu” mà không tìm kiếm sự hỗ trợ thật sự.
  •  Thu mình khỏi kết nối xã hội, mất dần kỹ năng giao tiếp cảm xúc với người thật và lại tiếp tục vòng lặp lệ thuộc hơn vào AI.

 

“Bạn còn cần gì nữa không?”

Hiện nay, các chatbot được lập trình để trả lời những gì người sử dụng muốn nghe. Cứu cánh của AI là giữ người dùng ở lại ứng dụng càng lâu càng tốt, bất chấp củng cố suy nghĩ, định kiến sai lầm. Ngược lại, hoạt động tham vấn của chuyên gia hay an ủi, động viên từ người thân dựa trên sự chân thành, tin tưởng lẫn nhau. Điều này sẽ mang lại kết quả và cách thực hiện khác hẳn.

AI không thể mang lại tác động thực tế như người thân, bạn bè hay chuyên viên tâm lý. Quá phụ thuộc, tin tưởng AI có thể trở thành rào cản để người gặp vấn đề tâm lý tìm kiếm hỗ trợ từ người có chuyên môn.

 

*Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý:

  • Trò chuyện với AI có thể là bước đầu giúp bạn sắp xếp suy nghĩ, nhưng nếu cảm xúc tiêu cực kéo dài, mất ngủ, chán ăn, hoặc mất hứng thú với cuộc sống, hãy tìm đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý.
  • Đừng ngần ngại kết nối lại với người thật - bạn bè, gia đình, cộng đồng là phần không thể thiếu trong quá trình chữa lành.
  •  Và nếu là người lắng nghe, hãy thật sự lắng nghe. Đừng gạt đi tâm sự của ai đó chỉ vì bạn thấy nó nhỏ nhặt.
return to top