Ruột thừa còn được biết đến với tên là ruột tịt, là đoạn cuối của manh tràng với cấu trúc là hình chóp lộn ngược, chiều dài trung bình của ruột thừa khoảng 8 - 10cm.
Trước đây, nhiều người thường nghĩ rằng ruột thừa chỉ là một vết tích để lại của quá trình tiến hóa chứ không có bất kì một chức năng nào. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều bằng chứng cho thấy bộ phận này có thể tham gia vào sự tiết chế globulin miễn dịch như IgA, đóng vai trò như một cơ quan miễn dịch.
Sự tắc nghẽn trong niêm mạc của ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm ruột thừa. Vi khuẩn sinh sôi và phát triển nhanh chóng dẫn đến tình trạng viêm, sưng ở ruột thừa. Nếu không được chữa trị kịp thời, nguy cơ vỡ ruột thừa có thể gặp với tỷ lệ rất cao.
Theo một nghiên cứu cho thấy, ở Pháp cứ 100.000 người dân thì có khoảng 40 đến 60 trường hợp viêm ruột thừa, còn tại Mỹ tỷ lệ phẫu thuật do bệnh này là 1%.
Bệnh viêm ruột thừa thường có dấu hiệu hay gặp là đau bụng tự nhiên. Tính chất đau có thể thay đổi trong những giờ đầu của bệnh, bắt đầu ở vùng quanh rốn sau đó đau lan xuống hố chậu phải. Thời gian đau bao lâu thì còn tùy thuộc vào thể trạng riêng của từng người.
Thông thường, cơn đau có thể xảy ra nhanh chóng. Lúc vừa chớm, bệnh nhân thường sẽ cảm thấy đau kéo dài trong khoảng từ 1 đến 12 tiếng, chủ yếu đau ở khu vực bên phải bụng, vùng thượng vị và khu vực quanh rốn.
Tiếp theo đó sẽ chuyển dần xuống đau vùng bụng dưới cạnh hố chậu phải. Lúc này, cơn đau âm ỉ và đôi khi đau tăng dần lên khiến bệnh nhân rất khó chịu. Một khi đã xuất hiện cơn đau thì trong vòng 24h sẽ bắt đầu xuất hiện thêm các triệu chứng khác của bệnh.
Theo một thống kê gần đây, có khoảng 65% người bị bệnh này sau 48h sẽ gặp biến chứng là vỡ ruột thừa. Do đó, nếu người bệnh gặp tình trạng đau bụng dữ dội kèm với nhiều triệu chứng khác có liên quan như rối loạn tiêu hóa, sốt đến 38 độ, nôn,… thì hãy đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và chữa trị sớm.
Bệnh viêm ruột thừa thường do các nguyên nhân sau đây:
Để nhận biết sớm bệnh này, người ta thường dựa vào vị trí và các triệu chứng liên quan. Điển hình nhất là cơn đau vùng bụng trên rốn hoặc bên phải, đau âm ỉ rồi tăng dần sau đó lan ra những vị trí xung quanh, có thể kéo dài từ 2 đến 12 giờ, đau nhiều lúc cử động, ho hoặc khi di chuyển.
Phản ứng điển hình của cơ thể khi bị nhiễm trùng và cảnh báo có thể gặp tình trạng viêm phúc mạc gây ra tình trạng sốt đến 38 độ.
Người bệnh gặp nhiều vấn đề ở hệ tiêu hóa như: Nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn hoặc ăn uống không ngon,… là những dấu hiệu thường thấy.
Chỉ có khoảng 50% trường hợp là xuất hiện những triệu chứng trên, số còn lại thường thì không có biểu hiện điển hình, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân như người già, trẻ em hoặc phụ nữ có thai.
Ở trẻ cũng xuất hiện những triệu chứng như chán ăn, tiêu chảy, đau bụng hoặc nôn mửa, tuy nhiên thường chẩn đoán nhầm qua bệnh cảnh khác và bỏ sót. Do đó, khi trẻ nhỏ có những dấu hiệu của việc rối loạn tiêu hóa thì cần phải đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Người lớn tuổi khi bị bệnh này thông thường sẽ xuất hiện những triệu chứng tương đối kín đáo và không đặc trưng dẫn đến việc chẩn đoán bệnh bị trì hoãn. Vì vậy nguy cơ gặp biến chứng vỡ ruột thừa rất cao, có thể chiếm đến 30% các trường hợp bệnh.
Hiện tại, viêm ruột thừa vẫn được coi là cấp cứu ngoại khoa và phẫu thuật cắt ruột thừa là phương pháp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị.
Bệnh nhân cần nhịn ăn uống hoàn toàn trước khi phẫu thuật. Người bệnh sẽ được bù đủ dịch thông qua truyền tĩnh mạch và có thể được điều chỉnh rối loạn điện giải nếu gặp phải.
Việc phẫu thuật được thực hiện bằng mổ mở hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên hiện nay, phương pháp mổ nội soi luôn là lựa chọn được ưu tiên trừ khi gặp những trường hợp đặc biệt như người bệnh có bệnh lý tim mạch hay tiền sử mổ ở bụng trước đó,…
Phương pháp nội soi được sử dụng nhiều nhất trong việc điều trị bệnh này nhờ những ưu điểm vượt trội như vết mổ nhỏ nên không để lại sẹo, ít đau hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn, đây là phương pháp điều trị tối ưu cho người cao tuổi hay béo phì.
Trường hợp bệnh nhân bị vỡ ruột thừa dẫn đến áp xe hay nhiễm trùng ở bên trong ổ bụng thì sẽ được cân nhắc chuyển sang mổ mở để đảm bảo an toàn.
Xem thêm: Những điều cần biết về viêm ruột thừa vỡ
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh