✴️ Những điều cần biết về viêm ruột thừa vỡ

Nội dung

Ruột thừa là một ống tiêu hóa nhỏ hình ngón tay ở phía bên phải của vùng bụng thấp. Vai trò chính xác của ruột thừa trong cơ thể không rõ. Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị sưng, viêm và chứa mủ.

Khi bạn bị viêm ruột thừa, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ ruột thừa để ngăn ruột thừa vỡ.

Mời đọc giả tiếp tục tìm hiểu thêm về các triệu chứng và nguyên nhân của ruột thừa vỡ. Chúng tôi cũng trình bày tổng quan về các phương pháp điều trị có thể đối với tình trạng ruột thừa vỡ.

Định nghĩa

Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn và vi khuẩn không thể thoát ra ngoài được. Sự tích tụ của vi khuẩn trong ruột thừa khiến hệ thống miễn dịch kích hoạt và quá trình viêm bắt đầu.

Viêm ruột thừa là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng cấp tính cần phẫu thuật. Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguy cơ vỡ ruột thừa là sau 36 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Nguy cơ tăng sau mỗi 12 giờ sau đó.

Triệu chứng của viêm ruột thừa vỡ là gì?

Triệu chứng đầu tiên của viêm ruột thừa thường là đau bụng. Nó thường bắt đầu gần rốn và sau đó di chuyển xuống thấp hơn vùng chậu phải. Cơn đau có thể trở nên dữ dội hơn theo thời gian và nhiều hơn khi di chuyển, ho, hắt hơi hoặc hít thở sâu. Các dấu hiệu khác của viêm ruột thừa có thể bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn;
  • Sốt;
  • Táo bón hoặc tiêu chảy;

Tuy nhiên, 55% số người không có các triệu chứng viêm ruột thừa điển hình. Trẻ em có thể kêu đau khoảng giữa bụng gần rốn. Hầu hết trẻ em bị viêm ruột thừa có sốt từ 38–39 ° C. Trẻ nhỏ có nguy cơ bị vỡ ruột thừa cao hơn, vì chúng có thể không nói được rõ ràng về các triệu chứng của mình.

Nguyên nhân

Viêm ruột thừa có thể có nhiều nguyên nhân và trong nhiều trường hợp có thể không biết chính xác lý do gây đau ruột thừa. Nguyên nhân thường gặp nhất là do ruột thừa bị tắc nghẽ. Sự tắc nghẽn ở ruột thừa có thể do:

  • Sỏi phân ở ruột thừa;

  • Khối u;

  • Ký sinh trùng;

  • Phì đại mô bạch huyết;

  • Chấn thương vùng bụng;

Nếu có tắc nghẽn trong ruột thừa, vi khuẩn sẽ bị mắc kẹt và bắt đầu sinh sôi, gây nhiễm trùng. Điều này dẫn đến hình thành mủ và sưng, có thể gây ra áp lực đau trong bụng.

Nếu không được điều trị kịp thời áp lực do tắc nghẽn tiếp tục tăng khiến ruột thừa sưng to hơn. Tình trạng sưng tấy khiến một phần ruột thừa bị thiếu máu nuôi và hoại tử. Khi tình trạng này kéo dài sẽ gây vỡ ruột thừa và giải phóng vi khuẩn, dịch mủ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc và tử vong nếu không điều trị.

viêm ruột thừa vỡ

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm ruột thừa chính xác và hiệu quả có thể làm giảm các biến chứng. Tuy nhiên, với hơn một nửa số người bị viêm ruột thừa không có các triệu chứng điển hình, các bác sĩ khó đưa ra được chẩn đoán chính xác ngay từ đầu.

Để chẩn đoán viêm ruột thừa, các bác sĩ sẽ khám các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải và tiền sử bệnh để có thể loại trừ các vấn đề sức khỏe khác. Trong quá trình khám bệnh bác sĩ có thể hỏi và thăm khám để tìm các dấu hiệu:

  • Đau ở bụng dưới bên phải;
  • Sự co cứng của cơ vùng bụng;
  • Sốt
  • Chán ăn, nôn, buồn nôn…;

Nếu cần, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm bụng, chụp MRI hoặc CTĐể loại trừ các khả năng khác, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thêm xét nghiệm:

  • Phân tích nước tiểu;
  • Thử thai;
  • Xét nghiệm máu;
  • Thử nghiệm protein phản ứng C;

Điều trị

Thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch là lựa chọn trong một số trường hợp nhẹ nhất định. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa trước khi nó vỡ ra.

Nếu bác sĩ nghi ngờ vỡ ruột thừa, họ có thể đề nghị phẫu thuật ngay lập tức mà không cần tiến hành xét nghiệm chẩn đoán.

Cắt bỏ ruột thừa viêm càng sớm càng tốt là cách phòng ngừa tốt nhất cho ruột thừa vỡ. Điều trị sớm là rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng một trong hai phương pháp để cắt bỏ ruột thừa:

  • Phẫu thuật nội soi;
  • Phẫu thuật mở bụng;

Hồi phục

Phục hồi sau phẫu thuật cắt ruột thừa thường nhanh. Hầu hết mọi người sẽ hoàn toàn khỏi bệnh. Không cần thay đổi chế độ ăn uống, thể dục hoặc lối sống.

Sau khi phẫu thuật mở bụng, mọi người phải hạn chế hoạt động thể chất trong 10 –14 ngày đầu tiên. Sau phẫu thuật nội soi, mọi người cần hạn chế hoạt động từ 3–5 ngày.

Các biến chứng

Để hạn chế biến chứng của viêm ruột thừa, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ ruột thừa và làm sạch bên trong ổ bụng để tránh nhiễm trùng. Nếu không được điều trị thích hợp sẽ dẫn đến biến chứng viêm phúc mạc và gây tử vong. Cắt ruột thừa thường là một phẫu thuật tương đối an toàn. Trì hoãn phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ biến chứng.

Phòng ngừa

Mặc dù các bác sĩ chưa tìm ra cách phòng tránh viêm ruột thừa nhưng mọi người nên nhập viện càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ mình bị viêm ruột thừa. Chẩn đoán viêm ruột thừa cấp tính và phẫu thuật sớm có thể ngăn ruột thừa vỡ. Trong một số tình huống đặc biệt, bác sĩ có thể cắt ruột thừa bình thường để dự phòng khả năng bị viêm ruột thừa trong tương lai.

Khi nào cần nhập viện

Những người có triệu chứng đau ruột thừa cần đi khám càng sớm càng tốt.

Buồn nôn, nôn không rõ nguyên nhân kèm đau ở bên phải vùng bụng tăng dần theo thời gian.

Tóm lược

Những người có triệu chứng đau bụng dưới bên phải, buồn nôn, sốt cần nhập cấp cứu ngay. Bác sĩ sẽ khám bệnh và yêu cầu xét nghiệm máu cũng như hình ảnh để xác định chẩn đoán viêm ruột thừa.

Phương pháp điều trị thông thường cho viêm ruột thừa, có hoặc không có ruột thừa vỡ, là phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ ruột thừa để tránh tình trạng vỡ và làm sạch trong ổ bụng.

Các biến chứng do cắt ruột thừa không phù hợp chẳng hạn như áp-xe và nhiễm trùng có thể rất nặng nề.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top