✴️ Dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần biết

Nội dung

Dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu thường gặp

Mẹ bầu sẽ gặp một vài dấu hiệu chuyển dạ sau:

Cổ tử cung bắt đầu giãn ra:  Khoảng 2-4 tuần trước khi sinh, bụng bầu bắt đầu “xuống” vì bào thai xuống thấp hơn vào xương chậu của mẹ và đẩy cổ tử cung khiến cổ tử cung mỏng và mở. Điều này sẽ tiếp tục trong những tuần còn lại cho đến ngày sinh.

Dịch âm đạo: Do cổ tử cung mở nên các chất nhầy sẽ tiết ra nhiều hơn. Bạn cũng có thể thấy dịch tiết có lẫn máu. Đây là dấu hiệu chuyển dạ sinh con khá rõ ràng, mẹ cần để ý và đến bệnh viện ngay.

Đau lưng: Nếu bạn là một trong những chị em phụ nữ hay bị đau lưng tiền kinh nguyệt thì trước khi lâm bồn vài ngày, bạn cũng có thể sẽ bị đau lưng. Những cơn đau lưng báo hiệu chuyển dạ này âm ỉ ở lưng dưới. Đó là dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đã mềm và “chín” chuẩn bị cho sự ra đời của bé.

dấu hiệu chuyển dạ

Khi sắp chuyển dạ mẹ bầu thường cảm thấy đau lưng hơn thông thường

Cảm giác thai tụt xuống như sắp rơi: Trường hợp này gọi là sa bụng. Thai nhi không còn đè lên cơ hoành mà tụt sâu xuống vùng xương chậu để chuẩn bị chào đời.

Ối vỡ: Nếu bạn thuộc nhóm 10% người mẹ bị vỡ ối sớm, bạn sẽ cảm nhận được dòng nước nhỏ không màu, không mùi. Nếu chất lỏng có màu đen, xanh, lẫn máu hay mùi hôi thì đòi hỏi bạn phải chú ý ngay lập tức. Hầu hết các bé sẽ được ra đời trong vòng 24 tiếng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Dấu hiệu chuyển dạ này mẹ hết sức lưu ý.

Dấu hiệu chuyển dạ: Giai đoạn 1

Các cơn co thắt thực sự xuất hiện. Cơn co từ nhẹ tới trung bình, xảy ra mỗi 5-30 phút, kéo dài tới 90 giây ở mỗi lần co bóp. Chúng sẽ đạt đỉnh về cường độ nhưng sau đó giảm dần cho đến cuối cùng, co thắt sẽ thường xuyên và lâu hơn.

Các bác sĩ khuyên bạn nên biết cách nhận biết cơn co khi chuẩn bị sinh là co thắt cách nhau khoảng 5 phút một cơn, mỗi cơn kéo dài 60 giây và diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Chuyển dạ bắt đầu. Các cơn co thắt xảy ra cứ mỗi vài phút một lần, túi ối có thể vỡ. Nên sử dụng các kỹ thuật thở và các mẹo giảm đau như đi lại, ngồi, đứng… nếu muốn. Những dấu hiệu chuyển dạ trong giai đoạn này có thể kéo dài vài tiếng.

Giai đoạn chuyển dạ mẹ cần theo dõi tần suất cũng như độ dài của các cơn co tử cung

Cơ thể mẹ đã sẵn sàng. Cổ tử cung mở khoảng 10cm. Các cơn co thắt dữ dội có thể kéo dài tới 90 giây, mỗi 30 giây tới 2 phút lại có một cơn. Đây là giai đoạn đau đớn nhất nhưng cũng ngắn nhất, kéo dài 30 phút tới 2 tiếng.

Giai đoạn 2-3 của chuyển dạ

  • Giai đoạn 2: Sinh

Rặn để đẩy là “việc” chính của giai đoạn này. Các cơn co thắt ở tử cung mẹ đẩy bé phải di chuyển ra bên ngoài. Nếu rặn – đẩy thất bại, người mẹ có thể phải chỉ định mổ đẻ. Người mẹ có cảm giác bỏng rát khi đầu của em bé chui ra ngoài.

Phần lớn trường hợp rạch tầng sinh môn là cách giúp hỗ trợ sinh thường thành công. Giai đoạn này có thể mất 20 phút tới 2 tiếng.

  • Giai đoạn 3: Đẩy nhau

Các cơn co thắt nhẹ vẫn tiếp tục. 5-30 phút sau sinh, co thắt giúp đẩy nhau ra ngoài. Bạn có thể cảm thấy đau vài ngày khi tử cung co lại.

Các mẹ hãy chú ý và tới ngay bệnh viện khi bắt đầu thấy những dấu hiệu chuyển dạ như trên nhé!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top