5 lưu ý về tiêm ngừa cho trẻ 1 tháng tuổi

Nội dung

1. Các mũi tiêm cho trẻ sau sinh trong 1 tháng tuổi

Trẻ sơ sinh có sức đề kháng kém rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng là cách an toàn nhất để bảo vệ bé. Trong vòng 24 giờ sau khi sinh, trẻ nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B. Tiếp theo là tiêm phòng vaccine phòng chống lao (vaccine BCG) cho trẻ trong vòng tháng đầu tiên, tiêm càng sớm càng tốt.

 

2. Những điều cần biết khi cho bé tiêm viêm gan B

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trẻ sơ sinh nên tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Vaccine viêm gan B là một trong những vaccine an toàn, không có chống chỉ định, trẻ sinh non, sinh thiếu cân… cũng có thể tiêm được. Phản ứng thông thường: Đau tại chỗ, sốt trên 37,7độ C và hiếm gặp bị sốc phản vệ.

 

3. Những điều cần biết khi cho bé tiêm vaccine BCG

Thời điểm tiêm phòng vaccine BCG cho trẻ sơ sinh thường trong vòng tháng đầu tiên kể từ khi sinh ra. Phần lớn trẻ có phản ứng: Xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm. Sau khoảng 2 tuần, xuất hiện một vết loét đỏ và vết loét tự lành để lại một sẹo nhỏ. Điều đó chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch. Có rất ít phản ứng nặng sau tiêm vaccine.

 

4. Chú ý trước khi đưa trẻ đi tiêm

Trước khi tiêm: Trẻ không nên bú quá no, cũng không để trẻ đói tránh bị hạ đường huyết sau tiêm. Nên vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, mặc quần áo thoáng, đủ ấm, đơn giản để bác sỹ dễ thao tác khi tiêm. Theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ và trao đổi với bác sỹ để bác sỹ quyết định có cần hoãn tiêm không.

 

5. Chăm sóc trẻ sau tiêm

Sau khi tiêm phòng, cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ bị đau tại chỗ, sốt (dưới 38độ C), dùng miếng dán hạ sốt và chườm mát cho trẻ, khuyến khích bé bú nhiều. Nếu thấy các triệu chứng bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế: Sốt cao trên 38,5 độ C, quấy khóc, bú kém… kéo dài trên 24 giờ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top