Chắc chắn, tế bào gốc không có khả năng tạo ra bộ nhớ giống như não, nhưng chúng có thể ghi lại những kinh nghiệm trong quá khứ để cải thiện quá trình hồi phục vết thương trong tương lai. Nhưng đôi khi khả năng này cũng mang lại kết quả tiêu cực.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Rockefeller ở New York cho biết: đây là những bằng chứng đầu tiên cho thấy da có thể hình thành kỉ niệm về chứng sưng viêm. Dựa vào đó, các chuyên gia có hiểu biết tốt hơn để điều trị bệnh nhân trong nhiều điều kiện.
Elaine Fuchs - một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: "Bằng cách ghi nhớ những trải nghiệm với chứng sưng viêm, làn da có thể duy trì tính toàn vẹn của nó - một tính năng có lợi trong quá trình chữa lành các vết thương. Tuy nhiên, bộ nhớ này thỉnh thoảng cũng gây ra các phản ứng bất lợi, ví dụ như góp phần tái phát các chứng viêm như bệnh vẩy nến”.
Bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến là do các tế bào da tăng sinh rất nhanh và bất thường, gây ra những vết xước, tổn thương da và có thể gây ngứa. Nghiên cứu mới có thể được áp dụng để làm chậm quá trình phản ứng nhanh của da và kiểm soát vấn đề.
Từ lâu, chúng ta đã biết hệ thống miễn dịch có khả năng ghi lại các sự cố viêm sưng để cơ thể "chuẩn bị" tốt hơn trong lần bị bệnh sắp tới trong tương lai. Da cũng có một cơ chế tương tự. Khả năng này của da liên quan đến những khu vực mà tế bào gốc được sử dụng để sửa chữa hư hại, giống như ruột.
Nhà nghiên cứu Samantha B. Larsen cho biết: "Đã từ lâu, các tế bào miễn dịch được cho là có khả năng bảo vệ cơ thể khởi bệnh sưng viêm. Tuy nhiên, không chỉ có một mình tế bào miễn dịch, tế bào gốc cũng là một trợ thủ đắc lực trong chuyện quá trình này”.
Các xét nghiệm trên chuột đã chỉ ra: ở những vị trí làn da đã bị tổn hại trước đó, vết thương khép miệng nhanh hơn gấp 2 lần, dù cho lần sưng viêm trước đã cách tận 6 tháng. Kết quả này chứng tỏ các tế bào gốc đã được “huấn luyện” tốt hơn sau mỗi lần bị bệnh.
Những thí nghiệm tiếp theo cho thấy: chứng sưng viêm kích hoạt một quá trình khiến một số gen trong nhiễm sắc thể của tế bào trở nên dễ tiếp cận và dễ bảo hơn. Vì vậy chúng có thể được “khởi động” nhanh hơn để đối phó với bệnh tật của lần tiếp theo.
Nói cách khác, chứng viêm làm cho các tế bào cảnh giác cao hơn và sự cảnh giác này sẽ được duy trì thường xuyên. Một nhà nghiên cứu cho biết: Gene Aim2 – có trong protein cảm nhận về "tổn thương và nguy hiểm” đóng vai trò quan trọng cho toàn bộ quá trình này. Sau khi được kích hoạt trong lần viêm đầu tiên, nó có thể nhanh chóng cung cấp các tế bào gốc chữa lành vết thương cho lần kế tiếp.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra: hầu hết tế bào trên da chúng ta không tồn tại đủ lâu để nhớ hết các bệnh nhiễm trùng vì chúng thường xuyên bị cơ thể thải ra ngoài. Chính các tế bào gốc ở sâu hơn trong lớp biểu mô mới là thứ thực hiện chức năng này.
Tất cả những phát hiện trên đều hữu ích cho các nhà khoa học để tìm hiểu chính xác những chuyển biến ở trên da: khi bị đứt tay, bị cháy nắng, hoặc bất cứ điều gì gây ra chứng sưng viêm. Chúng không chỉ bảo vệ cơ thể theo cách thông thường, mà còn chống lại bệnh tật ở những cấp cao hơn.
Nhà nghiên cứu Shruti Naik nói: "Việc hiểu biết về quá trình chứng sưng viêm ảnh hưởng đến tế bào gốc và các thành phần khác của mô sẽ thay đổi rõ rệt nhận thức của chúng ta về nhiều bệnh, bao gồm ung thư. Nhiều liệu pháp chữa trị mới sẽ ra đời từ nghiên cứu này".
Toàn bộ nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh