Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da cho bé

Nội dung

Lựa chọn sản phẩm an toàn

Có rất nhiều sản phẩm an toàn mà bạn có thể dùng cho trẻ. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tham khảo ý kiến các bác sỹ về quy trình chăm sóc da hàng ngày cho bé cũng như quy trình chăm sóc da trước khi đổi sang một sản phẩm chăm sóc da mới.

 

Dưỡng ẩm

Không phải tất cả các trẻ đều cần dưỡng ẩm da. Các mảng da khô thường sẽ tự động biến mất. Tuy vậy, nếu bạn vẫn muốn dưỡng ẩm da cho trẻ, có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm dạng mỡ, ví dụ như thạch petroleum là loại rẻ tiền nhưng có hiệu quả dưỡng ẩm cao nhất.

Tuy nhiên, một số phụ huynh và trẻ không thích cảm giác nặng sau khi thoa kem dưỡng ẩm dạng mỡ. Trong trường hợp này, có thể sử dụng kem dưỡng ẩm dạng kem. Loại kem dưỡng ẩm này sẽ cần được thoa thường xuyên hơn để thu được hiệu quả dưỡng ẩm tương tự như dạng mỡ.

 

Chống nắng

Kem chống nắng không nên được sử dụng cho trẻ dưới 6 tháng. Với những trẻ trên 6 tháng, kem chống nắng nên được thoa tại các vùng da không được che chắn kỹ à phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (trực tiếp hoặc gián tiếp). Nên lựa chọn các loại kem chống nắng có nền khoáng, hay còn gọi là kem chống nắng vật lý giúp ngăn chặn tia UV. Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị nên lựa chọn kem chống nắng có chứa kẽm oxit hoặc titan oxit cho trẻ để làm giảm nguy cơ kích ứng da.

 

Các sản phẩm sử dụng lúc tắm

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị nên sử dụng một lượng nhỏ sữa tắm nhẹ có độ pH trung tính cho trẻ. Bạn cần kiểm tra xem trong sản phẩm có chứa các chất phụ gia có tác dụng mạnh như cồn và chất tạo mùi hay không, bởi những thành phần này có thể sẽ làm khô da hoặc gây kích ứng.

 

Hiểu rõ nhãn sản phẩm

Rất nhiều sản phẩm chăm sóc da dành cho trẻ nhỏ được khẳng định là an toàn hơn nhờ các lời quảng cáo như “không gây dị ứng”, “tự nhiên”, “dịu nhẹ”, “hữu cơ/organic”. Nhưng những lời quảng cáo này thực sự có ý nghĩa gì?

Tại Mỹ FDA sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm về các sản phẩm này. FDA sẽ có các biện pháp cần thiết khi có nhiều bằng chứng cho thấy rằng một dòng sản phẩm nào đó đang có sai sót. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2018 chỉ ra rằng các sai sót liên quan đến các sản phẩm chăm sóc da trẻ em thường sẽ không được báo cáo. Do vậy việc kiểm soát chất lượng của các sản phẩm này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Trên thực tế, nghiên cứu năm 2018 trên 438 sản phẩm chăm sóc da trẻ em tại Anh chỉ ra rằng những sản phẩm được gắn mác “nhạy cảm”, “dịu nhẹ”, “hữu cơ/organic” hoặc “không mùi thường có nhiều khả năng gây kích ứng da hơn những sản phẩm không gắn mác này.

 

Các thành phần nên tránh

Mặc dù cơ địa của mỗi trẻ là khái nhau nhưng có một số thành phần nên tránh trong mọi sản phẩm. Những thành phần này bao gồm các chất dễ gây kích ứng, dị ứng hoặc có thể hấp thu qua da.

 

Chất tạo mùi

Mọi người đều thích một em bé có mùi thơm. Do đó, các chất tạo mùi thường là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da. Nghiên cứu năm 2018 trên 533 sản phẩm dành cho trẻ em chỉ ra rằng gần một nửa số sản phẩm có chứa chất tạo mùi hoặc nước hoa.

Các chất tạo mùi có thể gây ra các phản ứng dị ứng, bao gồm mẩn đỏ, và các vấn đề về thở. Nếu trẻ nhạy cảm với các sản phẩm có mùi hương thì bạn cần lựa chọn các loại xà phòng hoặc các chất dưỡng ẩm không chứa các từ như: hương thơm, nước hoa, hỗn hợp tinh dầu, có mùi.

Mùi hương cũng có thể được liệt kê dưới dạng các thành phần cụ thể, ví dụ như amyl cinnamal.

 

Màu nhân tạo

Đa số các chất phụ gia tạo màu và màu nhân tạo đều được kiểm soát chặt chẽ bởi FDA và cần được chấp thuận trước khi đưa vào các sản phẩm chăm sóc da. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm tạo màu đều được trải qua quy trình kiểm định của FDA. Các loại màu không cần trải qua kiểm định bao gồm các loại màu khoáng, màu từ thực vật hoặc màu từ động vật.

 

Paraben

Paraben cũng được sử dụng trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm như một chất phụ gia. Đây là thành phần phổ biến trong các loại sản phẩm làm sạch, ví dụ như xà phòng hay dầu gội.

Paraben là thành phần gây kích ứng da phổ biến do vậy các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ cần tránh sử dụng paraben. Paraben cũng rất dễ hấp thu qua da. Tiếp xúc trong thời gian dài với paraben có thể ảnh hưởng đến khả năng chuyển hoá và điều hoà hormone, do vậy, bạn nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm có chứa paraben.

 

Phthalate

Phthalate là chất hoá học được sử dụng trong một số sản phẩm mĩ phẩm. Mặc dù cơ chế tác động lên sức khoẻ chưa rõ ràng nhưng một số nghiên cứu gợi ý rằng phơi nhiễm với phthalate có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, tình trạng dị ứng và sức khoẻ sinh sản. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng để kiểm soát việc sử dụng phthalate trong các sản phẩm mĩ phẩm.

 

Formaldehyde

Formaldehyde và các chất phụ gia giải phóng ra formaldehyde thường được sử dụng trong nhiều sản phẩm mĩ phẩm, bao gồm xà phòng cho trẻ dạng lỏng và giấy ướt cho trẻ. Đây là thành phần được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn nhưng cũng sẽ gây kích ứng da và phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.

Mặc dù liều formaldehyde sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da thường khá an toàn, tuy nhiên sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề về sức khoẻ, ví dụ như hen suyễn và ung thư.

 

Propylene glycol

Propylene glycol là một loại cồn thường được sử dụng trong các loại kem dưỡng ẩm và kem chống nắng. Propylene glycol có tác dụng làm mềm da nhưng cũng là nguyên nhân phổ biến gây kích ứng và dị ứng.

 

Sulfate

Sulfate là một thành phần mạnh cần tránh. Sulfate thường được sử dụng trong nhiều sản phẩm chắm óc da như dầu gội và sữa tắm. Sulfate không hẳn là không an toàn nhưng có thể gây kích ứng tạm thời. Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu như đỏ da, khô da hoặc ngứa sau khi tắm, hãy kiểm tra thành phần tắm của trẻ và nên cân nhắc đổi sang dòng sản phẩm khác không chứa sulfate.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top