✴️ Tìm hiểu về rối loạn điện giải điều cần giải quyết ngay

Vai trò của chất điện giải

Các chất điện giải như magiê, canxi, kali, clo, hydro photphat và hydro bicarbonat… giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng cho tế bào, các mô trong cơ thể, pH máu và thành phần dịch vị:

Natri có vai trò điều hòa áp trong hệ thống tim mạch.

Kali có vai trò vận chuyển xung động thần kinh và duy trì huyết áp bình thường…

Rối loạn điện giải là tình trạng mất cân bằng của các chất khoáng trong cơ thể (ảnh minh họa)

Những biểu hiện của rối loạn điện giải

Rối loạn điện giải ở mức độ nhẹ có thể không có biểu hiện gì, khi mất cân bằng điện giải chuyển sang mức độ nặng hơn, các triệu chứng có biểu hiện ra bên ngoài. Mất cân bằng mỗi loại chất điện giải lại biểu hiện bằng những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên một số triệu chứng phổ biến nhất là:

  • Nôn nhiều

  • Mất nước/ ra quá nhiều mồ hôi

  • Tiêu chảy (rối loạn tiêu hóa)

  • Mệt mỏi, yếu cơ, đau cơ

  • Loạn nhịp tim

  • Co giật

  • Rối loạn cảm giác, mất ý thức…

Nôn nhiều có thể gây ra mất cân bằng điện giải (ảnh minh họa)

Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn điện giải

Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này, một số đối tượng có nguy cơ cao hơn do có tiền sử mắc một số bệnh làm mất cân bằng điện giải như:

– Nghiện rượu nặng và mắc bệnh xơ gan

– Bị suy tim xung huyết

– Rối loạn ăn uống

– Mắc bệnh thận

– Chấn thương (bỏng nặng hay gãy xương)

– Bệnh tuyến giáp và cận giáp

Cách xử trí khi bị rối loạn điện giải

Khi có những triệu chứng rối loạn điện giải bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế để đo chính xác mức nồng độ của các chất điện giải trong máu. Việc điều trị phụ thuộc vào loại rối loạn điện giải mà bệnh nhân đang gặp phải và nguyên nhân gây tình trạng đó.

Các phương pháp chủ yếu để cân bằng điện giải cho cơ thể bao gồm:

Truyền điện giải qua đường tĩnh mạch

Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp mất nước nặng do nôn mửa hoặc tiêu chảy. Có thể truyền tĩnh mạch các loại thuốc để giúp đẩy các chất điện giải dư thừa khỏi máu và dịch thể.

Bù điện giải bằng đường uống

Bạn có thể cân bằng điện giải bằng uống đủ nước, uống bột điện giải với liều lượng phù hợp, uống nước cơm, nước dừa hoặc nước táo loãng…

Các thực phẩm bổ sung điện giải

Bổ sung natri cho cơ thể qua socola sữa, bánh mì tròn, bơ đậu phộng hoặc bổ sung thêm muối với liều lượng phù hợp.

Những thực phẩm bổ sung đủ clorid cho cơ thể như dầu olive, rong biển, lúa mạch đen, cà chua, cần tây…

Những thực phẩm giàu kali như chuối, khoai tây, khoai lang, đậu Hà Lan và quả bơ…

Ngoài ra sữa, ngũ cốc, sữa chua, các loại rau quả có màu xanh lá cũng là những thực phẩm giúp bổ sung điện giải cho cơ thể.

Chế độ sinh hoạt khoa học

Ngoài ra bạn cần có chế độ sinh hoạt khoa học để tránh gây rối loạn điện giải: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ giấc, không nên bỏ bữa hay ăn quá bữa. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia và các chất kích thích khác…

Tập thể dục thường xuyên, phù hợp với sức khỏe để lưu thông máu huyết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top