Mì ăn liền có phải là nguyên nhân gây mụn?

Mì ăn liền có phải là nguyên nhân gây mụn?

Cho tới nay, chưa có một bằng chứng khoa học hoặc một nghiên cứu nào chứng minh rằng mì ăn liền là nguyên nhân gây nóng trong hay gây mụn nhọt cả.

Theo y học cổ truyền, tình trạng nóng trong xảy ra do chức năng của phủ tạng yếu, không chuyển hóa được hoàn toàn các chất độc và gây ứ đọng, gan và thận suy yếu nên các chức năng giải độc hoạt động không hiệu quả. Điều này chính là nguyên nhân gây ra những biểu hiện của nóng trong như mụn nhọt, mẩn ngứa ….

Do vậy, khi gặp phải những triệu chứng như vậy, nhiều người thường cho rằng mình bị nóng trong và suy nghĩ nguyên nhân đến từ các loại thực phẩm mình vừa ăn, tương tự như đối với trường hợp của mì ăn liền.

Ngoài ra, một phần theo cơ chế chuyển hóa các chất trong cơ thể, khi sử dụng các loại thực phẩm nhiều năng lượng – chất đạm, chất béo, chất bột đường thì cơ thể phải sử dụng năng lượng để chuyển hóa các thức ăn này. Trung bình, một người sử dụng khoảng 10% năng lượng tiêu thụ hàng ngày để tiêu hóa và hấp thu thức ăn nhưng tỷ lệ này thay đổi phụ thuộc vào loại thực phẩm mà bạn ăn. Chất đạm (Protein) mất khoảng 20-30% tổng lượng calo trong chất đạm để tiêu hóa chính nó; tiếp đến là chất bột đường (carbohydrate) cần 5-10% và cuối cùng là chất béo (lipid) với 0-3%. Năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể; ngoài ra việc uống quá ít nước sẽ không đủ làm mát cơ thể.

Về bản chất, mì ăn liền được làm từ nguyên liệu chính là bột lúa mì nên thuộc nhóm ngũ cốc cùng với gạo, bún, miến, bánh phở…, cung cấp chất bột đường là chủ yếu. Mì ăn liền có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể (trung bình 350kcal cho 1 gói mì ăn liền 75g), trong đó năng lượng từ protein (chất đạm) là 28 Kcal, từ lipid (chất béo) 117 Kcal và từ carbohydrate (chất bột đường) 205 Kcal.

Vì thế, không chỉ riêng mì ăn liền mà bất kỳ 1 loại thực phẩm riêng lẻ nào nếu sử dụng thường xuyên mà không kết hợp với các thực phẩm khác thì sẽ không đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, dễ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng làm cơ thể mệt mỏi, táo bón, thiếu nước gây cảm giác nóng trong người và nổi mụn. Theo đó, mỗi người phải có cách điều chỉnh để các chất dinh dưỡng (tinh bột, chất béo, chất đạm; vitamin, chất khoáng) được cung cấp vào cơ thể vừa đủ và phù hợp với nhu cầu của từng người, giúp đảm bảo cho các hoạt động và chuyển hóa hàng ngày… 

 

Vậy tại sao một số người sau khi ăn mì xong lại thường nổi mụn?

Về tình trạng nổi mụn sau khi ăn mì, có thể do nhiều yếu tố và rơi vào một số trường hợp sau đây:

  • Thứ nhất, những người thường ăn mì là những người bận rộn, có chế độ ăn uống không hợp lý, thường hay thức khuya, sử dụng nhiều nước ngọt có gas. Những yếu tố này đều góp phần làm rối loạn các quá trình chuyển hóa, hấp thu của thực phẩm trong cơ thể, từ đó có thể dẫn đến các thay đổi về hormone, và có thể dẫn đến tình trạng mụn.
  • Thứ hai, những người ăn mì và bị mọc mụn thường là học sinh, sinh viên – đây là lứa tuổi các hormone giới tính đang hoạt động mạnh mẽ, các tuyến bã nhờn cũng đang hoạt động mạnh.  Thêm vào đó, đây cũng là lứa tuổi hoạt động nhiều, da mặt sẽ phải tiếp xúc nhiều với mồ hôi, bụi bẩn làm tăng nguy cơ hình thành mụn.

 

Vậy sử dụng mì ăn liền như thế nào để đảm bảo sức khoẻ?

Để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng khi sử dụng mì ăn liền, cần lưu ý các điểm sau:

  •  Nên kết hợp ăn mì với nhiều loại rau như xà lách, rau thơm, rau cải, giá đỗ… để bổ sung vitamin và khoáng chất cũng như bổ sung thêm thịt, trứng… để tăng cường protein cho bữa ăn với mì ăn liền, ngoài ra sau khi ăn mì có thể ăn thêm trái cây.
  • Duy trì chế độ ăn uống đa dạng và hợp lý. Không có bất kỳ loại thực phẩm nào là tốt nhất với đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tương tự với mì ăn liền. Ba bữa chính với mì ăn liền chế nước sôi sẽ không cung cấp đủ năng lượng cần thiết hằng ngày cho cơ thể (2,000 – 2,500kcal), đặc biệt đối với người lao động nặng và lứa tuổi đang phát triển.
  • Mì ăn liền được nghiên cứu cho số đông người tiêu dùng bình thường sử dụng. Do đó, tùy theo cơ địa và nhu cầu của cơ thể mà có thể tùy chỉnh các thành phần như vắt mì hay gói gia vị cho phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top