Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã nhờn

1. Bệnh viêm da tiết bã nhờn là gì?

Viêm da tiết bã nhờn còn được gọi là viêm da dầu, chàm da mỡ. Bệnh làm cho da của bệnh nhân khô và bong ra, làm da đỏ và tróc vảy. Viêm da tiết bã hay ảnh hưởng đến vùng da tiết dầu nhưng cũng có thể xuất hiện ở những khu vực da dày và khô.

Bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ, dân gian thường gọi là bị cứt trâu. Tuy bệnh không lây nhiễm, không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài và khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mất tự tin. Bệnh thường tồn tại khá lâu và cần điều trị nhiều lần.

 

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã nhờn

Hiện chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm da tiết bã nhờn, tuy nhiên các nhà khoa học nhận thấy bệnh có quan hệ mật thiết với hoạt động bất thường của hệ miễn dịch cộng hưởng với tác động từ nấm men Malassezia. Bên cạnh đó, các vi khuẩn như: vi khuẩn P. Acne đóng vai trò quan trọng trong cơ chế sinh bệnh ở vùng da đầu.

Bệnh còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố:

-Có tính chất di truyền: Nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh viêm da dầu hoặc vảy nến thì nguy cơ mắc bệnh này sẽ cao hơn

-Hoạt động bài tiết dầu quá mức ở những người da dầu có thể kích thích hoạt động của nấm men và bùng phát triệu chứng bệnh.

-Suy giảm sức đề kháng: ở người có hệ miễn dịch suy yếu, bệnh dễ khởi phát và tiến triển mạnh.

-Ăn thực phẩm nhiều đường, muối, dầu mỡ, gia vị cay nóng và rượu bia có thể kích thích da tiết nhiều dầu thừa, tạo điều kiện cho nấm men phát triển

-Dùng một số loại thuốc điều trị: kháng sinh, thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch,… có thể gây bệnh viêm da dầu và một số viêm da khác.

-Ngoài ra rối loạn nội tiết tố, vệ sinh da kém, trầm cảm, căng thẳng thần kinh kéo dài, sống trong môi trường ô nhiễm,… cũng là nguy cơ gây bệnh

 

3. Triệu chứng nhận biết viêm da tiết bã nhờn

Bệnh xảy ra từ từ, không diễn biến một cách đột ngột.

-Ngứa ngáy, khó chịu mức độ nhẹ hoặc vừa. Khi thời tiết nóng, ra mồ hôi thì cơn ngứa có thể tăng lên.

-Vùng tổn thương có màu đỏ cam, bên trên phủ vảy xám trắng, khô hoặc mỡ nhờn, đôi khi xuất hiện các sẩn vảy da có bờ rõ, thường bắt gặp ở ngực, lưng.

-Vùng ngực lưng cũng có thể biểu hiện các tổn thương hình đồng xu, hình nhẫn... làm người bệnh nghĩ rằng họ mắc các bệnh nấm da.

-Kẽ tai cũng có dát đỏ, vết nứt, trong ống tai cũng có thương tổn đỏ, vảy da làm dễ nhầm với bệnh nấm ống tai.

-Ở các vùng có lông như: đầu, lông mày, lông mi, râu... xuất hiện vảy da dính màu trắng.

-Ở mặt có các thương tổn như: hai má hình cánh bướm, rìa trán, kẽ mũi, giữa hai lông mày có lớp da màu đỏ, có vảy da.

-Các nếp gấp lớn như nách, bẹn, kẽ mông, nếp dưới vú, rốn... thường có ranh giới rõ, màu đỏ sẫm, da chợt, nứt kẽ và có thể tiết dịch khi bệnh nặng hoặc bị cọ xát nhiều.

-Bệnh hay gặp ở các vùng da có nhiều tuyến bã hoạt động mạnh, nhất là da mặt, đầu, ngực, lưng và các nếp gấp lớn. Trên đầu bong vảy nhiều mà ta gọi là gàu da đầu.

 

4. Chẩn đoán bệnh viêm da tiết bã nhờn

Bệnh viêm da tiết bã nhờn khá dễ chẩn đoán nhưng cần phân biệt với bệnh vảy nến, nấm nông da, nấm Candida kẽ, lupus đỏ bán cấp và một số bệnh da khác.

Đây là bệnh lý mãn tính trên da. Bệnh có liên quan mật thiết tới yếu tố cơ địa và hệ miễn dịch của người bệnh. Hầu hết viêm da tiết bã không thể tự hết nếu không được can thiệp bằng y khoa. 

Người bệnh không được chủ quan không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khiến bệnh nặng hơn và gây ra biến chứng khó lường và bệnh trở nên khó chữa. Do đó khi có dấu hiệu bệnh người cần thăm khám sớm để điều trị kịp thời

 

5. Các biện pháp điều trị viêm da tiết bã nhờn

Hiện chưa có biện pháp điều trị viêm da tiết bã nhờn triệt để. Các biện pháp điều trị hiện nay chỉ có tác dụng ngăn ngừa bệnh lan rộng, cải thiện thương tổn da và hạn chế tái phát.

Sử dụng thuốc bôi và thuốc uống

Bác sỹ sẽ chỉ định các loại thuốc bôi để làm giảm tổn thương và cải thiện sức đề kháng cho da:

-Thuốc kháng nấm dạng bôi: thường chứa hoạt chất nhóm azol như Ketoconazole, Ciclopirox,… Tuy nhiên với trường hợp chủng nấm Malassezia, bác sỹ có thể thay thế bằng thuốc kháng nấm chứa Selenium và Zinc pyrithion.

-Thuốc bạt sừng: có tác dụng làm sạch vảy bong trên da, giảm dầu thừa và hạn chế tình trạng tăng sinh tế bào sừng.

-Thuốc bôi chứa corticoid: được sử dụng trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh. Cần sử dụng theo chỉ định của bác sỹ

-Thuốc ức chế calcineurin: giúp làm giảm tổn thương da và ngăn ngừa tình trạng lan tỏa rộng đến các vùng khác

Tuy nhiên trong trường hợp bệnh phức tạp, bác sỹ có thể kết hợp cả thuốc bôi và thuốc uống.

-Thuốc kháng nấm dạng uống: có tác dụng ức chế nấm men, giảm triệu chứng trên da và ngăn ngừa biến chứng.

-Kháng sinh dạng uống để ngăn ngừa bội nhiễm da.

Việc điều trị uống thuốc và bôi thuốc cần theo sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa

Liệu pháp ánh sáng

Ngoài ra, liệu pháp ánh sáng được chỉ định với những trường hợp bệnh nặng, có xu hướng kéo dài và đáp ứng kém với thuốc. Biện pháp này sử dụng tia UVA hoặc UVB nhằm làm sạch vảy bong và cải thiện các triệu chứng trên da.

Chăm sóc để hỗ trợ cải thiện triệu chứng, tăng sức đề kháng cho da và hạn chế nguy cơ tái phát

-Dùng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ 2 – 3 lần/ ngày

-Thay đổi xà phòng và các sản phẩm chăm sóc da nếu các sản phẩm này có độ pH cao và chứa nhiều thành phần kích ứng.

-Nên tắm nắng 5 – 10 phút trong thời gian từ 6 – 9 giờ sáng.

-Giữ vệ sinh và đảm bảo da thông thoáng.

-Nghỉ ngơi và ăn uống điều độ nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể, nâng cao miễn dịch

-Bổ sung những nhóm thực phẩm đa chức năng: acid folic, omega 3, vitamin E và collagen...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top