ĐẠI CƯƠNG
Nhọt là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh.
Bệnh thường gặp về mùa hè, nam nhiều hơn nữ. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên, bệnh thường gặp hơn ở trẻ em.
NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu vàng (Staphylococcus aereus). Bình thường, vi khuẩn này sống ký sinh trên da, nhất là các nang lông ở các nếp gấp như rãnh mũi má, rãnh liên mông…hoặc các hốc tự nhiên như lỗ mũi. Khi nang lông bị tổn thương kết hợp với những điều kiện thuận lợi như tình trạng miễn dịch kém, suy dinh dưỡng, mắc bệnh tiểu đường…vi khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh.
CHẨN ĐOÁN
Lâm sàng
Ban đầu là sẩn nhỏ, màu đỏ, sưng nề, chắc, tấy đỏ ở nang lông. Sau 2 ngày đến 3 ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe, ở giữa hình thành ngòi mủ. Đau nhức là triệu chứng cơ năng thường gặp, nhất là khi nhọt khu trú ở mũi, vành tai. Vị trí thường gặp là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân, tay. Số lượng tổn thương có thể ít hoặc nhiều, kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, hội chứng nhiễm trùng.
Biến chứng nhiễm khuẩn huyết có thể gặp, nhất là ở những người suy dinh dưỡng. Nhọt ở vùng môi trên, ở má có thể dẫn đến viêm tĩnh mạch xoang hang và nhiễm khuẩn huyết.
Nhọt cụm còn gọi là nhọt bầy hay hậu bối gồm một số nhọt xếp thành đám. Bệnh thường gặp ở những người suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, hen phế quản, lao phổi.
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Ở giai đoạn sớm cần chẩn đoán phân biệt với viêm nang lông, herpes da lan tỏa, trứng cá và viêm tuyến mồ hôi mủ.
Cận lâm sàng
Tăng bạch cầu trong máu ngoại vi.
Máu lắng tăng.
Mô bệnh học: ổ áp xe ở nang lông, cấu trúc nang lông bị phá vỡ, giữa là tổ chức hoại tử, xung quanh thâm nhập nhiều các tế bào viêm, chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính.
Nuôi cấy mủ có tụ cầu vàng phát triển.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc chung
Vệ sinh cá nhân
Điều trị chống nhiễm khuẩn toàn thân và tại chỗ
Nâng cao thể trạng.
Điều trị cụ thể
Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà ph ng, tránh tự lây nhiễm ra các vùng da khác.
Điều trị tại chỗ
+ Ở giai đoạn sớm, chưa có mủ: không nặn, kích thích vào thương tổn; bôi dung dịch sát khuẩn ngày 2-4 lần
+ Giai đoạn có mủ: cần phẫu thuật rạch rộng làm sạch thương tổn.
+ Dung dịch sát khuẩn: dùng một trong các dung dịch sau:
+ Thuốc kháng sinh tại chỗ: dùng một trong các thuốc sau:
Kháng sinh toàn thân: một trong các kháng sinh sau:
+ Nhóm betalactam
+ Nhóm macrolid
Thời gian điều trị kháng sinh từ 7- 10 ngày.
PHÒNG BỆNH
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: cắt móng tay, rửa tay hàng ngày.
Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng da.
Nâng cao thể trạng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh