Nguyên nhân gây nóng trong người không phải từ thực phẩm

Nội dung

Theo y học cổ truyền (phương Đông), nguyên nhân gây nóng trong là do chức năng của phủ tạng yếu, không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu nên các chức năng giải độc hoạt động không hiệu quả. Các chất độc tích tụ lại trong cơ thể là môi trường thuận lợi để phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, và nóng trong người.

Theo y học hiện đại (phương Tây), có rất nhiều nguyên nhân gây nóng trong, bao gồm:

Do chế độ ăn uống không hợp lý: chế độ ăn quá nhiều một loại thực phẩm bất kỳ, các loại có tính nóng, tính dương, quá nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ, không ăn trái cây

Sử dụng các chất kích thích: trà, cà phê, rượu, bia, thuốc lá

Sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm chức năng: thuốc tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống dị ứng, kháng sinh….

Mắc một số bệnh lý: nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, mất ngủ thường xuyên

Thế nên, nói rằng thực phẩm này hay thực phẩm kia gây nóng là chưa thực sự chính xác. Đơn cử như trường hợp của mì ăn liền nhiều người cho rằng ăn thực phẩm này vào sẽ nóng và gây nổi mụn nhưng thực sự thì lại không phải là như thế. Xét về mặt giá trị dinh dưỡng, trung bình, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường (40g-50g); 13g -17g chất béo và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350Kcal (tương đương 15% -17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành). Do đó, không có thành phần nào của mì ăn liền là “thủ phạm” gây nóng cho cơ thể.

Với thành phần và hàm lượng dinh dưỡng chủ yếu như trên, mì ăn liền có thành phần tương tự như một bát bánh canh thịt gà hoặc một bát phở, nhưng rất ít người nói rằng ăn phở bị nóng trong hay mọc mụn. Nhưng tại sao một số người lại có biểu hiện “nóng”, ví dụ như nổi mụn,nhiệt miệng, ợ nóng sau khi ăn mì ăn liền?

Có thể nói nguyên nhân lớn là do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. Nhiều người chỉ thích ăn các món ăn chiên rán (chế độ ăn uống không cân đối), đi kèm đó là sử dụng rượu bia, đồ uống có gas, có cồn, hút thuốc lá, thức khuya…Những sai lầm trên có thể làm rối loạn các quá trình chuyển hoá trong cơ thể, tạo ra những chất gây ảnh hưởng đến cơ thể hoặc làm thay đổi hormone, gây nên những triệu chứng nóng, nổi mụn, khó chịu, mệt mỏi…

 

Làm thế nào để không bị nóng trong người?

Mặc dù có những điểm khác nhau về quan niệm thực phẩm nóng – lạnh giữa 2 nền y học cổ truyền và y học hiện đại. Tuy nhiên, mối liên quan giữa chế độ ăn uống và sức khoẻ là điều cả 2 nền y học đều đã công nhận. Theo đó, cả y học phương Đông và Phương Tây đều đã cho rằng, chìa khoá để có một cuộc sống khoẻ mạnh nói chung, tránh vấn đề nóng trong nói riêng chính là một chế độ ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng. Để đạt được điều này, khi ăn uống, kết hợp thực phẩm, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

  • Ăn đa dạng các loại thực phẩm
  • Đảm bảo ăn đủ thực phẩm tại 4 nhóm: bột đường (carbohydrate), đạm (protein), béo (lipid), vitamin và khoáng chất
  • Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi
  • Uống nhiều nước

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top