Những bệnh đi kèm với vẩy nến

Nội dung

Trong những năm gần đây, rất nhiều chuyên gia đã nhận thấy vai trò của bệnh vẩy nến trong các hội chứng chuyển hóa, tiểu đường và bệnh tim mạch. Các nguy cơ của những vấn đề đi kèm sẽ lớn hơn nếu bạn còn trẻ hoặc nếu bệnh vẩy nến của bạn ở mức độ nghiêm trọng.

Do vậy, những người mắc bệnh vẩy nến nên chú ý rằng, họ có nguy cơ cao mắc phải các bệnh đi kèm với vẩy nến và nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Tăng huyết áp và vẩy nến

Các chuyên gia tại Đại học California chỉ ra rằng, những người bị bệnh vẩy nến sẽ khó kiểm soát huyết áp hơn so với những người không bị vẩy nến. Nghiên cứu được tiến hành trên hơn 800 người bị cả vẩy nến và tăng huyết áp và hơn 2.400 người tăng huyết áp nhưng không bị vẩy nến. Kết quả cho thấy những người bị vẩy nến sẽ phải dùng nhiều thuốc để kiểm soát huyết áp hơn.

Tăng huyết áp là một nguy cơ rất nguy hiểm đối với sức khỏe vì sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau tim hoặc đột quỵ. Nếu bạn bị vẩy nến, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên và giữ huyết áp trong ngưỡng cho phép là rất quan trọng.

 

Lên cơn đau tim và bệnh vẩy nến

Những người bị vẩy nến nặng thường dễ bị lên cơn đau tim hoặc đột quỵ và tử vong vì các bệnh tim mạch hơn những người không bị vẩy nến. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí American Journal of Medicine, những người bị vẩy nến trong 10 năm trở lên sẽ có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch cao hơn khoảng 6,2%. Tỷ lệ này là rất lớn và bạn nên làm tất cả những gì có thể để có một trái tim khỏe mạnh hơn, bao gồm bỏ thuốc lá, luyện tập thể thao, ăn uống lành mạnh và tránh căng thẳng.

 

Viêm khớp vẩy nến

Viêm khớp vẩy nến gây ra những cơn đau, cứng và sưng phù ở xung quanh khớp và dây chằng. Có khoảng 10-30% số bệnh nhân bị vẩy nến có thể sẽ phát triển thành viêm khớp vẩy nến. Trên thực tế, cứ 4 người thì sẽ có 1 người bị viêm khớp vẩy nến không được chẩn đoán, theo kết quả một nghiên cứu từ Hiệp hội Vẩy nến quốc gia Hoa Kỳ.

Các triệu chứng bao gồm: các khớp và dây chằng sẽ sưng, nóng, căng tức và đau, đau thắt lưng, chân, đầu gối, ngón tay sưng lên trông giống như cây xúc xích và thay đổi về móng tay. Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh viêm khớp vẩy nến trên đây, hãy đi khám, vì bệnh viêm khớp vẩy nến càng được chẩn đoán sớm thì bạn càng có khả năng dự phòng được bệnh hoặc làm giảm được sự tổn thương tại các khớp, hạn chế tối đa tàn tật.

 

Cholesterol cao và vẩy nến

Những người bị vẩy nến sẽ có nguy cơ tăng cholesterol nhiều hơn cùng với đó là các nguy cơ đi kèm, dẫn đến cơn đau tim so với những người không bị vẩy nến. Cũng theo một nghiên cứu tại trường Đại học Pennsylvania, sau khi thu thập dữ liệu từ hơn 1.500 bác sỹ tại Anh trong vòng 15 năm, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, tỷ lệ lên cơn đau tim ở những người bị bệnh vẩy nến thường cao hơn. Nguy cơ sẽ còn cao hơn ở những người trẻ và bị vẩy nến nặng. Kết quả này nhấn mạnh một điều, bạn cần phải kiểm soát chặt chẽ lượng cholesterol trong máu, cùng với các bệnh đi kèm khác, nếu bị vẩy nến.

 

Tiểu đường và vẩy nến

Phụ nữ bị vẩy nến thường có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn những phụ nữ không bị vẩy nến khoảng 63%, theo kết quả của một nghiên cứu theo dõi hơn 100.000 phụ nữ trong 14 năm. Và kết quả này được cho là có thể áp dụng cả đối với nam giới.

Điều này có nghĩa là, nếu bị vẩy nên, bạn nên thường xuyên kiểm tra đường huyết. Đồng thời, thay đổi những thói quen sống để dự phòng bệnh tiểu đường: không hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống cân đối và thường xuyên luyện tập.

 

Béo bụng và vẩy nến

Một bệnh đi kèm với vẩy nến và gây khá nhiều ngạc nhiên chính là béo bụng. Những người bị bệnh vẩy nến có nguy cơ béo bụng cao hơn những người không bị bệnh khoảng 15%, theo một nghiên cứu trên tạp chí Archives of Dermatology.  Rất nhiều chuyên gia từ lâu đã biết rằng những người bị bệnh vẩy nến sẽ có nguy cơ thừa cân rất rõ rệt.

Và các triệu chứng vẩy nến sẽ kéo theo một chuỗi các vấn đề khác mà bạn có thể đổ lỗi cho việc gây béo bụng, ví dụ như bạn bị ngứa, bạn cảm thấy không thoải mái và bạn không muốn ra ngoài. Hậu quả là, bạn sẽ mắc phải các bệnh đi kèm với bệnh vẩy nến, bao gồm cả béo phì. Thừa cân là một yếu tố nguy cơ dẫn đến rất nhiều bệnh đi kèm khác, bao gồm tiểu đường và bệnh tim mạch.

Để giải quyết vấn đề này, hãy tiến hành các giải pháp để cảm thấy tự tin hơn về vẻ ngoài của mình, bao gồm một chế độ ăn uống lành mạnh: ăn ít dầu mỡ và ăn nhiều trái cây, rau xanh hơn. Cùng với đó là việc luyện tập thể thao, tăng cường vận động để duy trì vẻ bề ngoài và thể lực tốt nhất.

 

Trầm cảm và vẩy nến

Những người bị vẩy nến thường dễ bị trầm cảm, lo âu và có suy nghĩ tự tử hơn, cũng theo một nghiên cứu trên Archives of Dermatology. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, những người bị vẩy nến thường có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gần 40% so với những người không bị vẩy nến. Cảm giác mất tự tin, lo ngại về verbeef ngoài và hình thức của mình có thể khiến người bệnh vẩy nến thu mình lại, hạn chế tiếp xúc và xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực.

Vẩy nến không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được. Trao đổi với bác sỹ về những biện pháp tốt nhất để kiểm soát bệnh vẩy nến và để cảm thấy tự tin hơn về bản thân mình. Bạn cũng không nên ngần ngại khi trao đổi các vấn đề về cảm xúc của mình với các bác sỹ điều trị, đặc biệt là nếu bạn thấy mình có thể bị trầm cảm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top