1. Xương cụt là gì?
Xương cụt hay xương cùng là phần cuối cùng của xương sống, được cấu tạo bởi 5 đốt sống tạo thành hình tam giác nối với xương hông.
Vai trò của xương cụt:
– Giúp cơ thể cân bằng tư thế khi ngồi
– Cố định các cơ quan như gân, dây chằng xung quanh và cơ
– Hỗ trợ và cân bằng vận động của khớp giúp khớp hoạt động linh hoạt hơn
– Hỗ trợ nâng đỡ cột sống, hỗ trợ đi, đứng, ngồi,…
Đau xương cụt là đau ở vị trí xương cùng cụt hoặc ở vùng cơ bắp sát với xương cụt. Khi bị đau xương cụt, người bệnh thường cảm thấy nhức nhối, đôi khi là nhói ở vùng mông hoặc hông. Trường hợp nặng hơn cơn đau có thể lan xuống dưới háng, đầu gối, thậm chí là mắt cá chân.
2. Đau xương cụt có nguy hiểm không?
Nhiều người thắc mắc đau xương cụt có nguy hiểm không? Nhất là khi các dấu hiệu đau biểu hiện rõ rệt và bắt đấu có xu hướng nặng dần. Đau xương cụt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ già tới trẻ, kể cả nam giới và nữ giới.
Mức độ đau cũng còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mức độ tiến triển của bệnh. Nhưng nhìn chung theo nhận định của các bác sĩ đau xương cụt không phải là bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người bệnh, nhất là nữ giới do khả năng giãn nở của các cơ, gân, đốt sống ở phụ nữ mạnh hơn nam giới nhưng lại kém thích nghi với các hoạt động mạnh, nên rất dễ bị đau buốt vùng lưng và xương cụt.
3. Nguyên nhân gây đau xương cụt
Các nguyên nhân sau đây có thể gây đau xương cụt:
– Chấn thương, va đập từ bên ngoài như vấp ngã, tai nạn giao thông… khiến xương cụt bị tổn thương.
– Các bệnh lý về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thóa hóa khóp… cũng có thể gây đau mỏi vùng xương cụt.
– Các bệnh về phụ khoa như viêm cơ quan sinh dục, vị trí tử cung bất thường, có khối u ở khoang xương chậu… cũng có thể khiến người bệnh bị đau ở vùng xương cụt.
– Phụ nữ đang mang thai cũng có thể bị đau xương cụt do cân nặng tăng lên, trọng tâm dồn về phía sau làm thay đổi cấu trúc đốt sống lưng.
– Kích cỡ vòng tránh thai không phù hợp với buồng tử cung, độ đàn hồi vòng tránh thai quá lớn hoặc vị trí vòng tránh thai bị lệch cũng gây đau nhức xương cụt.
– Ở người già, do dây chằng nối với tử cung bị giãn ra, tử cung hạ thấp xuống cũng khiến xương cụt và vùng thắt lưng bị đau.
4. Điều trị đau xương cụt
4.1 Điều trị nội khoa hay phẫu thuật
Điều trị y tế khi bị đau xương cụt chủ yếu là điều trị nội khoa kết hợp với vật lý trị liệu. Nếu phương pháp này không có hiệu quả và bệnh tiến triển nặng, bác sĩ có thể xem xét chỉ định phẫu thuật cắt bỏ xương cụt nếu cần thiết.
4.2 Các biện pháp hỗ trợ giúp giảm đau xương cụt
Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, xoa bóp, bấm huyệt hoặc chườm nóng giúp làm giảm triệu chứng đau. Hạn chế vận động mạnh, nên tập các bài tập thể dục nhẹ nhàn để cơ thể dẻo dai, linh hoạt. Đồng thời bổ sung thêm canxi và magie vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Lưu ý: Khi bị đau xương cụt, bạn không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài. Nếu phải làm các công việc cần ngồi lâu, bạn nên tránh ngồi trên bề mặt cứng, có thể ngồi trên đệm hoặc gối có một lỗ ở giữa để ngăn xương cụt tiếp xúc với mặt phẳng. Luân phiên ngồi mỗi bên mông và để không bị tăng trọng lượng lên xương cụt, khi ngồi người bệnh nên cúi nghiêng người về phía trước.
Xương cụt thường ít khi mắc các bệnh lý vì được bao phủ phía trước bởi xương chậu, các cấu trúc trong bụng và phía sau xương chậu là mông, các lớp cơ, mỡ rất dày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xương cụt có thể bị đau. Nguyên nhân đau xương cụt chủ yếu là do chấn thương hoặc do thoái hóa khớp, đĩa đệm, tăng hoặc giảm khả năng vận động của khớp xương cùng. Khi bị đau xương cụt, tốt nhất người bệnh nên tới bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh