Những điều cần chú ý khi giặt quần áo đối với người bệnh chàm

Hạn chế nước giặt có mùi hương

Theo các chuyên gia, những người bị bệnh chàm nên tránh các loại nước giặt, xà phòng, chất tẩy rửa, hay thậm chí dryer sheet (một loại giấy sấy quần áo, giấy sấy thơm, giấy ủ thơm quần áo) có mùi thơm, ngay cả khi chúng là các chất hữu cơ tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy những hợp chất có mùi thơm này có thể khiến triệu chứng của bệnh chàm trầm trọng hơn.

 

Đừng quên giặt quần áo mới

Nhiều quần áo mới mua về có chứa nước xịt, các loại hóa chất có thể gây kích ứng mạnh đối với làn da của bạn. Các nhà khoa học tại Đại học Stockholm, Thụy Điển đã thử nghiệm với 60 loại quần áo mới và xác định có khoảng 100 chất hóa học trên quần áo có thể gây kích ứng da, điều mà bạn sẽ không biết từ các nhà sản xuất quần áo. Vì vậy, hãy đảm bảo an toàn bằng cách giặt quần áo mới trước khi mặc.

 

Không ngâm quá nhiều bột giặt vào quần áo

Tổ chức Eczema Pháp khuyên bạn chỉ nên sử dụng lượng bột giặt được khuyến nghị ghi trên nhãn sản phẩm (hoặc có thể ít hơn) để hạn chế cặn xà phòng đọng lại trên quần áo sau khi giặt. Một lượng xà phòng dư thừa nếu không được giặt sạch sẽ bám lại trên quần áo gây ngứa ngáy khó chịu và làm bệnh chàm trầm trọng hơn. Một mẹo nhỏ để hạn chế là bạn có thể sử dụng nước giặt thay vì bột giặt để hóa chất dễ hòa tan hơn.

 

Không để máy giặt quá tải

Bạn nên cho lượng quần áo vừa phải vào máy giặt để nước giặt được hòa tan hoàn toàn. Bởi việc cho quá nhiều quần áo, đổ đầy nước vào máy có thể khiến cho việc làm sạch không hiệu quả, điều đó có thể để lại lượng hóa chất trên quần áo, là nguyên nhân khiến da bị dị ứng, tăng tình trạng ngứa ngáy, hay xuất hiện các mụn nước đau rát.

 

Chú ý khi giặt quần áo bằng tay

Nếu bạn giặt quần áo bằng tay, hãy nhớ để bột giặt hòa tan trong nước, đeo găng tay để giặt và xả sạch (điều này cũng tương tự khi bạn rửa bát). Vì bất kỳ bột giặt hay chất làm sạch nào cũng đều có khả năng gây kích ứng da, đặc biệt là với người đang bị bệnh chàm, hạn chế tiếp xúc với hóa chất là cách tốt chất để bảo vệ da, ngăn ngừa tái phát các triệu chứng của bệnh.

 

Có thể bỏ qua bước làm mềm vải

Nước xả vải, hay những loại giấy làm thơm quần áo đều có mùi hương, có thể khiến triệu chứng của bệnh chàm trầm trọng hơn. Các chuyên gia cho biết thêm, trong nhiều hợp chất làm mềm vải có thể chứa methylisothiazolinone, là một chất phổ biến gây dị ứng trên da. Nếu bạn chưa am hiểu về sản phẩm làm mềm và thơm cho quần áo, bạn không nên sử dụng. Hoặc thay vì phải sử dụng các chất làm mềm vải, bạn có thể cân nhắc mua quần áo làm bằng chất vải mềm mại hơn.

 

Xả nước nhiều lần để làm trôi bột giặt

Đối với người bệnh chàm, việc làm sạch quần áo là vô cùng quan trọng. Khi giặt, bạn nên xả nước nhiều lần, tránh sử dụng quá ít nước không đủ làm sạch, để các hợp chất tẩy rửa trôi ra khỏi quần áo. Nếu bạn sử dụng những loại bột giặt dịu nhẹ dành cho da nhạy cảm dễ kích ứng, và sử dụng vừa đủ lượng hóa chất này, số lần xả nước để làm sạch có thể sẽ được giảm bớt.

 

Tránh sử dụng xịt khô trên quần áo

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại xịt dạng bột khô giúp làm sạch, làm thơm và làm mềm quần áo được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, với người bệnh chàm, việc sử dụng dạng bột khô này trên quần áo có thể khiến các triệu chứng của bệnh gia tăng, làm da bạn dễ bị kích ứng, khó chịu hơn, thậm chí xuất hiện thêm mụn nước đau rát.

LƯU Ý: Điều quan trọng là phải chú ý đến loại chất tẩy rửa làm sạch quần áo nào sẽ phù hợp với đặc điểm làn da của bạn. Về chọn loại vải cho quần áo, vải có chất liệu cotton sẽ mềm mại hơn trên da nên có thể tốt đối với người bị bệnh chàm. Người bệnh chàm cũng nên hạn chế mặc quần áo len hoặc quần áo vải cứng, thô ráp gây khó chịu. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, người bị chàm nên tránh sử dụng loại vải tổng hợp như polyester vì có thể gây bùng phát bệnh chàm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top