Thông thường, lượng tóc rụng mỗi ngày khoảng 30 đến 60 sợi nhưng đồng thời cũng có từng đấy sợi mọc ra. Tuy nhiên, có nhiều người tóc bị rụng nhiều hơn bình thường. Sau đây là những nguyên nhân gây rụng tóc mà chúng ta ít nghĩ đến.
Vitamin A là loại vi chất cần thiết cho thị lực, đồng thời có tác dụng làm đẹp da. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về da liễu Mỹ cho biết sử dụng quá nhiều vitamin A rất dễ gây rụng tóc. Lượng vitamin A tiếp nạp cho cơ thể hàng ngày là khoảng 750 microgram cho người trưởng thành và 500 microgram cho trẻ em. Sử dụng quá mức này sẽ gây hại cho tóc, nhưng nếu dùng vitamin A hợp lý, tóc vẫn có thể mọc trở lại.
Giảm cân đột ngột gây tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Giảm cân không đúng cách khiến cơ thể thiếu vitamin và chất khoáng có lợi cho sức khỏe. Biểu hiện cụ thể là chứng rối loạn ăn uống và rụng tóc.
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư bằng cách dùng các chất phóng xạ tác động vào khu vực có tế bào K (tế bào ung thư). Xạ trị sử dụng mức năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư khiến chúng ngừng tăng trưởng và phân chia. Vì cơ chế như vậy, xạ trị đồng thời cũng phá hủy các tế bào khác như tóc khiến tóc rụng nhiều, thậm chí không mọc tóc. Sau khi ngưng dùng xạ trị, tóc có thể mọc lại.
Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng rối loạn nội tiết ở phụ nữ, gây nên rất nhiều triệu chứng: kinh nguyệt không đều, thừa cân, buồng trứng có nhiều nang. Đặc biệt, hội chứng này còn gây ra rụng tóc ở nhiều người.
Một số kiểu tóc như tết chặt bám vào da đầu, dập xù hay sử dụng hóa chất như nhuộm, ép, xoăn đều gây hại cho tóc. Trong nhiều trường hợp lạm dụng, tóc không thể phục hồi.
Rụng tóc không nguy hiểm đến tính mạng nhưng từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ. Vì vậy, hiểu được các nguyên nhân trên và khắc phục đúng cách mái tóc sẽ nhanh chóng phục hồi và chắc khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh