Bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời dễ gây biến chứng.
Viêm da do tã lót: Tình trạng viêm thường xảy ra với các bé từ 5-12 tháng tuổi, đặc biệt với bé bụ bẫm và trẻ gái. Triệu chứng của bệnh: nóng đỏ, đau rát các vùng quấn tã như bụng dưới, đùi, mông. Vùng da này bị bỏng, đỏ, tiết dịch sau đó đóng vảy. Nếu điều trị không kịp thời, bệnh sẽ lan sang các vùng lân cận, xuất hiện các vết xước, giảm sắc tố, nặng hơn sẽ khiến bộ phận sinh dục bị tổn thương.
Mùa hè, nên hạn chế dùng bỉm cho bé, nếu phải dùng thì nên thay thường xuyên hoặc thay ngay sau khi bé đại tiện. Khi thay, nên rửa vùng mặc tã bằng nước ấm, tránh kỳ cọ mạnh, sau đó thấm khô, để một lát cho khô hẳn rồi mới đóng bỉm mới.
Mụn nhọt: Mụn nhọt ở trẻ thường do viêm nang lông và tổ chức xung quanh, chủ yếu do tụ cầu gây nên. Biểu hiện ban đầu là đỏ sưng rồi nóng gây đau nhức, dần dần mềm vỡ ra chảy mủ và thành sẹo. Mụn nhọt có thể mọc ở nhiều nơi trên cơ thể, đau nhức khiến trẻ quấy khóc, kém ăn ngủ. Những trẻ có thể trạng yếu, sức đề kháng kém có thể bị nhọt liên tiếp; nhọt này vừa khỏi nhọt khác lại mọc lên, có khi gây ra các biến chứng nguy hiểm (viêm thận cấp, nhiễm khuẩn huyết...).
Rôm sảy: Là tình trạng phổ biến ở trẻ em trong mùa hè, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nguyên do trong thời tiết nóng nực, mồ hôi trẻ tiết nhiều không thoát ra được hết, ứ đọng trong ống bài tiết. Miệng ống bài tiết dễ bị bụi, ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám, có khi dày đặc. Càng ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể... càng có nhiều rôm. Nhiều khi rôm có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân. Rôm sảy gây ngứa ngáy khiến bé gãi nhiều. Chỗ gãi có thể gây trợt loét rồi nhiễm khuẩn.
Chốc lở: Là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây. Mùa hè ra nhiều mồ hôi nên nguy cơ chốc lở càng tăng. Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, đầu, nhất là quanh mũi và miệng của trẻ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn (chủ yếu là tụ cầu và liên cầu) xâm nhập cơ thể qua các vết thương, trầy xước hay côn trùng đốt và gây bệnh. Bệnh xuất hiện với những bóng nước hình tròn dẹt, sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc. Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị dây dịch của vết chốc. Chốc lở có thể lan sang vùng kế cận, gây viêm hạch bạch huyết gần đó. Sau khi bong vảy thường để lại vết thâm lâu dài. Nếu mẹ không để ý và kịp thời chữa cho trẻ có thể dẫn đến bệnh viêm cầu thận.
Viêm cầu thận có thể phát triển sau khi bị chốc lở do liên cầu khuẩn. Viêm cầu thận xảy ra sau khi phát chốc lở khoảng 2 tuần. Triệu chứng gồm: phù mặt, nhất là phù mi mắt, đi tiểu ít, có máu trong nước tiểu, tăng huyết áp, cứng khớp và đau khớp.
Viêm da cơ địa: Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em dễ gặp trong mùa hè khi các yếu tố như trời nóng, ra nhiều mồ hôi. Nhiều trường hợp do chủ quan đã gây tổn thương da diện rộng, để lại sẹo, nhiễm trùng, gây viêm nhiễm nhiều vùng khác như (tai, mũi, họng, mắt...), trẻ mệt mỏi, biếng ăn, chậm lớn.
Bắt đầu bệnh viêm da cơ địa hình thành hay còn gọi là giai đoạn viêm da cơ địa cấp tính, xuất hiện ở mặt, khuỷu tay, chân, ngực của trẻ. Xuất hiện các đám ban đỏ không rõ ranh giới, nổi mụn đỏ li ti và sau một khoảng thời gian ngắn thì chuyển thành mụn nước, gộp lại thành mụn lớn. Trẻ ngứa ngáy khó chịu, với trẻ lớn thì dùng tay gãi ngứa còn trẻ sơ sinh thì quấy khóc, ưỡn mình, trằn trọc, hay thức giấc.
Viêm da cơ địa giai đoạn mạn tính khi viêm da tái phát thường xuyên, nhiều lần và có tổn thương rõ ràng trên da. Da trẻ lúc này có thể bị viêm bội nhiễm, lan rộng, xuất hiện các lớp sừng dày, rối loạn sắc tố da, khô nứt và chảy dịch vàng. Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em và trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm nên dễ bị viêm nhiễm tổn thương sâu tới lớp biểu bì của da.
Vào mùa nắng nóng, bé dễ đổ mồ hôi. Do vậy, nên chọn quần áo phù hợp. Cho bé mặc các loại quần áo vải bông nhẹ thoáng và sáng màu. Nên thay quần áo thường xuyên cho bé. Nên tắm cho bé thường xuyên hơn so với mùa lạnh. Thường xuyên cho bé uống nước trong ngày để đảm bảo lượng nước cung cấp đủ cho cơ thể các bé. Có thể cho bé ăn thêm các loại trái cây có tác dụng làm mát cơ thể.
Cha mẹ và người chăm sóc nên theo dõi các triệu chứng và kiểm tra da của bé thật cẩn thận. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đi khám kịp thời, chữa trị đúng cách.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh