✴️ Polyp thanh quản là gì?

Nội dung

1. Polyp thanh quản là gì?

Polyp thanh quản là gì? - Hình ảnh một polyp thanh quản thông qua ảnh chụp nội soi

Polyp thanh quản là gì? – Hình ảnh một polyp thanh quản thông qua ảnh chụp nội soi

Polyp thanh quản hay polyp dây thanh bản chất là một nhân xơ được bao bọc bởi các biểu mô phát triển quá sản, thường xuất hiện ở bờ trong của dây thanh quản. Polyp dây thanh tồn tại ở nhiều kích thước khác nhau. Ban đầu, các polyp này có thể có kích thước nhỏ li ti như hạt tấm và chỉ có thể quan sát như vết gợn. Tuy nhiên, khi phát triển, các polyp này có thể có kích thước to bằng hạt đậu hoặc to hơn và hình thành cuống.

Tương tự như các polyp khác, polyp dây thanh hoàn toàn lành tính. Tuy nhiên các polyp này lại gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc nói và thờ do cản trở đường đi của không khí. Chính vì thế, những người có polyp thường bị khàn giọng, tùy theo mức độ cản trở (polyp to hay nhỏ, số lượng ít hay nhiều) và thường bị ngủ ngáy, khó thở khi nằm ngủ.

 

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng polyp thanh quản

Polyp thanh quản không phải bệnh lý điển hình mà thường là hệ quả của việc hoạt động quá mức của thanh quản hoặc một số bệnh lý có liên quan. Cụ thể, dưới đây là một số những yếu tố điển hình góp phần gây nên polyp thanh quản:

– Thường xuyên lạm dụng giọng nói với cường độ và tần suất cao. Sự tác động cơ học này khiến dây thanh bị dãn căng liên tục, dẫn đến các tổ chức mô, các mạch máu trên dây thanh bị vỡ hoặc phình quá mức không thể phục hồi, dẫn đến hình thành các polyp.

– Tổ chức biểu mô trên niêm mạc thanh quản bị tăng sinh quá mức.

– Gặp phải các bệnh lý về đường hô hấp như viêm họng cấp, viêm amidan, viêm thanh quản,… không được điều trị đúng cách dẫn đến tình trạng mạn tính và tái phát nhiều lần khiến tạo nên các polyp thanh quản.

– Có thói quen sử dụng các chất kích thích thường xuyên như thuốc lá, rượu bia,….. Nhiều nghiên cứu từ các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác sẽ gây nên tình trạng kích dây thanh, tổn thương và hình thành nên các polyp.

Hút thuốc là là một trong những nguyên nhân gây polyp thanh quản

Hút thuốc là là một trong những nguyên nhân gây polyp thanh quản

– Người bị hội chứng trào ngược dạ dày cũng là một trong những yếu tố gây nên tình trạng polyp. Nguyên nhân khi trào ngược dạ dày, axit dạ dày có xu hướng đẩy lên cuống họng và gây nên phản ứng ho kích thích đẩy ra ngoài và có thể gây viêm vùng họng, thanh quản,.. gián tiếp hình thành polyp dây thanh.

Ngoài ra sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là với chị em phụ nữ gặp chứng rối loạn kinh nguyệt, trong ngày hành kinh dây thanh có thể xuất huyết nhẹ, kết hợp với những yếu tố khác có thể khiến dây thanh bị tổn thương.

 

3. Các dấu hiệu nhận biết polyp dây thanh

Polyp dây thanh thường rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu do những ảnh hưởng thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khác của các bệnh lý tai mũi họng. Tuy nhiên, khi các polyp tăng dần về số lượng và kích thước thì những dấu hiệu được nhận biết rõ hơn:

3.1. Tình trạng khàn tiếng

Khàn tiếng gây ra do cột không khí di chuyển trong dây thanh bị cản trở bởi các polyp. Tình trạng này có thể phân biệt được với các bệnh lý khác bằng cách:

Với các bệnh lý thông thường, sau một thời gian điều trị tích cự sẽ thấy giảm triệu chứng. Tuy nhiên với polyp dây thanh, sau một thời gian tình trạng khàn giọng không được cải thiện và thậm chí còn có dấu hiệu tăng thêm. Tình trạng này chỉ giải quyết khi các khối polyp được loại bỏ.

Polyp dây thanh gây nên tình trạng khàn giọng

Polyp dây thanh gây nên tình trạng khàn giọng

3.2. Luôn có cảm giác vướng hoặc nghẹn vùng cổ họng

Các polyp có cuống có xu hướng di chuyển theo luồng khí ra vào ở cột khí quản. Chính vì thế khi phát triển, các polyp này không chỉ gây cảm giác vướng mà còn gây cảm giác vướng lan rộng. Ở giai đoạn này, người bị polyp thường có xu hướng khạc nhổ để đẩy ra ngoài. Tuy nhiên phản ứng này lại là nguyên nhân khiến dây thanh bị phù nề.

3.3. Nói hụt hơi

Nói hụt hơi xảy ra khi polyp mọc đúng điểm khép của hai dây thanh khiến luồng khí đi ra nhiều hơn dẫn đến tình trạng nói hụt hơi, mất hơi và thậm chí là mất tiếng.

Ngoài ra, người bị polyp dây thanh còn gặp phải các triệu chứng như ho khan, giọng nói khô, luôn có âm rít kèm theo, không nói hoặc hát được những âm cao và có thể gặp phải tình trạng đau vùng mang tai.

 

4. Những ai hay bị polyp thanh quản?

Nguyên nhân gây polyp thanh quản phần lớn liên quan trực tiếp tới tác động và sử dụng giọng nói. Chính vì vậy mà tỷ lệ mắc polyp thanh quản cũng cao hơn ở nhóm người làm việc trong những ngành nghề đặc thù như giáo viên, hướng dẫn viên, nhân viên tư vấn, phóng viên, MC,… Đây là những ngành nghề cần sử dụng giọng nói khá nhiều.

Ngoài ra, những người làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm có nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng cao hay những người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá đều có nguy cơ bị polyp thanh quản cao.

 

5. Điều trị polyp thanh quản

Mô phỏng cắt polyp dây thanh quản

Mô phỏng cắt polyp dây thanh quản

Polyp thanh quản được chẩn đoán chính xác thông qua thăm khám và nội soi. Tùy vào mức độ polyp, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Polyp thanh quản ít và kích thước nhỏ, có thể không cần điều trị hoặc điều trị bằng thuốc và kết hợp thay đổi thói quen sử dụng giọng nói và chăm sóc bảo vệ cổ họng hằng ngày như: Hạn chế nói to và nói nhiều trong ngày, nếu bắt buộc nên sử dụng các công cụ hỗ trợ phóng to giọng nói, đeo khẩu trang tránh khói bụi,…

Tuy nhiên, phần lớn người bệnh thăm khám khi các polyp đã phát triển nhiều hoặc có kích thước lớn với triệu chứng khàn giọng kéo dài, mất giọng, vướng cổ họng,…. Trong trường hợp này, phương pháp phẫu thuật loại bỏ polyp dây thanh được chỉ định để loại bỏ những polyp lớn và kết hợp điều trị bằng thuốc để chống viêm, hạn chế các polyp nhỏ phát triển. Đồng thời để hồi phục giọng nói như ban đầu có thể cần kết hợp với phương pháp trị liệu giọng nói.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về tình trạng polyp thanh quản. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Polyp thanh quản là gì? và có biện pháp bảo vệ cũng như phương án thăm khám khi có dấu hiệu nghi ngờ để hạn chế những ảnh hưởng do polyp gây ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top