Khô âm đạo là tình trạng giảm tiết dịch nhờn âm đạo, dẫn đến thiếu độ trơn ướt cần thiết trong quá trình giao hợp. Đây không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên gây ra nhiều khó chịu trong đời sống sinh hoạt tình dục, làm giảm khoái cảm, gây đau khi giao hợp, khó đạt cực khoái và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống tình dục của cả hai giới.
Khô âm đạo có thể do nhiều yếu tố tác động, bao gồm:
Rối loạn nội tiết tố nữ: Giảm nồng độ estrogen, đặc biệt trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, làm suy giảm hoạt động tiết dịch và làm mỏng niêm mạc âm đạo.
Viêm âm đạo: Các bệnh lý viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc nấm có thể làm thay đổi môi trường pH và ảnh hưởng đến hoạt động tiết dịch âm đạo.
Tâm lý và yếu tố tình cảm: Lo lắng, căng thẳng, thiếu hưng phấn tình dục, hoặc màn dạo đầu không đầy đủ làm giảm phản xạ tiết dịch.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc như kháng histamin, thuốc chống sung huyết, thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm tiết dịch nhờn âm đạo.
Rối loạn chức năng buồng trứng: Các bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ hormone, dẫn đến khô âm đạo.
Thụt rửa âm đạo không đúng cách: Việc thụt rửa sâu, thường xuyên hoặc sử dụng các dung dịch sát khuẩn mạnh làm mất cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo, gây khô và kích ứng.
Yếu tố cơ địa: Một số phụ nữ có tình trạng khô âm đạo mạn tính dù không có rối loạn thực thể rõ ràng.
Khô âm đạo kéo dài có thể dẫn đến:
Giảm chất lượng đời sống tình dục: Giao hợp đau rát, khó đạt cực khoái, gây cảm giác lo lắng và né tránh quan hệ tình dục.
Tăng nguy cơ tổn thương và viêm nhiễm: Niêm mạc âm đạo khô, mỏng và kém đàn hồi dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
4.1. Biện pháp không dùng thuốc
Tăng cường chất lượng màn dạo đầu: Giúp kích thích tiết dịch âm đạo một cách tự nhiên.
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý: Ưu tiên thực phẩm giàu phytoestrogen (estrogen thực vật) như đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành (chứa isoflavone).
Uống đủ nước mỗi ngày: Đặc biệt trong mùa đông khô hanh, nhằm duy trì độ ẩm niêm mạc.
Tránh thụt rửa sâu và lạm dụng dung dịch vệ sinh: Chỉ vệ sinh ngoài âm hộ, không sử dụng xà phòng hoặc sản phẩm chứa chất tẩy mạnh.
4.2. Biện pháp hỗ trợ
Sử dụng gel bôi trơn âm đạo: Có thể được sử dụng trước khi giao hợp để giảm ma sát và khó chịu, tuy nhiên nên chọn sản phẩm phù hợp, không gây kích ứng.
Tư vấn và điều trị y khoa: Với các trường hợp khô âm đạo ảnh hưởng rõ rệt đến sinh hoạt tình dục, hoặc kèm viêm âm đạo tái phát, nên khám chuyên khoa sản phụ khoa để được đánh giá nguyên nhân và chỉ định điều trị phù hợp, bao gồm:
Estrogen tại chỗ (kem, viên đặt)
Liệu pháp hormone thay thế (HRT) nếu có chỉ định
Điều trị bệnh lý nền nếu có (viêm âm đạo, rối loạn buồng trứng, v.v.)
Khô âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ nhiều lứa tuổi, đặc biệt trong giai đoạn tiền mãn kinh. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng, tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống tình dục và sức khỏe tinh thần. Cần có sự phối hợp giữa chăm sóc tại nhà và tư vấn y tế để cải thiện tình trạng và nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh