✴️ Viêm gan C có lây không và lây qua đường nào nhanh nhất?

Nội dung

1. Viêm gan C là bệnh gì?

Viêm gan C là căn bệnh lây truyền do virus cùng tên (HCV) gây ra. Virus viêm gan C là virus đơn mạch, có thể xâm nhập thẳng vào cơ thể qua máu rồi tấn công vào gan. Từ gan, chúng phát triển giết chết các tế bào gan, làm gan sưng phồng, suy giảm chức năng gan.

Đặc biệt, bệnh có khả năng lây lan từ người sang người. Rất nhiều bệnh nhân bị viêm gan C cấp tính chuyển sang mãn tính mà không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị có thể biến chứng sang suy gan, xơ gan, ung thư gan.

Căn bệnh này nguy hiểm, hàng năm cướp đi sinh mạng khoảng 500.000 người trên thế giới. Vì vậy việc hiểu về các nguyên nhân gây bệnh, viêm gan C có lây không và lây qua đường nào sẽ giúp chúng ta phòng tránh bệnh hiệu quả.

Rất nhiều bệnh nhân bị viêm gan C cấp tính chuyển sang mãn tính mà không có triệu chứng rõ ràng

2. Viêm gan C có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, có khoảng 90% bệnh nhân mắc viêm gan C cấp tính sau đó chuyển sang tình trạng mạn tính mà không hề hay biết, do không có biểu hiện cụ thể. Viêm gan C nếu không được phát hiện, điều trị tích cực sẽ tăng nguy cơ xảy ra một số biến chứng như sau.

2.1. Biến chứng xơ gan

Xơ gan do virus viêm gan C sẽ gây tổn thương tế bào gan, hình thành vết sẹo tạo nên mô sợi. Những vết sẹo ngăn cản dòng chảy của máu qua gan, có thể gây ứ máu trong tĩnh mạch hệ thống tiêu hóa.

Giai đoạn đầu xơ gan chỉ có những biểu hiện thoáng qua, rất dễ nhầm lẫn sang bệnh khác như: chán ăn, mệt mỏi, đau vùng bụng phải…

Xơ gan do virus viêm gan C có thể chuyển biển sang tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa, nơi vận chuyển máu giữa gan và hệ tiêu hóa.

2.2. Biến chứng suy gan

Xơ gan do virus viêm gan C nếu kéo dài sẽ khiến mô sẹo để lại do virus tiếp tục phát triển, làm chức năng gan suy giảm, gây suy gan. Suy gan do virus viêm gan C rất nghiêm trọng, điều trị phức tạp. Biểu hiện của suy gan có thể nhận biết qua trình trạng vàng da, vàng mắt không rõ nguyên nhân, chân tay sưng phù, cổ trướng…

2.3. Biến chứng ung thư gan

Viêm gan C có biến chứng nặng nhất là ung thư gan. Khi cơ thể nhiễm virus viêm gan C, nguy cơ ung thư gan cao gấp 12 lần bình thường. Ung thư gan hay xảy ra ở người xơ gan. Nếu người bệnh hay sử dụng rượu bia, thừa cân, hút thuốc,…thì nguy cơ cao hơn rất nhiều.

2.4. Biến chứng khác

Không chỉ ảnh hưởng đến gan, virus viêm gan C còn hủy hoại nhiều bộ phận khác của cơ thể. Vì khi nhiễm virus, cơ thể sẽ phản ứng để chống lại, gây ra đái tháo đường, thần kinh, khớp, da mẩn đỏ, trầm cảm…

Viêm gan C nếu không được phát hiện và điều trị tích cực sẽ tăng nguy cơ xảy ra biến chứng

3. Bệnh viêm gan C có lây không?

3.1. Viêm gan C có lây không?

Cũng giống như viêm gan B, viêm gan A, viêm gan C là một bệnh lây truyền. Căn bệnh lây lan chủ yếu qua 3 con đường: Đường mẹ sang con, đường máu, đường tình dục. Trong đó nguy cơ lây lan qua con đường máu chiếm tỉ lệ lớn nhất, và là con đường lây lan chính của bệnh.

3.2. Các con đường lây truyền virus viêm gan C

Viêm gan C có lây không – Đường máu

Những người có nguy cơ lây nhiễm viêm gan C qua đường máu bao gồm:

– Người nhận máu, các chế phẩm từ máu người đã bị nhiễm virus viêm gan C.

– Dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm bệnh.

– Dùng chung vật dụng cá nhân như cắt móng, dao cạo râu, dụng cụ lấy ráy tai, lược, cây gãi lưng, dụng cụ cạo gió, bàn chải…trong quá trình sử dụng gây trầy da, chảy máu.

– Do xăm hình, châm cứu, bấm lỗ tai…bằng vật dụng chưa xử lý vô trùng hiệu quả.

– Dùng chung trang thiết bị y tế bị nhiễm virus viêm gan C chưa được vô khuẩn như chạy thận.

Viêm gan C có lây không – Tình dục không an toàn

Nếu quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm virus viêm gan C thì người lành có thể nhiễm bệnh. Virus lây lan qua tinh dịch đàn ông mắc bệnh, vết xước ở niệu đạo, tình dục gây tổn thương, trầy xước, chảy máu…

Khả năng mắc bệnh cao hơn ở người bị HIV, bị bệnh lây truyền tình dục khác. Ngoài ra, chưa có bằng chứng có thấy virus viêm gan C lây qua quan hệ bằng miệng. Tuy nhiên, các vết lở loét, trầy xước trong miệng vẫn có nguy cơ lây bệnh.

Cho nên, chúng ta nên chủ động phòng tránh lây truyền bệnh bằng cách sinh hoạt tình dục an toàn, tránh quan hệ thô bạo, nhiều bạn tình, quan hệ ngày hành kinh, quan hệ bừa bãi,….để tránh nguy cơ lây virus viêm gan C sang cho bạn tình. Sử dụng bao cao su là biện pháp phòng tránh cao nhất.

Viêm gan C có lây không – Con đường từ mẹ sang con

Con đường lây lan này chiếm tỉ lệ nhỏ, chỉ khoảng 5%. Nếu người mẹ mắc bệnh khi mang thai trẻ em vẫn có nguy cơ bị lây bệnh. Thường virus viêm gan C sẽ lây qua nhau thai vào thời điểm sinh. Khi sinh nở, nhau thai bong ra, virus theo máu truyền từ mẹ sang con.

Virus viêm gan C không lây qua sữa mẹ nhưng các bà mẹ nhiễm bệnh được khuyến cáo không nên cho con bú trực tiếp mà nên vắt ra. Việc này để phòng tránh trường hợp đầu vú trầy xước dẫn đến lây lan bệnh cho trẻ.

Viêm gan C là căn bệnh có thể lây truyền thông qua 3 con đường chính: qua máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con

4. Viêm gan C không lây qua những đường nào

Bên cạnh tìm hiểu viêm gan C có lây không và lây qua đường nào, chúng ta cũng nên hiểu biết về một số con đường không làm hoặc rất ít khả năng lây truyền virus viêm gan C. Bao gồm:

– Không lây qua ho, ôm, hôn, hắt hơi, nói chuyện, bắt tay.

– Không lây qua sữa mẹ.

– Không lây qua dùng chung bát đĩa, thức ăn, nước uống.

– Không lây qua côn trùng đốt, muỗi cắn.

Điều này có nghĩa là viêm gan C không lây qua sinh hoạt thông thường, không lây qua sinh hoạt chung trong gia đình. Vì vậy nếu người thân có nhiễm bệnh này thì các thành viên còn lại không nên nảy sinh tâm lý kỳ thị, cách ly hay lo lắng.

5. Cách phòng tránh bệnh viêm gan C

Viêm gan C là bệnh dễ lây lan và để lại nhiều biến chứng khó lường. Tuy nhiên, nếu chúng ta phát hiện sớm, điều trị tích cực vẫn có khả năng điều trị hoặc hạn chế nguy cơ từ bệnh.

Hiện nay có rất nhiều cách phòng tránh được việc lây lan virus viêm gan C nếu mỗi người trong cộng đồng cùng nhau có ý thức. Không giống như virus viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C vẫn chưa có vắc-xin tiêm chủng. Vì vậy chúng ta có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các cách sau:

– Không dùng chung bơm kim tiêm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày hoặc bất cứ dụng cụ dính máu nào.

– Nếu xăm hình, xăm môi, xăm lông mày, bấm khuyên tai, châm cứu…thì nên chọn cơ sở y tế uy tín, sử dụng dụng cụ khử trùng an toàn.

– Sinh hoạt tình dục an toàn, nên sử dụng bao cao su, quan hệ 1 vợ 1 chồng, tránh có nhiều bạn tình…

– Trước khi mang thai nên thăm khám tiền hôn nhân để xem trong gia đình có ai nhiễm bệnh viêm gan C không. Khi mang thai người mẹ nên thăm khám định kỳ theo chỉ định bác sĩ.

– Tiêm phòng vắc-xin viêm gan A và B theo đúng lịch tiêm phòng, chủ động phòng lây nhiễm virus này có hại cho gan.

– Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh, điều trị hiệu quả và tránh lây lan cho cộng đồng.

– Nếu không may mắc bệnh viêm gan C, cần tham khảo bác sĩ về cách sinh hoạt hàng ngày tránh lây bệnh cho mọi người.

Kết luận

Tóm lại, viêm gan C là căn bệnh có thể lây truyền thông qua 3 con đường chính: qua máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con. Bệnh có thể gây biến chứng xơ gan, suy gan, ung thư gan…nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Nguy hiểm nằm ở chỗ bệnh rất ít khi bộc lộ triệu chứng rõ ràng, kể cả khi chuyển sang giai đoạn mạn tính nên khó phát hiện. Chúng ta có thể chủ động phòng tránh lây bệnh qua sinh hoạt lành mạnh, chủ động thăm khám sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top