✴️ Sâu răng là gì?

Nội dung

Sâu răng là tình trạng phá hủy lớp men – bề mặt cứng bên ngoài của răng. Sâu răng tiến triển có thể tấn công vào những lớp sâu hơn của răng, tạo ra lỗ sâu.

Nếu không điều trị sâu răng có thể gây ra các vấn đề về răng miệng.

Sâu răng là gì?

Sâu răng là tình trạng men răng bị phá vỡ. Khi sâu răng bắt đầu xói mòn lớp men thì xoang sâu bắt đầu hình thành. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), răng có ba lớp:

  • Men răng: Men răng là lớp cứng ngoài cùng bảo vệ những lớp bên trong của răng. Men răng không chứa tế bào sống và là cấu trúc cứng nhất cơ thể con người.
  • Ngà răng: Ngà răng là lớp thứ hai của răng. Khi lớp men bị tổn thương, có thể sẽ lộ lớp ngà. Khi bạn ăn uống đồ lạnh hoặc nóng, nhờ những ống nhỏ trong ngà, sẽ kích thích thần kinh trong răng, gây đau và nhạy cảm ở răng.
  • Tủy răng: Tủy là phần trung tâm của răng. Tủy chứa các mạch máu, dây thần kinh, và các mô liên kết.

Sâu răng có nhiều mức độ. Tổn thương sâu răng có thể từ lớp men đến áp xe trong tủy.

Triệu chứng

Các triệu chứng của sâu răng thay đổi tùy thuộc vào mức độ của tổn thương. Những người trong giai đoạn sâu răng mới chớm có thể không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi sâu răng lan rộng hơn, bạn có thể có những triệu chứng sau:

  • Răng nhạy cảm với đồ ngọt, đồ ăn nóng hoặc lạnh;
  • Đau răng không bớt;
  • Điểm trắng hay đen trên răng;
  • Hôi miệng;
  • Hở miếng trám;
  • Lỗ sâu ở răng;
  • Hay bị mắc thức ăn;
  • Khó ăn một số loại thức ăn;
  • Áp xe răng gây đau, sưng mặt hoặc sốt;

Nguyên nhân

Mảng bám là một lớp vi khuẩn bám dính hình thành trên răng. Khi ăn đồ ngọt hoặc thức ăn chứa nhiều tinh bột, vi khuẩn trong mảng bám sẽ sản sinh ra axit tấn công vào lớp men răng.

Theo thời gian, chất axit này hòa tan mô khoáng hóa của răng, xói mòn men răng, gây sâu răng và cuối cùng là tạo xoang sâu.

Sâu răng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Ước tính khoảng 20% trẻ em từ 5-11 tuổi có ít nhất một răng sâu không được điều trị. Người lớn có thể bị tụt nướu làm lộ phần chân răng. Lớp ngà chân răng, mềm hơn lớp men, bao phủ chân răng điều này khiến răng dễ bị sâu hơn.

Một người sẽ dễ bị sâu răng hơn nếu có các tình trạng như:

  • Bị khô miệng;
  • Có lớp men răng yếu do di truyền hoặc mắc bệnh;
  • Không đánh răng ngày hai lần với kem đánh răng có fluor;
  • Bị rối loạn ăn uống, như biếng ăn hoặc chán ăn tâm thần và ăn ói;
  • Bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Điều trị

Bác sĩ nha khoa có thể chỉ định điều trị nếu bạn bị sâu răng, tùy thuộc vào mức độ.

Điều trị fluor giai đoạn sớm

Fluor là một loại khoáng chất giúp tăng cường sự cứng chắc của lớp men. Bác sĩ nha khoa có thể dùng nhiều dạng fluor khác nhau để ngăn chặn và thậm chí là sửa chữa tổn thương đang tiến triển ở răng sâu.

Bác sĩ nha khoa sẽ bôi fluor trực tiếp vào răng. Điều trị fluor khá nhanh, chỉ mất vài phút. Fluor có ở dạng gel, véc-ni, bọt hoặc dung dịch.

Trám răng

Trám răng được thực hiện khi răng có lỗ sâu. Sau khi khoan lỗ sâu để loại bỏ hết mô sâu, bác sĩ sẽ tạo hình xoang sâu để lưu giữ miếng trám. Sau đó bác sĩ trám xoang sâu, sử dụng vật liệu như amalgam nha khoa hay composite.

Điều trị

Mão sứ

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, những lỗ sâu lớn có thể cần phải bọc mão răng thay cho miếng trám. Để bọc mão, đầu tiên bác sĩ sẽ mài bỏ phần bên ngoài của răng, cũng như mô sâu răng.

Bác sĩ sẽ lấy dấu răng và đặt một mão tạm đến khi có mão răng thật, thường là 1-2 tuần sau đó.

Điều trị tủy răng

Khi tủy răng bị tổn thương, điều trị tủy răng giúp giữ lại răng, tránh bị nhổ bỏ. Đầu tiên bác sĩ sẽ gây tê răng trước khi lấy tủy, tiếp đó làm sạch và tạo dạng ống tủy trong răng.

Bác sĩ cũng có thể đặt thuốc trong răng để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Sau đó, bác sĩ sẽ trám bít ống tủy với một chất giống cao su và bọc mão hoặc trám răng để phục hồi và tăng độ bền cho răng.

Nhổ răng

Chỉ định nhổ răng nếu răng sâu bị tổn thương quá nghiêm trọng. Đầu tiên bác sĩ sẽ gây tê răng bị hư. Sau khi nhổ xong, bạn sẽ được dặn dò chế độ ăn uống sinh hoạt sau nhổ. Bạn có thể thấy sưng hay đau sau nhổ răng, điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây nên đến khám bác sĩ ngay lập tức:

  • Sốt;
  • Buồn nôn;
  • Nôn ói;
  • Đau dữ dội, sưng, hay chảy máu;
  • Cơn đau tăng dần theo thời gian.

Sâu răng có thể hồi phục không?

Sâu răng nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể hồi phục. Tuy nhiên, một khi men răng đã mất quá nhiều mô khoáng hóa và răng có lỗ sâu thì răng không thể tự trở lại bình thường được.

Bác sĩ nha khoa có thể điều trị tổn thương và ngăn không cho chúng lan rộng hơn. Có thể đảo ngược sâu răng bằng cách cắt giảm thức ăn chứa đường bột và tập thói quen vệ sinh răng miệng.

Biến chứng

Hiệp hội Nghiên cứu Răng hàm mặt cho rằng nếu không điều trị, sâu răng có thể dẫn tới nhiều vấn đề, như:

  • Đau răng;
  • Nhiễm trùng;
  • Mất răng;
  • Áp xe.

Áp xe có thể gây ra nhiễm trùng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như sốc nhiễm khuẩn.

Nếu có những triệu chứng sau, bạn nên đi khám ngay lập tức:

  • Sốt;
  • Đau răng;
  • Răng nhạy cảm với nóng và lạnh;
  • Sưng nướu răng;
  • Sưng hạch bạch huyết dưới cổ;
  • Sưng hàm.

Áp xe răng còn có thể gây:

  • Hôi miệng;
  • Vị khó chịu trong miệng;
  • Đau lan tới tai, hàm và cổ.

Phòng ngừa

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người có thể phòng ngừa và ngăn sâu răng bằng cách:

  • Đánh răng ngày hai lần với kem đánh răng chứa fluor;
  • Hạn chế ăn vặt;
  • Ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng;
  • Hỏi bác sĩ về các thực phẩm bổ sung fluor;
  • Khám nha sĩ thường xuyên để kiểm tra và làm sạch răng định kỳ.

Khi nào cần khám nha sĩ?

Khi bạn bị đau hay khó chịu ở răng, hãy tới khám với nha sĩ. Ngoài ra nên khám răng thường xuyên để kiểm tra, phòng ngừa sâu răng.

Tóm tắt

Sâu răng là một tình trạng phổ biến, với 9 trên 10 người lớn trên 20 tuổi bị sâu răng ở nhiều mức độ. Sâu răng có nhiều mức độ khác nhau, mỗi mức độ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp.

Nếu có những triệu chứng của sâu răng, tốt nhất nên đi khám nha sĩ. Nếu sâu răng không được điều trị sẽ dẫn đến mất răng và các tình trạng nghiêm trọng khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top