Xuất tinh ra máu (hematospermia) là hiện tượng xuất hiện máu trong tinh dịch, có thể quan sát được bằng mắt thường dưới dạng tinh dịch có màu đỏ, hồng hoặc nâu, hoặc phát hiện qua xét nghiệm. Đây là tình trạng thường gặp trong nam khoa, đa phần lành tính, có thể tự khỏi nhưng dễ tái phát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây có thể là biểu hiện của bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Xuất tinh ra máu cần được phân biệt với các trường hợp máu lẫn vào tinh dịch từ các tổn thương ngoài cơ quan sinh dục như:
Rách hãm quy đầu.
Tổn thương da quy đầu hoặc niệu đạo do quan hệ tình dục quá mạnh.
Rách da quy đầu trong quá trình sử dụng bao cao su.
Ngoài biểu hiện máu trong tinh dịch, bệnh nhân có thể gặp thêm các triệu chứng sau:
Tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu.
Đau khi xuất tinh hoặc đau vùng thắt lưng, hạ vị.
Sưng đau tinh hoàn, bìu, vùng bẹn.
Sốt nhẹ hoặc có biểu hiện toàn thân.
1. Viêm nhiễm hệ tiết niệu – sinh dục
Chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân xuất tinh ra máu, đặc biệt là:
Viêm túi tinh (chiếm ~40% trường hợp).
Viêm tuyến tiền liệt.
Viêm mào tinh hoàn – tinh hoàn.
Viêm niệu đạo.
Viêm gây sung huyết, phù nề niêm mạc các ống tuyến, dẫn đến vỡ mao mạch khi co bóp mạnh lúc xuất tinh. Các vi khuẩn thường gặp: Escherichia coli, Chlamydia trachomatis, trực khuẩn Gram dương, trực khuẩn lao.
2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc vùng cổ bàng quang
Các tĩnh mạch giãn mỏng manh dễ bị đứt khi áp lực niệu đạo tăng cao trong lúc xuất tinh.
3. Tổn thương niệu đạo và cơ quan sinh dục
Quan hệ tình dục với tần suất cao, tư thế không phù hợp hoặc tâm lý căng thẳng dễ gây tổn thương niêm mạc niệu đạo, dẫn đến chảy máu khi xuất tinh.
4. Ung thư hệ sinh dục – tiết niệu
Ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư túi tinh.
Ung thư tinh hoàn.
Lymphoma đường sinh dục.
5. Chấn thương do thủ thuật
Sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng.
Thắt ống dẫn tinh.
Sau phẫu thuật tinh hoàn.
Đặt dụng cụ trong niệu đạo hoặc xạ trị vùng chậu.
6. Bệnh lý toàn thân
Rối loạn đông máu, bệnh ưa chảy máu (Hemophilia).
Xơ gan, viêm gan mạn tính.
Tăng huyết áp nặng.
Chẩn đoán: Cần thăm khám chuyên khoa nam học hoặc tiết niệu. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm: tổng phân tích nước tiểu, siêu âm bụng dưới và tuyến tiền liệt, xét nghiệm tinh dịch đồ, nội soi niệu đạo hoặc cộng hưởng từ vùng tiểu khung nếu cần thiết.
Điều trị: Phụ thuộc vào nguyên nhân nền. Trường hợp lành tính hoặc không xác định được nguyên nhân cụ thể, có thể điều trị triệu chứng bằng kháng sinh phổ rộng và theo dõi tiến triển. Với các nguyên nhân như viêm nhiễm, ung thư hay bất thường giải phẫu – thủ thuật, điều trị đặc hiệu sẽ được chỉ định.
Lưu ý quan trọng: Không nên chủ quan với hiện tượng xuất tinh ra máu. Người bệnh cần được đánh giá đầy đủ nếu tình trạng kéo dài, tái phát nhiều lần hoặc có kèm triệu chứng toàn thân.
Xuất tinh ra máu là một biểu hiện thường gặp, phần lớn là lành tính và có thể tự hồi phục. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến hệ tiết niệu – sinh dục hoặc bệnh toàn thân. Do đó, khi phát hiện có máu trong tinh dịch, nam giới cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh để bệnh diễn tiến mạn tính và gây biến chứng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh