Tiêm chất làm đầy là gì?

Nội dung

Các chuyên gia Hàn Quốc trong Tập san Y khoa Hàn Quốc JKMS (Journal of Korean Medical Science) đã chia sẻ những kiến thức nền tảng về chất làm đầy (filler) ứng dụng trong tạo đường cong cơ thể (nâng ngực, tạo vòng 3 quyến rũ,...) cũng như bù đắp những khiếm khuyết của gương mặt (như nâng mũi, xóa nếp nhăn, trẻ hóa làn da,...). 

Tiêm chất làm đầy (filler) vào mô mềm là thủ thuật rất thông dụng trên toàn thế giới kể từ khi ca tiêm filler đầu tiên được đưa ra cho phẫu thuật nâng mô mềm. Hiện nay, filler được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của y học với kết quả rất hài lòng, nhưng số ca biến chứng cũng tăng lên do việc tiêm filler gia tăng. Biến chứng sau tiêm filler có thể xảy ra bất kể lúc nào sau thủ thuật, nó có thể diễn ra sớm hay muộn, với mức độ từ không đáng kể tới nghiêm trọng.

Dựa trên kinh nghiệm, các bác sĩ của Hàn Quốc trong đó có BS. Joo Huyn Kim, BS. Duk Kyun Ahn, BS. Hii Sun Jeong, và BS. In Suck Suh đã có bài viết đăng tải trên Tập san Khoa học Y khoa Hàn Quốc (Journal of Korean Medical Science – JKMS) về việc điều trị biến chứng sau tiêm filler. Họ đưa ra cách thức điều trị để giảm nhẹ vết thương và tái tạo mô và tạo ra kết quả thẩm mỹ tốt cùng với việc điều trị sớm trước tác dụng phụ của tiêm filler.

Tiêm chỉnh hình gương mặt ra đời cách đây hơn 1 thế kỷ

Nhiều cách thức tạo đường cong cho cơ thể hay trẻ hóa khuôn mặt, giảm nếp nhăn nhờ các chất tiêm đã được mô tả trong suốt 100 năm qua. Cấy ghép mỡ tự sinh để chỉnh sửa khiếm khuyết mô mềm của gương mặt được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1893. Vào đầu thế kỷ 20, chất parrafin lỏng được tiêm cho việc tạo đường cong của gương mặt ở Vienna, Áo. Dù gây ra biến chứng đáng kể và gặp phải phản ứng dữ dội từ công luận, người ta đã khám phá ra các chất tiêm thay thế.

Silicone lỏng được sử dụng để cải thiện đường cong cơ thể tại Thụy Sỹ và Nhật Bản vào những năm 1940 và tiêm chất lỏng silicone cho gương mặt trở nên phổ biến và trở thành thủ thuật thông dụng để trẻ hóa cơ thể và gương mặt vào những năm 1960.

Đã có bước tiến lớn về các chất làm đầy (filler) có thể tiêm vào năm 1981 với sự phê chuẩn ban đầu của Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) dành cho chất làm đầy collagen từ trâu bò (Zyderm, Zyplast; Inamed Aesthetics, Santa Barbara ở California, Mỹ) dành cho mục đích phẫu thuật thẩm mỹ. Sau đó, collagen từ trâu bò trở thành tiêu chuẩn cho các vật liệu có thể tiêm. Một kỷ nguyên mới tiêm các chất làm đầy hoạt tính sinh học có lựa chọn nhân tạo bắt đầu vào năm 2003, khi một sản phẩm của Restylane (Medicis, của Scottsdale ở bang Arizona, Mỹ) được FDA phê chuẩn. Kể từ đó, FDA đã phê chuẩn vô số chất làm đầy trong ngành thẩm mỹ, chủ yếu sử dụng ở thị trường châu Âu. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ trong sử dụng các chất làm đầy có thể tiêm. Nhiều dạng filler đã được phát triển, mang đến kỳ vọng giảm thiểu biến chứng. Tuy nhiên, vẫn nhiều biến chứng được ghi nhận.

 

Chất làm đầy lý tưởng

Các chất làm đầy có thể tiêm nên sở hữu những đặc tính sau đây. Chúng ta đánh giá độ an toàn và hiệu quả để quyết định xem một vật liệu có lý tưởng hay không. Vật liệu làm đầy có thể tiêm nên an toàn, tương thích sinh học, kháng nhiễm trùng, và gắn cố định với mô xung quanh cũng như nên duy trì được thể tích của nó để bao quanh cơ thể và phủ lấp nếp nhăn. Nó phải đảm bảo phản ứng cơ thể ngoại lai ở mức tối thiểu, trong đó bao gồm không gây ra sự hình thành nên u hạt.

Các vật liệu lý tưởng để tiêm không được gây quái thai, ung thư hay dị ứng, nó không cần phải tiêm thử trước. Chất lý tưởng không gây đau đớn, không đắt, và ổn định khi lưu trữ ở nhiệt độ phòng. Và phải dễ dàng loại bỏ chất làm đầy cũng rất cần thiết trong trường hợp xảy ra biến chứng. Mặc dù chất làm đầy lý tưởng vẫn chưa được tạo ra, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm các filler đáp ứng những tiêu chuẩn này.

 

Phân loại chất làm đầy

Có một vài phương pháp để phân loại chất làm đầy dành cho da. Các tác giả Hàn Quốc Joo Hyun Kim, Duk Kyun Ahn, Hii Sun Jeong, In Suck Suh trong bài viết trên JKMS tập trung vào 3 loại: loại tự nhiên, loại nhân tạo và loại hỗn hợp.

Các nguyên liệu tự nhiên có thể là chiết xuất bào chế từ mô người hay mô động vật. Nguyên liệu tự nhiên gồm mỡ tự thân và collagen tự thân, và collagen được chia nhỏ thành collagen từ lợn, collagen từ trâu bò, và collagen từ người; đó lần lượt là các collagen xenogeneic và allogeneic.

Mỡ tự thân thường bóc tách từ bụng hay đùi. Cấy ghép mô mỡ tự thân đã được sử dụng thành công vài thế kỷ qua, trong khi sử dụng tiêm chất béo cho việc tạo đường cong của cơ thể (bơm ngực, bơm mông) trở nên thông dụng từ cách đây hơn 30 năm.

Nguyên liệu sinh tổng hợp là các nguyên liệu hóa học hoặc sản phẩm hữu cơ sinh học, chẳng hạn như (C14H21NO11)n acid hyaluronic, silicone, calcium hydroxylapatite, acid polylactic, và dạng gel polyacrylamide.

Một trong những chất làm đầy sử dụng rộng rãi nhất là acid hyaluronic. Nếu chất làm đầy acid hyaluronic bị tiêm quá liều hay tiêm sai cách, có thể sửa hay loại bỏ bằng cách sử dụng hyaluronidase ngay tức thời. FDA đã phê chuẩn 22 chất làm đầy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top