Trùng lông còn được gọi là mao trùng, chuyển động bằng lông. Trùng lông có nhiều loại, căn cứ vào sự sắp xếp của lông để phân loại. Trùng lông Balantidium coli thuộc nhóm có lông xung quanh bào khẩu, lông mọc dài và rậm hơn ở các vùng khác của cơ thể. Balantidium coli sống kí sinh và gây bệnh cho người.
ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỂ.
Balantidium coli có hai thể: thể hoạt động và thể kén.
Thể hoạt động có hình trứng, không đối xứng, phía đầu hơi nhọn, phía đuôi hơi tròn. Kích thước trung bình 50 - 70 x 40 - 60 µm.
Toàn thân có màng bọc, trên màng có những hàng lông mọc song song. Gần đầu trùng lông có một khe gọi là bào khẩu (cytostome), có lông để vơ nuốt thức ăn. Phía đuôi có một khe nhỏ gọi là hậu môn (cytopyge) để bài tiết.
Bào tương có hai lớp: lớp ngoài rất mỏng nên khó quan sát thấy, lớp trong chứa các không bào tiêu hoá (trong đó có nhiều vi khuẩn, mảnh thức ăn) và có hai không bào co bóp thường ở phía sau thân.
Trùng lông có hai nhân: nhân lớn hình hạt đậu giữ chức năng dinh dưỡng. Nhân nhỏ nằm ở chỗ lõm của nhân lớn giữ chức năng sinh sản và thường bị che lấp nên khó nhìn thấy (hình 6.1).
Thể hoạt động di chuyển rất nhanh, mạnh nhờ những hàng lông luôn luôn chuyển động như mái chèo.
Trùng lông vừa di chuyển vừa xoay mình như mũi khoan tiến về phía trước. Nhờ có màng thân rất đàn hồi nên trùng lông uốn thân, biến dạng vượt qua vật cản dễ dàng.
Thể kén có dạng hình cầu, kích thước trung bình 50 - 60 m, có hai lớp vỏ dày, bên trong có nhân to, nhân bé và có không bào co bóp (hình 6.1).
Hình 6.1: Balantidium coli
A-Thể hoạt động
B-Thể kén
ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC.
Balantidium coli sống chủ yếu ở manh tràng và đôi khi ở đoạn cuối hồi tràng.
B.coli ăn vi khuẩn, các tinh bột chưa tiêu hoá hết và đôi khi ăn cả đồng loại. B.coli sinh sản bằng hình thức phân chia theo chiều ngang, ngoài ra còn hình thức sinh sản tiếp hợp.
Quá trình sinh sản tiếp hợp như sau: hai cá thể áp bào khẩu vào nhau, nhân lớn tan ra nhập vào nguyên sinh chất, nhân nhỏ chia làm bốn rồi lại mất đi ba còn một. Từ một nhân còn lại chia làm hai, rồi một nhân ở cá thể này sang ghép với nhân còn lại của cá thể kia hợp thành một nhân duy nhất. Từ nhân duy nhất lại hình thành nhân lớn và nhân nhỏ, sau đó hai cá thể tách rời nhau. Số lượng trùng lông không tăng, nhưng là hai cá thể mới đã trẻ hoá và có sức sống mạnh hơn.
B.coli hình thành thể kén khi ở điều kiện môi trường bất lợi (phân rắn, pH thay đổi...). Kén theo phân ra ngoại cảnh. Từ ngoại cảnh kén vào cơ thể qua đường tiêu hoá, đến manh tràng thành thể hoạt động.
Bản chất của B.coli là sống hội sinh, chỉ tấn công vào thành ruột gây bệnh khi niêm mạc ruột bị tổn thương do một nguyên nhân nào đấy. Thông thường niêm mạc ruột bị tổn thương do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, thương hàn, lị trực khuẩn...
VAI TRÒ GÂY BỆNH.
Do bản chất Balantidium coli là sống hội sinh, có nhiều người tình cờ xét nghiệm phân người thấy kén trùng lông, nhưng người đó không có biểu hiện bệnh lí.
Khi Balantidium coli chuyển sang dạng sống kí sinh, B.coli gây hoại tử mô ở thành manh tràng. Ở đây B.coli tiếp tục sinh sản, phá hủy mô thành ruột, làm cho những vết loét ngày càng rộng, càng sâu.
Sự phá hủy thành ruột của B.coli mạnh vì có thêm tác động cơ học nên B.coli có thể đi sâu vào thành ruột và gây thủng ruột (hầu như chỉ xảy ra ở đại tràng).
Biểu hiện triệu chứng lâm sàng do B.coli gây ra thường có những dấu hiệu như đau bụng, đi ngoài (có thể tới 15 lần một ngày), mót rặn, phân có nhầy máu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Tỉ lệ tử vong của bệnh do trùng lông gây ra có thể tới 29% (Pavlovskii, 1946). Nguyên nhân tử vong là do biến chứng thủng ruột, xuất huyết đường tiêu hoá...
Hội chứng lị do B.coli gây ra cũng có thể diễn biến mạn tính, thời gian mắc bệnh có khi tới 20 năm và trong thời gian đó thỉnh thoảng xuất hiện đợt tái phát cấp tính.
CHẨN ĐOÁN.
Dựa vào lâm sàng:
Triệu chứng hội chứng lị do B.coli gây ra thường khó phân biệt với hội chứng lị do trực khuẩn hoặc amíp gây ra.
Cận lâm sàng:
Soi trực tràng thấy vết loét đặc trưng do B.coli gây ra: vết loét thường rộng, sâu, đáy thường phủ mủ, mô bị hoại tử.
Xét nghiệm phân tìm B.coli.
ĐIỀU TRỊ.
Nguyên tắc điều trị B.coli như điều trị đối với amíp.
Thuốc đặc hiệu: có hiệu lực tốt:
Các dẫn xuất của emetin: emetin clohydrat, dehydroemetin...
Các dẫn xuất của iod: yatren, mixiod...
Các dẫn xuất của asen: carbason, bemarsal...
Metronidazol có biệt dược: flagyl, klion, entizol, orvagil...
ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ HỌC.
Mầm bệnh:
Cả thể hoạt động và thể kén của B.coli đều là mầm bệnh.
Thể hoạt động sống lâu ở ngoại cảnh và có thể đi qua bộ máy tiêu hoá mà không bị tiêu diệt.
Thể kén trong điều kiện nhiệt độ 18 - 200C, độ ẩm cao có thể sống được hai tháng. Điều kiện khô, không ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp sống được 1 - 2 tuần.
Dưới ánh sáng mặt trời sống được 3 giờ. Dung dịch phenol 5% diệt được kén sau 3 giờ, formol 10% diệt được kén sau 4 giờ.
Nguồn bệnh:
Là những bệnh nhân mắc bệnh do B.coli cấp hoặc mạn tính, những người lành mang trùng.
Trước đây nhiều tác giả cho rằng: lợn cũng là nguồn bệnh vì trong phân lợn thường thấy trùng lông giống hệt như Balantidium coli, nhưng do kí sinh ở lợn nên gọi tên là Balantidium suis.
Qua nghiên cứu về đặc điểm sinh học, nhiều tác giả đã xác định B.suis là loài khác. Grassi (1888), Barbagallo (1896) dùng Balantidium suis gây bệnh cho người nhưng không có kết quả. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều nghiên cứu xác nhận nguồn bệnh là lợn.
Bệnh do B.coli phân bố ở khắp nơi trên thế giới, nhưng nhìn chung số người mắc không nhiều. Ở nước ta tỉ lệ nhiễm B.coli khoảng 0,12% (theo số lượng điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ, năm 1960 có trên 5.829 người nhiễm).
Đường lây:
Qua đường tiêu hoá, do thức ăn, nước uống bị nhiễm B.coli.
Phòng chống bệnh do B.coli:
Cũng giống như phòng chống bệnh do amíp lị. Chủ yếu là vệ sinh ăn uống, vệ sinh nguồn nước, quản lí chặt chẽ nguồn phân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh