✴️ Các loại Leishmania khác

Nội dung

LEISHMANIA TROPICA

Đây là loại Leishmania gây bệnh ngoài da không gây bệnh ở phủ tạng. Gây bệnh cho người là Leishmania tropica minor.

Đặc điểm sinh học.

Leishmania tropica có vật chủ chính là người và chó, nhưng cũng có thể là mèo, cầy, gấu. Ở động vật, Leishmania kí sinh trong các tế bào võng nội mô, chúng sinh sản bằng cách nhân đôi cho tới khi tế bào vật chủ  bị phá vỡ. Muỗi cát đốt người và động vật, hút máu có Leishmania vào dạ dày muỗi cát. Ở đó Leishmania thành thể có roi và sinh sản vô giới, số lượng tăng lên rất nhanh, sau đó trùng roi lên họng và vòi muỗi cát. 

Khi muỗi cát đốt người và động vật, sẽ truyền các thể có roi vào người và động vật. Trùng roi bị đại thực bào nuốt, ở đại thực bào trùng roi co lại thành thể không roi, tiếp tục phát triển, sinh sản, liên tục tấn công vào tế bào lành bên cạnh. Hiếm có trường hợp trùng roi di căn sang các ổ khác. Cũng không bao giờ đi vào phủ tạng.

Vai trò y học.

Leishmania tropica kí sinh tại vết muỗi cát đốt sẽ gây ra các biểu hiện lâm sàng ở ngoài da. Thời gian từ khi muỗi đốt đến khi xuất hiện các vết loét thường từ 3 đến 6 tuần (gọi là thời kì ủ bệnh). Mới đầu xuất hiện nốt sẩn đỏ nơi muỗi đốt, sau chuyển thành mụn loét có bờ nổi lên lởm chởm như miệng núi lửa, đáy lõm sâu có mô mọc thành hạt. Xung quanh vết loét là vùng da dày cứng. 

Thông thường có nhiễm trùng phối hợp kèm theo nên bệnh nhân có sốt, rét run. Nếu không có biến chứng vết loét sẽ thành sẹo trong vòng 2 - 12 tháng. Để lại vết sẹo lõm không có sắc tố da.

Chẩn đoán.

Có thể chọc hút dịch ở bờ vết loét làm tiêu bản nhuộm Giemsa tìm Leishmania tropica.

Sinh thiết mô ở dưới bờ vết loét, làm tiêu bản cắt lát tìm trùng roi, hoặc nuôi cấy vào môi trường N.N.N.

Điều trị thử bằng các thuốc đặc hiệu.

Điều trị.

Điều trị bằng các dẫn xuất của muối antimoan.

Dịch tễ học và phòng chống.

Nguồn bệnh:

Nguồn bệnh thường là chó, người và một số động vật khác như: mèo, cầy, gấu… Bệnh do Leishmania tropica gặp ở một số nước Châu Phi: Maroc, Ethiopia, Libi, Nigieria và các nước châu Mĩ, Trung cận Đông, Tây Bắc Ấn Độ.

Trung gian truyền bệnh:

Muỗi cát PhlebotomusPhlebotomus papatasi, Phlebotomus sergenti…

Phòng chống:

Phát hiện sớm người bệnh để điều trị. Chống muỗi cát đốt. Có biện pháp diệt muỗi cát và tiêu hủy các động vật mắc bệnh.

 

LEISHMANIA BRAZILIENSIS

Đặc điểm sinh học và vòng đời giống như Leishmania tropica. Bệnh do trùng roi này gây ra có một số đặc điểm khác: mụn loét do Leishmania braziliensis đáy nhẵn, không có hạt và thường xuyên rỉ nước. 

Có những ổ loét thứ phát ở niêm mạc lân cận như miệng, mũi, họng, thanh quản… Những vết loét này nhiều khi xù xì, làm mặt mũi biến dạng, đôi khi loét làm mất cả môi, mũi. Bệnh có thể kéo dài hàng năm, gây đau đớn cho người bệnh. Nhiều khi gây tử vong do biến chứng nhiễm trùng huyết, hay viêm phế quản, viêm phổi.

Chẩn đoán, điều trị và phòng chống tương tự như đối với Leishmania tropica.

Bệnh chỉ gặp ở Guatemala, Achentina, Paraguay. Bệnh khu trú ở vùng rừng núi ẩm ướt, có độ cao từ 2.500 m trên mặt nước biển.

 

BỆNH LEISHMANIA Ở VIỆT NAM

Năm 1978, lần đầu tiên ở Việt Nam, Bệnh viện 103 - Học viện Quân y đã phát hiện bệnh Leishmania ở các phủ tạng: não, gan, lách, tim, phổi… trên bệnh nhân đã tử vong. Nữ bệnh nhân này lao động tại Lục Nam - Bắc Giang, nhưng quê của bệnh nhân ở Cẩm Giàng - Hải Dương. Cũng chính ở Cẩm Giàng - Hải Dương, Bộ môn Sốt rét - KST - CT, Học viện Quân y đã nghiên cứu và bắt được muỗi cát truyền bệnh này. 

Năm 1984, Bệnh viện Nhi Thụy Điển cũng đã phát hiện được một bệnh nhân

6 tuổi mắc bệnh Leishmania phủ tạng. Sau khi bệnh nhân chết, đã tìm thấy Leishmania ở gan, lách, phổi, hạch…

Năm 2001, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí - Quảng Ninh, đã phát hiện 3 bệnh nhân Kala - azar, với triệu chứng điển hình của bệnh Leishmania nội tạng: gan to, lách to, rối loạn tiêu hoá và sốt kéo dài. Xét nghiệm HIV (+), kí sinh trùng sốt rét 3 lần âm tính, tiêu bản máu ngoại vi có thể Amastigotes của Leishmania và nuôi cấy tủy xương nhuộm Giemsa có thể Promastigotes của Leishmania. Các tiêu bản chẩn đoán Leishmania  đã được xác định bằng sinh học phân tử (PCR). So sánh độ dài của vòng kDNA và sự tương ứng của chuỗi ADN  ở vùng bảo tồn cho thấy loài kí sinh trùng này thuộc chi Leishmania (họ Trypanosomatidae) và rất có thể thuộc một loài hoàn toàn mới.

Vật chủ trung gian truyền bệnh Leishmania ở Việt Nam: theo Raynal và Gaschen (1934 - 1935), Quate (1962) xác định có 11 loài muỗi cát ở một số địa điểm thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Khánh Hoà, Quảng Ngãi… Trong số các loài muỗi cát ở nước ta có loài Phlebotomus sergenti là loài đã được xác định có vai trò truyền bệnh Leishmania. Như vậy ở nước ta đã xác định có cả bệnh nhân và cả vật chủ trung gian truyền bệnh. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top