Hở van tim có nguy hiểm không? Có điều trị được không?

Hở van tim có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào thời gian phát hiện bệnh, van tim nào bị hở, tình trạng bệnh tiến triển đến đâu, điều trị có đáp ứng không….Tuy nhiên, đây là một căn bệnh nguy hiểm, chúng ta không nên lơ là cảnh giác. Cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh hở van tim và cách phòng ngừa, điều trị hiệu quả.

 

1. Bệnh hở van tim là bệnh gì?

Hệ thống van của một trái tim bình thường bao gồm các bộ phận: van động mạch chủ, van động mạch phổi, van tim 2 lá và van tim 3 lá. Van tim có chức năng dẫn máu ra vào tim theo nguyên tắc một chiều. Cụ thể, khi tim bơm máu từ dưới lên phổi ra hệ thống tuần hoàn thì van tim 2 lá và 3 lá đóng còn van động mạch chủ, van động mạch phổi mở để máu không trào ngược vào tim. Khi máu bơm từ buồng tim trên xuống buồng tim dưới thì ngược lại.

Bệnh hở van tim, hay còn gọi là suy van tim xảy ra khi các van tim không thực hiện tốt chức năng mở cho máu lưu thông một chiều như bình thường. Khi đó, các van tim đóng không kín do thoái hóa van tim, giãn vòng van tim, các dây chằng van tim quá dài…làm dòng máu trào ngược lại trong lúc phải đóng van tim. Từ đó dẫn đến hậu quả tim phải làm việc nhiều hơn bù đắp lượng máu thiếu hụt do trào ngược.

 

Hở van tim xảy ra khi các van tim không thực hiện tốt chức năng mở cho máu lưu thông

 

2. Hở van tim được chia làm mấy loại?

Tình trạng van không đóng kín được có thể xảy ra ở cả 4 van tim. Cụ thể:

2.1 Hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ làm một phần máu cần bơm vào vào động mạch chủ bị trào ngược lại tâm thất trái. Tâm thất trái buộc phải hoạt động nhiều hơn dẫn đến giãn buồng tâm thất, phì đại thành tâm thất.

2.2 Hở van tim 3 lá

Chức năng của van 3 lá là lưu thông dòng máu từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải, ra động mạch phổi lên phổi trao đổi chất và oxy. Hở van tim 3 lá sẽ làm một phần máu từ tâm thất phải trào ngược lại tâm nhĩ phải. Khi đó tim phải bơm máu nhiều hơn để đảm bảo đủ lượng máu cần thiết, lâu ngày sẽ dẫn đến tâm thất phải và tâm nhĩ phải đều bị giãn.

2.3 Hở van tim 2 lá

Chức năng của van 2 lá là lưu thông dòng máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Hở van 2 lá sẽ khiến một phần máu xuống tâm thất trái trào ngược lại tâm nhĩ trái. Khi đó tim phải bơm máu nhiều hơn để đảm bảo đủ lượng máu cần thiết, lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim.

2.4 Hở van động mạch phổi

Chức năng động mạch phổi là lưu thông máu từ tâm thất phải lên động mạch phổi. Hở van động mạch phổi khiến một phần máu trào ngược lại tâm thất phải. Khi đó tâm thất phải buộc làm việc nhiều hơn, lâu ngày dẫn đến giãn và phì đại thành cơ van tim.

 

Hở van tim được chia làm 4 loại, trên 4 van tim của trái tim

 

3. Nguyên nhân gây bệnh hở van tim

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh hở van tim, trong đó có hai nguyên nhân chính là do di truyền và do mắc phải một số bệnh lý liên quan.

3.1 Do di truyền

Đây là một dị tật bẩm sinh ngay từ khi mới sinh. Theo thời gian dị tật khiến van tim mở cho dòng máu lưu thông gặp trục trặc. Nếu trong gia đình từng có người mắc bệnh thì khả năng di truyền cao hơn.

3.2 Do sốt thấp khớp

Đây là một biến chứng nghiêm trọng của viêm họng, do cơ thể nhiễm khuẩn Streptococus không được điều trị. Bệnh có thể gây tổn thương nặng tới van tim, suy tim…

3.3 Do tuổi tác

Khi tuổi tăng lên, sự linh hoạt của van tim giảm xuống. Các nắp van tim không thể đóng khít do các nốt vôi hóa, canxi…lắng đọng ở van tim.

 

3.4 Do các nguyên nhân bệnh lý khác

Các tác nhân khác gây nên bệnh hở van tim bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch
  • Tiểu đường
  • Thoái hóa van tim
  • Nồng độ cholesterol cao

Bên cạnh những nguyên nhân chính nêu trên, hở van tim có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác mà chỉ khi tới bệnh viện thăm khám trực tiếp mới có thể chẩn đoán cụ thể được.

 

4. Triệu chứng thường gặp khi van tim bị hở

Giai đoạn đầu khi van tim mới bị hở người bệnh không có mấy triệu chứng rõ ràng. Chỉ đến khi van đã hở ở một mức độ nào đó nặng thì các triệu chứng mới bộc lộ rõ rệt, bao gồm:

  • Khó thở: thường xảy ra khi hoạt động mạnh, khi gắng sức. Ban đầu bệnh nhân chỉ khó thở một lúc, nằm nghỉ sẽ hết. Về sau cơn khó thở tăng lên, kéo dài gây khó chịu, đau tức ngực.
  • Rối loạn nhịp tim: Thường gặp nhất là tim đập nhanh kéo theo đánh trống ngực liên tục.
  • Ho khan: Thường gặp ở bệnh hở van tim 3 lá và 2 lá.
  • Đau thắt ngực có thể lan xuống tay, cổ, hàm…

 

Hở van tim là căn bệnh nguy hiểm nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời

 

5. Van tim hở có nguy hiểm không?

5.1. Hở van tim có nguy hiểm không?

Điều này còn phụ thuộc vào thời gian phát hiện bệnh khi nào, hở van tim nào, tình trạng bệnh tiến triển đến đâu, điều trị có đáp ứng không. Nếu bệnh được phát hiện sớm, ở giai đoạn nhẹ có thể điều trị và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngược lại, nếu bệnh phát hiện muộn, đã bộc lộ các triệu chứng nặng như đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, kèm theo đó là nhiều bệnh nền khác thì rất dễ gây ra biến chứng nguy hiểm, khó điều trị.

5.2. Biến chứng do hở van tim có nguy hiểm không?

Nếu người bệnh bị hở van động mạch chủ, dù mức độ hở rất nhẹ vẫn dễ gặp rủi ro đe dọa tính mạng. Một số biến chứng đáng lo ngại của bệnh hở van tim bao gồm:

  • Suy tim sung huyết: Xảy ra khi trái tim làm việc quá sức trong thời gian dài để bơm máu cung cấp đủ nuôi cơ thể, trái tim kiệt sức, suy yếu.
  • Rối loạn nhịp tim: Nguy cơ tử vong vô cùng cao nếu không được điều trị tích cực từ sớm.
  • Tăng áp lực động mạch phổi: Xảy ra do van tim 2 lá, van tim động mạch chủ hở khiến máu ứ đọng ở phổi làm tăng áp lực động mạch phổi.
  • Rung nhĩ: Xảy ra do ứ đọng máu ở tâm nhĩ trái, lâu ngày khiến buồng tim giãn, tim đập nhanh, hỗn loạn.
  • Huyết khối gây đột quỵ: Xảy ra khi máu bị ứ đọng tại các buồng tim tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Nếu các huyết khối di chuyển theo dòng máu có thể gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Đây chính là lý do tại sao người bệnh cần phát hiện sớm nguy cơ hở van tim và điều trị kịp thời.

 

6. Bệnh hở van tim có chữa được không?

Có nhiều phương pháp để chữa bệnh hở van tim. Nếu được phát hiện sớm, điều trị phù hợp bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát và hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.

Hiện nay các bác sĩ đang áp dụng một số kĩ thuật phổ biến để chẩn đoán van tim đã bị hở, ví dụ như: chụp X Quang ngực, điện tâm đồ, siêu âm tim, định lượng B-type natriuretic peptide (BNP) trong máu…

Đến nay, chưa có phác đồ đặc hiệu cho bệnh này. Phác đồ điều trị hở van tim sẽ được bác sĩ xây dựng dựa vào các yếu tố: Van tim nào bị hở, mức độ hở, triệu chứng, nguyên nhân, bệnh lý đi kèm và tình trạng sức khỏe.

Đối với các trường hợp van tim hở nhẹ và vừa, phương pháp điều trị bằng thuốc vẫn là phương pháp được ưu tiên. Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân hở van phải được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa tùy theo tình trạng bệnh nhân, bao gồm:

  • Thuốc điều trị triệu chứng thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu…
  • Thuốc điều trị nguyên nhân: thuốc kháng sinh, thuốc điều trị huyết áp, mỡ máu, tiểu đường,…

Nếu bệnh nặng hơn, các phương pháp khác có thể được xem xét sử dụng nhằm sửa chữa, đóng kín van tim, bảo tồn chức năng cơ tim.

 

Nếu được phát hiện sớm, điều trị phù hợp bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát và hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.

 

7. Phải làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh hở van tim?

Nếu nhận thấy bản thân hoặc người nhà xuất hiện các dấu hiệu hở van tim điển hình, hãy nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên môn. Ngoài ra, để phòng ngừa và hỗ trợ hiệu quả cho việc điều trị van tim bị hở, chúng ta nên duy trì các thói quen sống tốt như sau:

  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau, ít chất béo, chất đường
  • Nên bỏ hoặc hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích
  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức dẫn tới béo phì
  • Tập luyện thể dục thường xuyên, phù hợp với cơ địa bản thân
  • Trành lao động quá sức, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng
  • Nếu phát hiện các bệnh lý như tim mạch, huyết áp, mỡ máu…cần điều trị tích cực
  • Không chủ quan với bệnh viêm họng, nhiễm khuẩn, sốt cao, nhiễm trùng để tránh tăng nguy cơ gây bệnh thấp tim

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top