✴️ Entamoeba histolytica - amíp lị (P2)

ĐIỀU TRỊ.

Nguyên tắc điều trị:

Dùng thuốc đặc hiệu.

Điều trị sớm.

Điều trị đủ liều.

Điều trị triệt để (xét nghiệm phân nhiều lần không còn kén amíp).

Điều trị kết hợp với kháng sinh để diệt vi khuẩn, loại trừ điều kiện thuận lợi cho amíp phát triển.

Điều trị:

Dưới đây là một số thuốc đã và đang được để điều trị amíp:

Các dẫn xuất của asen: thuốc có tác dụng đến các thể của amíp, nhưng thuốc gây nhiều tai biến như: dị ứng, sốt, đau bụng, đi lỏng, nhức đầu… những thuốc này chỉ dùng cho người lớn.

Stovarsol: có khả năng làm sạch kén ở bệnh nhân mạn tính.

Carbason: tác dụng với lị cấp tính, thuốc có tác dụng mạnh hơn stovarsol, nhưng đối với lị mạn tính tác dụng kém hơn.

Các dẫn chất của iot: 

Các loại thuốc này diệt được các thể của amíp, thuốc ít độc vì không tích lũy trong cơ thể nên có thể dùng dài ngày điều trị bệnh nhân lị mạn tính. Tuy nhiên phản ứng phụ có thể xảy ra: đau bụng, đầy hơi, ỉa chảy… 

Một số loại thuốc: yatren, mixiod, chiniofon, anayodin, quinoxyl.

Các dẫn chất của quinolein không có iot:

Những thuốc này có khả năng tích lũy ở gan, nên sử dụng để điều trị viêm gan, áp xe gan do Entamoeba histolytica có hiệu quả tốt. 

Thuốc thuộc nhóm 4 aminoquinolein: chloroquin, amodiaquin…

Emetin:

Thuốc có tác dụng diệt amíp ở tổ chức, emetin được coi là thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh lị cấp tính ở ruột và gan do Entamoeba histolytica. Nhưng emetin có độc lực cao, thường gây những thay đổi về tim, mạch, làm hạ huyết áp. Nếu dùng emetin liều cao có thể làm ngừng tim đột ngột.

Chế phẩm thường dùng: emetin chlohydrat.

Dehydroemetin:

So với emetin, dehydroemetin có nhiều ưu điểm:

Diệt amíp mạnh hơn.

Thuốc khuếch tán vào mô tốt hơn.

Tốc độ thải trừ nhanh hơn, ít tích lũy trong cơ thể nên có thể dùng liều cao kéo dài.

Độc tính thấp hơn.

Ngoài dạng tiêm, còn có thuốc viên, tiện sử dụng.

Biệt dược: dehydroemetin Roche (Pháp), mebadin (Anh), dametin (Đức).

Tác dụng phụ của dehydroemetin: buồn nôn, rối loạn tiêu hoá, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp.

Metronidazol:

Tác dụng mạnh với các thể amíp ở ruột và ngoài ruột (ở gan, phổi, não…). Hiện nay, metronidazol được coi là một trong những thuốc đặc hiệu tốt nhất điều trị bệnh amíp. 

Tác dụng phụ: buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, viêm miệng, giảm bạch cầu nhưng hồi phục. Tránh dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Biệt dược: flagyl, klion, entizol, orvagil…

Liều dùng: Đối với áp xe gan và bệnh lị cấp tính do Entamoeba histolytica.

Người lớn: uống 9 viên 250mg trong 24 giờ, chia 3 lần, điều trị từ 7 - 10 ngày.

Trẻ em uống liều 30mg/kg thể trọng trong 24 giờ, chia 3 lần uống, điều trị từ 7 - 10 ngày.

5 - nitroimidazol:

Thuốc thế hệ hai của metronidazol là dẫn chất của 5 - nitroimidazol có thời gian bán hủy dài hơn nên có thể rút ngắn thời gian điều trị, đồng thời dung nạp cũng tốt hơn. Thuốc điều trị các thể amíp ở ruột cũng như ngoài ruột.

Biệt dược:

Secnidazol (flagentyl)

Người lớn dùng liều duy nhất 2g trong 24 giờ, chia 2 lần uống.  Trẻ em: liều duy nhất 30 mg/kg thể trọng trong 24 giờ, chia 2 lần uống. Tinidazol (fasigyne)

Người lớn: 2g trong 24 giờ, điều trị từ 3 - 5 ngày.

Trẻ em: 30 - 50mg/kg thể trọng trong 24 giờ, điều trị 3 - 5 ngày.

Ornidazol (tibera)

Người lớn: 1,5g trong 24 giờ, điều trị từ 3 - 5 ngày.

Trẻ em: 30 - 50mg/kg thể trọng trong 24 giờ, điều trị 3 - 5 ngày.

Holanin:

Viên holanin có 0,05mg alcaloid của cây mộc hoa trắng.

Dùng halonin điều trị amip lị cấp tính, hay dùng phối hợp với thuốc chữa lị khác để điều trị amíp lị mạn tính và các thể lị ngoài đường ruột.

Liều lượng:

Người lớn: hai ngày đầu, mỗi ngày 4 - 6 viên, chia 2 lần uống, 4 ngày sau mỗi ngày 3 - 4 viên, chia 2 lần uống.

Trẻ em: 3 đến 5 tuổi: hai ngày đầu mỗi ngày từ 1 - 3 viên, hai ngày sau 1/2 - 1 viên. Không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.

Các dược liệu thảo mộc:

Y học cổ truyền của Việt Nam đã sử dụng nhiều loại dược liệu thảo mộc để điều trị bệnh lị do amíp như: cây cỏ nhọ nồi, hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên, hoàng đằng, trắc bách diệp,  cây cau, hoè hoa, kim ngân, nha đảm tử, khổ sâm, rau sam, mơ tam thể, cỏ sữa lá lớn, cỏ sữa lá nhỏ… 

Trung Quốc đã chiết xuất từ nha đảm tử  một alcaloid lấy tên là yanatren. Các thầy thuốc Việt Nam cũng đã sử dụng nha đảm tử điều trị bệnh amíp lị, thấy tác dụng đối với lị cấp là diệt thể hoạt động của amíp, nhưng rất ít tác dụng đối với thể kén.

 

DỊCH TỄ HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG.

Dịch tễ học:

Điều tra phát hiện người mang kén amíp lị rất cần để xác định tình hình dịch tễ học bệnh amíp trong một địa phương. Tuy nhiên số người mắc bệnh amíp bao giờ cũng thấp hơn số người mang kén. Do đặc điểm sinh học của amíp lị cơ bản là sống hội sinh, nên khi người nhiễm amíp lị không nhất thiết phát bệnh.

Amíp lị phân bố rộng khắp trên toàn thế giới, nhưng có nhiều ở vùng ôn đới và nhiệt đới, còn vùng khí hậu lạnh có rất ít. Mặt khác tỉ lệ nhiễm amíp lị còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng.

Tỉ lệ người có kén amíp ở Anh: 3%, Mĩ: 4,17%, Pháp: 5%, Trung Quốc: 20%, châu Phi: 20%. 

Ở Việt Nam, mỗi giai đoạn thời gian và mỗi vùng cũng có tỉ lệ nhiễm amíp khác nhau ( Sài Gòn 25,7%, Hà Nội 15% - Deschiens, 1950; miền Bắc 2,82% - Đoàn Y tế Rumani, 1959; miền Bắc 2,9% - Đặng Văn Ngữ, 1960). Theo Vũ Văn Phong (1974): tỉ lệ mang kén amíp lị trong quân đội là 5%.

Nhìn chung tỉ lệ mang kén amíp lị cũng như bệnh amíp lị thường có tính quy luật của một vùng lưu hành: nơi nào có trình độ dân trí còn thấp, điều kiện vệ sinh chưa tốt thì tỉ lệ nhiễm thường cao. 

Ngoài ra tỉ lệ nhiễm còn phụ thuộc vào vùng địa lí, vùng đồng bằng nhiễm cao hơn so vời vùng đồi, ở miền núi cao tỉ lệ nhiễm amíp là thấp nhất (Đỗ Dương Thái, 1986).

Nguồn bệnh:

Là những người thải kén amíp lị, gồm những đối tượng sau:

Người lành thải kén: những người này có amíp lị, thường xuyên thải kén theo phân, nhưng chưa bị bệnh bao giờ. Đây là nguồn bệnh nguy hiểm vì bản thân họ cũng không biết để điều trị và những người xung quanh cũng không để ý.

Người mắc bệnh lị cấp tính nhưng ở thời kì bệnh thoái lui (sắp khỏi) cũng có thể thải kén ra ngoài theo phân.

Người mắc bệnh lị mạn tính ở thời kì bệnh ổn định cũng thường xuyên thải kén ra ngoài. Trong một ngày, một người có thể thải từ 300 - 600 triệu kén amíp ra ngoài theo phân. Sự thải kén phụ thuộc vào điều kiện của ruột nên có khi kén thải ra liên tục nhiều ngày, nhưng cũng có ngày không thải kén.

Mầm bệnh là kén già (đã có bốn nhân):

Kén có sức chịu đựng cao với các yếu tố lí, hoá của ngoại cảnh cũng như với các hoá chất. ở nhiệt độ thích hợp 20 - 300C kén có thể tồn tại từ 9 - 10 ngày, ở nhiệt độ 400C kén sống được 30 phút, ở 650C kén sống được 5 phút, ở 800C kén chết ngay. Trong nước sạch kén sống được từ 4 - 30 ngày.

Trong cơ thể ruồi, nhặng kén sống được 3 - 10 ngày. 

Các hoá chất như: dung dịch clo 1%, phocmôn 1% diệt kén sau 4 giờ, dung dịch thuốc tím thường để sát trùng (3/100.000) có thể diệt kén sau 30 phút, axit axetic 5% diệt kén sau 15 phút, dung dịch phèn chua 3/1.000 làm lắng kén trong vài giờ. Sức chịu đựng của thể hoạt động kém hơn, ở ngoại cảnh thể hoạt động dễ chết. Nếu xâm nhập vào cơ thể, thể hoạt động bị chết do tác động của dịch dạ dày. 

Đường lây:

Kén nhiễm vào người qua đường tiêu hoá bằng nhiều cách:

Người ta vẫn cho rằng bệnh amíp lị là “bệnh của bàn tay bẩn”. Do chính bản thân người lành thải kén, có thể tự nhiễm cho mình hoặc người khoẻ mạnh sờ mó vào nơi có kén rồi đưa tay lên miệng.

Ăn rau sống, uống nước lã có kén amíp (nhiều nơi dùng phân tươi để bón rau).

Ăn phải thức ăn bị nhiễm kén (do bụi có kén hoặc do ruồi nhặng, gián đưa kén vào thức ăn không được che đậy).

Người cảm thụ:

Nói chung mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh amíp lị, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi ít bị mắc hơn. Theo Đỗ Dương Thái (1970): tỉ lệ bệnh nhiều nhất ở lứa tuổi 20 - 30 tuổi. Người đã mắc bệnh amíp lị rồi vẫn có thể nhiễm lại.

Phòng chống bệnh amíp.

Phòng tập thể:

Đối với người bệnh: người mắc bệnh amíp lị cấp tính hoặc mạn tính phải được điều trị triệt để, nghĩa là phải xét nghiệm phân tới khi không còn amíp (cả thể kén và các thể hoạt động...).

Chủ động kiểm tra phân để phát hiện những người lành thải kén và điều trị cho họ. Đặc biệt chú ý những người làm nghề nấu ăn, chế biến thực phẩm, bánh kẹo, cô nuôi dạy trẻ... cần có chế độ kiểm tra phân với những đối tượng kể trên  (6 tháng/một lần). 

Giải quyết tốt các vấn đề quản lí và sử dụng phân người: hố xí đúng quy cách hợp vệ sinh. Phải xử lí đúng quy cách nguồn phân trước khi đưa ra sử dụng trong nông nghiệp. Tuyệt đối không dùng phân tươi.

Quản lí nguồn nước: nước ăn, nước rửa cần phải hợp vệ sinh (qua lọc, đánh phèn, thuốc sát trùng...).

Chống ô nhiễm thức ăn: thức ăn phải được che đậy cẩn thận. Sử dụng các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột... có hiệu lực. Phát động, duy trì các biện pháp vệ sinh tập thể, vệ sinh cá nhân. Tổ chức duy trì các chế độ nhúng bát đĩa vào nước sôi trước khi ăn.

Phòng cá nhân:

Không phóng uế bừa bãi.

Không uống nước chưa đun sôi, không ăn rau và quả sống nếu không đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top