✴️ Nấm Malassezia furfur

Nội dung

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC.

Malassezia furfur (Pityrosporum ovale): là một loại nấm men, ưa keratin, ưa lipit, rất khó nuôi cấy. Bình thường M.furfur sống hoại sinh trên da người, lây nhiễm từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp qua khăn lau, giường chiếu…

 

VAI TRÒ Y HỌC.

Nấm gây bệnh khi có các điều kiện thuận lợi như đổ mồ hôi nhiều, xoa kem có chất béo lên da, tăng cortisone máu…, ngoài ra còn có vai trò của yếu tố di truyền.

Nấm có thể gây lang ben (Pityriasis versicolor), viêm nang lông (Pityriasis folliculitis), viêm da tăng tiết bã (seborrhoeic dermatitis), gầu (dandruff), đôi khi xâm nhập máu gây nhiễm nấm máu. 

Lang ben (pityriasis versicolor): vị trí tổn thương hay gặp chủ yếu ở 1/2 phía trên thân người (mặt, cổ, lưng, ngực...), hiếm gặp ở đùi và cẳng chân. Nấm ngăn cản hấp thu tia cực tím trong ánh sáng mặt trời nên càng ra nắng da lành càng sẫm màu, nơi tổn thương càng nổi rõ. Nơi da bị nhiễm nấm thường có những mảng da đổi màu ranh giới rõ, có thể trắng, hồng, màu vàng hoặc nâu phụ thuộc sắc tố da bình thường, sự tiếp xúc ánh sáng mặt trời và mức độ bệnh, thường thành đám, có vảy. Khi ra nắng hoặc khi có mồ hôi  ngứa ngáy râm ran khó chịu, như kim đâm. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi 15 - 17 tuổi (tuổi dậy thì) nên còn gọi là bệnh lang lớn, cũng có thể gặp ở trẻ em và người già.  

Hình 18.9Lang ben.

Viêm da tăng tiết bã: M.furfur kết a) vùng da bệnh, b) vùng da lành. hợp với nhiều yếu tố của vật chủ là  nguyên nhân gây viêm da tăng tiết bã, biểu hiện nhẹ nhất là gàu. Các yếu tố của vật chủ như  yếu tố di truyền, rối loạn nội tiết và thần kinh (bệnh Parkinson), chất bã (tăng esters, chuyển dịch từ triglicerides sang các loại acid béo chuỗi ngắn), kiềm hoá da (tăng mồ hôi), các yếu tố ngoại vi như chèn ép tại chỗ, bệnh hay gặp ở bệnh nhân AIDS. Biểu hiện lâm sàng gồm ban đỏ, có vảy, ngứa. Tổn thương tập trung chỗ nhiều chất bã như da đầu, mặt, lông mày, tai, thân trên.  

Viêm nang lông (pityriasis folliculitis): tổn thương dạng sẩn hoặc mủ quanh nang lông, ngứa khi bệnh nhân ra nắng. Các tế bào men sinh sản mạnh và làm bít các lỗ chân lông.

Nhiễm nấm máu (fungaemia): M.furfur cũng có thể gây nấm máu ở người nuôi dưỡng các dịch lipit bằng catheter, những bệnh nhân này có thể có huyết khối (embolic) ở phổi hoặc cơ quan khác. 

 

CHẨN ĐOÁN.

Chiếu đèn Wood lên da, chỗ tổn thương sẽ phát huỳnh quang màu vàng xanh lá cây nhạt.

Xét nghiệm trực tiếp: soi trực tiếp vẩy da trong KOH 20% hay xanh methylen thấy những tế bào nấm men tròn (kích thước tới 8 µm) và những sợi nấm (2,5 - 4 µm) ngắn, cong, ít phân nhánh, đôi khi gặp những tế bào hình oval, hình trụ, 1,5 - 2,5 x 3 - 3,5 µm, thành đám. 

Hình 18.10: Sợi nấm và tế bào nấm men của  M.furfur trong vẩy da.

1.Sợi nấm, 2. Tế bào nấm men.

Nuôi cấy: ít làm chỉ khi nghi ngờ nấm máu, nấm rất khó mọc, môi trường Sabouraud có kháng sinh, cycloheximid phủ một lớp dầu olive.

 

ĐIỀU TRỊ.

Bôi dung dịch BSI, ASA 1- 2% kết hợp bôi mỡ benzosali thời gian 2 - 3 tuần.

Tốt nhất là dùng azole tại chỗ, có dạng kem, dung dịch, dầu gội hoặc xà phòng (sastid, kelog, nizoral). 

Trong những trường hợp nặng có thể uống ketoconazole (400 mg/ngày x 5 - 10 ngày), itraconazole (200 mg/ngày x 5 - 7 ngày). Màu sắc da trở về bình thường chậm trong nhiều tháng sau khi đã điều trị hết nấm. Bệnh hay tái phát, do đó cần điều trị dự phòng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top