Nói chung bệnh sán dây bò, phổ biến hơn sán dây lợn. Theo ước tính trên thế giới có khoảng 39 triệu người nhiễm. Theo thống kê của Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, đến năm 2004, ở Việt Nam đã có 49 tỉnh thành phát hiện bệnh nhân có sán dây bò.
ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỂ
Sán trưởng thành:
Sán trưởng thành dài 4 - 12 m, hoặc có thể dài hơn nữa.
Thân có khoảng 1.200 - 2.000 đốt.
Đầu sán: hơi dẹt, đường kính khoảng 1- 2 mm, có 4 giác, không có vòng móc.
Cổ: dài khoảng 5 mm, hẹp.
Các đốt sán: gần đầu, chiều ngang lớn hơn chiều dọc, càng xa đầu chiều dài càng lớn hơn chiều ngang. Kích thước trung bình mỗi đốt từ 6 - 20 x 10 - 12 mm.
Tử cung chứa đầy trứng (khoảng 100.000 trứng).
Hình 12.10: Sán dây T.saginata trưởng thành.
Các đốt sán:
Các đốt gần cổ (đốt non) chưa có cấu tạo gì bên trong rõ rệt, chỉ chứa mầm phôi thai của cơ quan sinh dục. Các đốt càng xa cổ càng già, có thể chia ra làm ba loại đốt:
Đốt non: bộ phận sinh dục đực xuất hiện trước và chiếm ưu thế, bộ phận sinh dục cái xuất hiện sau.
Đốt trưởng thành: có cả bộ phận sinh dục đực và cái phát triển hoàn thiện và cân đối.
Đốt già: bộ phận sinh dục cái xuất hiện trước và chiếm ưu thế, toàn đốt chỉ gồm có tử cung phân nhánh, chứa đầy trứng, bộ phận sinh dục đực chỉ còn lại dấu vết của đường dẫn tinh, các bộ phận khác thoái hoá hết. Lỗ sinh dục mở ra bên cạnh đốt, xen kẽ không đều nhau giữa các đốt.
Trứng:
Trứng màu nâu xẫm, rất giống trứng của sán dây lợn, khó phân biệt.
Nang ấu trùng sán dây bò:
Là một bọc chứa đầy chất lỏng trong đầu ấu trùng, không có móc, có bốn giác gọi là “gạo bò”, ở thịt bò có kích thước 7,5 - 10 x 4 - 6 mm.
ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
Sán dây bò kí sinh ở ruột non người.
Hình 12.13: Vòng đời sinh học của sán dây T.saginata.
Những đốt sán già tự động ngắt ra khỏi thân sán, chủ động bò ra hậu môn, rồi bò ra quần áo, giường chiếu. Vì vậy bệnh nhân thường biết là mình có bệnh. Các đốt sán rụng ra thành những đơn vị độc lập, chuyển động nhờ những cơ rất khoẻ, chúng có thể bò lên bụng, lên nách bệnh nhân hoặc bò khắp giường chiếu. Hàng ngày thân sán có thể mọc dài ra 3 - 28 đốt.
Các đốt sán già rơi ra ngoại cảnh vỡ ra, giải phóng hàng trăm nghìn trứng. Trâu, bò ăn phải đốt sán, vào tới ruột trứng sán nở ra ấu trùng, ấu trùng rơi vào hệ tuần hoàn về tim vào đại tuần hoàn đi tới các cơ vân hình thành nang ấu trùng ở cơ của trâu, bò, gọi là “gạo bò” (cysticercus - bovis).
Nang ấu trùng thấy nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông… của trâu, bò.
Nếu người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng, chưa được nấu chín hoặc tái, sống thì nang ấu trùng vào ruột người rồi ấu trùng thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, bám vào màng ruột và phát triển thành sán trưởng thành, trong từ khoảng 8 - 10 tuần.
Hình 12.14: Nang ấu trùng sán dây bò trong cơ.
Người là vật chủ chính. Trâu, bò là vật chủ phụ. Sán dây bò có thể sống trong cơ thể người từ 20 - 30 năm.
Trước đây quan niệm rằng: người chỉ mắc bệnh sán trưởng thành không mắc bệnh ấu trùng. Nhưng hiện nay người ta thấy hầu hết các loại sán dây người đều có thể mắc cả bệnh sán trưởng thành và bệnh ấu trùng. Nhưng hiếm thấy người mắc bệnh ấu trùng của sán dây bò hơn.
Theo thông báo của Han Jong Rin, khoa Kí sinh trùng, trường Đại học Y Triều Tiên cho biết: sán dây bò châu Á cho đến nay được nhận dạng là T.saginata và thấy rõ sự khác biệt qua mô tả chu kì phát triển và gần đây được đặt tên là T.saginata taiwanesis (1992). Sự khác nhau chủ yếu giữa các sán dây T.saginata và sán dây mới T.saginata châu Á là vật chủ trung gian và mô nhiễm.
Ấu trùng sán dây T.saginata châu Á được tìm thấy trong gan của lợn nhiều hơn trong cơ của bò.
VAI TRÒ Y HỌC
Do kích thước của sán dây bò rất lớn, nên thường gây những rối loạn tiêu hoá với các triệu chứng: đau tức vùng thượng vị, đau bụng khi đói, ỉa lỏng, sút cân, đôi khi buồn nôn.
Người mắc bệnh sán dây bò còn bị những tác động tâm lí nặng nề, khó chịu và ghê sợ, khi nhìn thấy những đốt sán tự rụng ra, bò khắp nơi: giường, chiếu, quần áo…
Thường rất hiếm thấy người mắc bệnh ấu trùng sán dây bò.
CHẨN ĐOÁN
Cần chẩn đoán phân biệt với sán dây lợn theo bảng dưới đây.
Bảng so sánh phân biệt sán dây lợn và sán dây bò:
ĐIỀU TRỊ
Giống như điều trị sán dây lợn trưởng thành.
DỊCH HỌC VÀ PHÒNG CHỐNG
Nhìn chung, phòng chống sán dây bò giống như sán dây lợn. Sán dây phân bố rộng rãi trên thế giới.
Trâu bò mắc bệnh do ăn cỏ có trứng sán, những cánh đồng cỏ hai bên bờ sông bị ngập nước, trứng sán bò vẫn có thể sống lâu hơn 8 tuần lễ. Bò con dưới 1 tuổi dễ nhiễm bệnh sán. Bò lớn hơn có miễn dịch một phần.
Các xứ sở theo đạo Hồi như Ấn Độ… rất hiếm bị bệnh sán dây bò vì kiêng thịt bò.
Hiện nay có xu hướng phòng bệnh cho trâu, bò bằng cách tiêm vaccin tạo cho bò không nhiễm sán. Dùng kháng nguyên điều chế từ oncospheres cho bò cái uống. Kháng thể IgA do tế bào lympho B ở niêm mạc tăng tiết. Từ đó IgA chuyển sang tuyến vú và IgA có trong sữa bò cái. Bê bú sữa này có kháng thể IgA có khả năng chống nhiễm sán.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh